Sinh viên khối ngành công nghệ, kỹ thuật có nhiều lợi thế để khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhưng cần trang bị kiến thức, kỹ năng, tư duy, trải nghiệm thực tế trước khi thực sự khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Sinh viên khối ngành công nghệ, kỹ thuật có nhiều lợi thế để khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, sinh viên cần trang bị kiến thức, kỹ năng, tư duy, trải nghiệm thực tế trước khi thực sự khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
PGS-TS.Phạm Đình Anh Khôi, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Trường đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh) trả lời các câu hỏi của sinh viên về khởi nghiệp công nghệ. Ảnh: H.Yến |
Khởi nghiệp sáng tạo là việc thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
* Khởi nghiệp công nghệ: khó nhưng hấp dẫn
Theo PGS-TS.Phạm Đình Anh Khôi, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường đại học bách khoa (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), khởi nghiệp công nghệ đòi hỏi 3 yếu tố: tính mới, có giá trị; tính sáng tạo; tính khả thi. Trong đó, tính sáng tạo thường là việc thực hiện một quy trình phức tạp, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức.
Để tinh thần khởi nghiệp lan xa Hiện nay, Trường đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng nền văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà ở đó các giảng viên, sinh viên sẽ thường xuyên trao đổi với nhau về khởi nghiệp. Trường thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên, sinh viên về khởi nghiệp; một số môn học liên quan đến vấn đề khởi nghiệp cũng được đưa vào trong chương trình chính khóa bậc đại học, cao học… Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ còn hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn cho các trường đại học khác. |
Sinh viên của Trường đại học bách khoa nói riêng và sinh viên các ngành kỹ thuật, công nghệ nói chung có nền tảng khoa học - công nghệ, kỹ thuật để có thể tham gia khởi nghiệp công nghệ. Tuy nhiên, họ lại không có được nền tảng về các mô hình kinh doanh, thiếu sự nhạy bén với thị trường, nhạy bén với khách hàng…
Do vậy, nếu tự mình bắt tay vào khởi nghiệp công nghệ mà chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các kiến thức, kỹ năng, tư duy, trải nghiệm thực tế thì sinh viên khó có thể thành công.
Mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng khởi nghiệp công nghệ vẫn là một lĩnh vực có sức hút lớn. Bởi lẽ, nếu trụ lại được trên thị trường thì những doanh nghiệp công nghệ sẽ có cơ hội kiếm được doanh thu lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh và có khả năng vươn tầm thế giới. Thành công của các doanh nghiệp công nghệ như: Facebook, Grab, Uber, Giao hàng nhanh… là những ví dụ điển hình.
* Cần có sự cam kết mạnh mẽ của bản thân
Trả lời câu hỏi sinh viên có nên khởi nghiệp công nghệ hay không, PGS-TS.Phạm Đình Anh Khôi chia sẻ: “Để khuyến khích sinh viên khởi nghiệp thực sự (theo nghĩa kiếm ra tiền) khi còn học ở trường đại học thì theo tôi là không nên. Vì trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ chính của các em vẫn là học tập. Thực tế, có nhiều trường hợp sinh viên khởi nghiệp đã bỏ học trong khi khởi nghiệp lại không thành công”.
Theo PGS-TS.Phạm Đình Anh Khôi, khởi nghiệp nên hiểu rộng hơn là khởi sự một nghề nghiệp. Sinh viên nên khởi nghiệp theo cách là trang bị kiến thức, kỹ năng, tư duy, trải nghiệm thực tế để làm tăng giá trị của bản thân đối với mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp. Khi tốt nghiệp, sinh viên có thể ứng tuyển vào bộ phận nghiên cứu phát triển, các phòng kỹ thuật trong các công ty để phát triển sản phẩm đáp ứng cho thị trường. Như vậy, nếu xem khởi nghiệp là tạo giá trị cho bản thân (kiến thức, kỹ năng chứ không phải chỉ có tiền) thì sinh viên nên khởi nghiệp.
Các điều kiện mà sinh viên cần chuẩn bị để khởi nghiệp là: kiến thức, động lực, tài chính, kinh nghiệm làm việc, uy tín trong lĩnh vực chuyên môn, có mục tiêu rõ ràng, đam mê trong lĩnh vực kinh doanh; tìm hiểu về thị trường, đối thủ cạnh tranh... Điều quan trọng nhất là khi đã xác định theo đuổi thì bản thân cần có sự cam kết mạnh mẽ.
Thực tế, hiện nay chưa có nhiều sinh viên tham gia khởi nghiệp (con số chỉ khoảng 2-5%). Tuy vậy, nhiều sinh viên khi có ý định tham gia khởi nghiệp đã chịu khó tìm hiểu kỹ các thông tin, kiến thức liên quan đến khởi nghiệp. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Bởi vì khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, cần chất lượng hơn số lượng.
Để hỗ trợ sinh viên chuẩn bị nền tảng khởi nghiệp công nghệ, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ đã tổ chức nhiều hoạt động như: đào tạo các khóa ngắn hạn cho sinh viên về khởi nghiệp; tổ chức hoạt động câu lạc bộ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ sinh viên sinh hoạt các chuyên đề về khởi nghiệp; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp; tổ chức hoạt động truyền thông: cuộc thi về khởi nghiệp…
Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên của trường và các cá nhân bên ngoài. Các hoạt động hỗ trợ chính là: dịch vụ thuế, sở hữu trí tuệ, không gian làm việc chung, phòng thí nghiệm, kết nối nhà đầu tư…
Mới đây, trong cuộc thi khởi nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức, một nhóm sinh viên của Trường đại học bách khoa đã kết hợp với sinh viên Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh tham gia cuộc thi. Đây là một cách làm hay để sinh viên của các trường phát huy được thế mạnh đồng thời khắc phục được điểm yếu của mình để “tập tành” khởi nghiệp.
Sinh viên Hàn Thọ Hòa (ngành Điện tử viễn thông Trường đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh) từng tham gia 2 cuộc thi khởi nghiệp do nhà trường tổ chức. Năm nay, anh tiếp tục thực hiện dự án khởi nghiệp. Hòa cho biết: “Để thực hiện dự án khởi nghiệp mới, tôi kết hợp với một sinh viên Trường đại học y Phạm Ngọc Thạch để tìm ra ý tưởng, ứng dụng kỹ thuật trong lĩnh vực sức khỏe. Về mảng kinh tế, tôi liên hệ một sinh viên Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh để hỗ trợ về kế hoạch kinh doanh. Mục tiêu của tôi là được vào tốp 20 của Cuộc thi Khởi nghiệp BK Innovation. Theo tôi, sinh viên khối ngành công nghệ, kỹ thuật nên khởi nghiệp từ thời sinh viên theo hướng làm các bản dùng thử cho các bạn trong lớp sử dụng và khảo sát. Từ đó có hướng đổi mới, cải tiến sản phẩm trước khi thử bán sản phẩm ra bên ngoài”. |
Hải Yến