Xã hội

Thầm lặng những chuyến đò

Ngày 5-9, cùng với hàng triệu học sinh trong cả nước, ở điểm trường Tắk Pổ, cách trung tâm huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam 10km đã diễn ra lễ khai giảng năm học mới đơn sơ, ấm áp. 2 cô giáo trẻ chưa lập gia đình cùng với 34 học sinh con em đồng bào Ca Dong sống bám vào hông các khối núi trên dãy Ngọc Linh thực hiện đầy đủ các nghi thức của lễ khai giảng: chào cờ, hát quốc ca, phát biểu chào mừng năm học mới...

Xem những hình ảnh ấy, không ai nén được xúc động.

Hình ảnh cô và trò trong ngày khai giảng năm học mới tại điểm trường vùng cao xa nhất của tỉnh Quảng Nam
Hình ảnh cô và trò trong ngày khai giảng năm học mới tại điểm trường vùng cao xa nhất của tỉnh Quảng Nam

Giữa núi rừng hoang sơ, cô giáo trong chiếc áo dài hồng cùng những học sinh người dân tộc, có em mặc đồng phục, nhưng có em còn lấm lem bùn đất, cầm cờ đỏ sao vàng, nở nụ cười tươi rói, xa xa là dãy phòng học tạm bằng gỗ, lợp tôn. Hình ảnh đẹp về tình thầy trò ở nơi heo hút đã khiến cho bao trái tim thổn thức. Giá trị đích thực của người thầy là đây, chân thật và sống động.

Hay như mới đây, trong chương trình Thay lời tri ân do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, những thầy cô gắn bó cả đời với vùng cao Tây Bắc hay mảnh đất Tây nguyên đã thực sự là những tấm gương sống động về sự hy sinh thầm lặng “cõng con chữ” đến với người dân. Những thầy cô giáo ấy đang hằng ngày, hằng giờ vượt qua những khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng tư để bám lớp, bám trường. Có thầy cô dù hết thời gian công tác theo quy định nhưng không nỡ rời xa học sinh, tự nguyện ở lại, cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người ở những vùng xa xôi, heo hút.

Ngay tại Đồng Nai, vẫn còn nhiều thầy cô hằng ngày vượt quãng đường dài vào những điểm trường lẻ để dạy chữ cho học trò. Không ít thầy cô hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng luôn giữ vững đạo đức nhà giáo, hết lòng vì học trò. Nhiều thầy cô luôn đau đáu với câu hỏi làm sao và làm như thế nào để trang bị kiến thức tốt nhất cho học sinh nên không ngừng mày mò, sáng tạo nên những tiết học sinh động, hấp dẫn. Thầy cô không chỉ trang bị cho học sinh về tri thức mà còn giúp các em trở thành những người tử tế. Thầy cô vẫn thầm lặng chở những chuyến đò qua sông mà không đòi hỏi được đền đáp lại…

Phát biểu trong chương trình Thay lời tri ân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Có rất nhiều thầy cô giáo từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng tới vùng núi cao đang góp sức cho sự đổi mới giáo dục một cách giản dị mà cao quý. Mong rằng dù trong hoàn cảnh nào, các thầy cô giáo cũng luôn giữ trọn tâm huyết, đam mê với nghề, là tấm gương về trí tuệ, đạo đức cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội đã dành cho nghề giáo”.

M.N

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,809,810       17/953