Những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng mạnh và có những diễn biến phức tạp.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh:H.Dung |
Lượng bệnh đông, vượt quá số giường bệnh mà các bệnh viện hiện có đã gây áp lực không nhỏ cho bệnh viện và đội ngũ y, bác sĩ điều trị, chăm sóc...
* Vẫn còn chủ quan trong phòng bệnh
Anh Nguyễn Văn Phương (40 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) vừa kết thúc 10 ngày điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai. Anh Phương cho biết, anh sốt cao li bì 400C, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu, xét nghiệm máu mới biết bị sốt xuất huyết. Đây là lần đầu tiên anh Phương mắc bệnh này.
Trong khi đó, anh Đinh Văn Hữu (33 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) đang điều trị sốt xuất huyết ngày thứ 4 tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành cho hay, anh làm công nhân tại một công ty trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, ở trọ trong dãy nhà trọ công nhân ẩm thấp và nhiều muỗi. Cho rằng sức khỏe tốt nên anh Hữu và nhiều công nhân khác thường ngủ không mắc mùng, cũng không có biện pháp diệt muỗi.
2 ngày đầu tiên bị sốt cao, anh Hữu xin công ty nghỉ làm ở nhà, “ra phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn huyện để thăm khám. Tại đây, phòng khám tiến hành xét nghiệm máu và kết luận anh Hữu bị sốt xuất huyết, truyền 4 chai nước, cho 3 ngày thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, uống hết ngày thuốc đầu tiên, anh Hữu không cảm thấy khá hơn mà còn mệt mỏi, đau đầu, chán ăn. Anh quay lại phòng khám đa khoa tư nhân để khám, xét nghiệm máu, nhận thấy tiểu cầu của anh Hữu xuống quá thấp, phòng khám này mới chuyển anh vào Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành.
Cũng đang ở trọ tại dãy trọ công nhân ở xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), bà Mai Thị Đớn (64 tuổi) cho hay, bà vào bệnh viện điều trị sốt xuất huyết đã được 3 ngày. Ở khu vực bà ở trọ có nhiều người cũng bị sốt xuất huyết, cháu ruột của bà cũng mới bị sốt xuất huyết và xuất viện cách đây 1 tuần. Chia sẻ về lý do mắc bệnh, bà Đớn thật tình cho biết: “Do có nhiều người bị sốt xuất huyết nên các cơ quan chức năng có đến khu nhà trọ chúng tôi đang ở để phun thuốc diệt muỗi. Chúng tôi cứ nghĩ phun thuốc như vậy thì sẽ không còn muỗi nên đi ngủ không giăng mùng. Đến khi bị sốt cao, người uể oải, đi khám biết bị bệnh sốt xuất huyết thì đã quá muộn”.
* Bệnh viện quá tải
Bác sĩ Trần Thị Hiên, phụ trách Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành cho biết, khoa chỉ có 65 giường bệnh nhưng thời điểm hiện tại đang điều trị cho gần 80 bệnh nhân, trong đó hầu hết là bệnh sốt xuất huyết. Có những thời điểm bệnh nhân nhập viện đông lên đến gần 120 bệnh nhân, bệnh viện phải nằm ghép hoặc kê giường ra ngoài hành lang mới có đủ chỗ nằm.
Trong tuần gần đây, toàn tỉnh ghi nhận 522 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 129 ca so với tuần trước đó. Số ca mắc bệnh tăng nhiều ở TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 18,3 ngàn ca sốt xuất huyết, tăng 1,98 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh cũng ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 1 ca so với cùng kỳ năm 2018. |
“Năm nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều ca bệnh nặng hơn mọi năm nên các y, bác sĩ cũng vất vả hơn nhiều. Thông thường các trường hợp sốt xuất huyết điều trị khoảng 7 ngày, ổn là có thể được xuất viện nhưng nay có những ca phải điều trị gần nửa tháng mới được xuất viện. Đặc biệt, có rất nhiều ca sốt xuất huyết điều trị ở phòng khám tư không khỏi, đến lúc bệnh nặng mới vào bệnh viện, gây không ít khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị” - bác sĩ Hiên chia sẻ.
Trong khi đó, bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, từ nhiều tháng nay, cả 2 khoa khiễm khu A và B của bệnh viện đều trong tình trạng quá tải bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết. Những tuần gần đây, mỗi tuần Bệnh viện đa khoa Đồng Nai điều trị cho từ 1-3 ca bị sốc sốt xuất huyết. Bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết phải được truyền dịch, cao phân tử, truyền máu, thậm chí có lúc cần truyền tiểu cầu.
Do bệnh viện không có sẵn tiểu cầu nên phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) để mua, nhưng cũng có khi không có sẵn, đành phải chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị. “Lượng bệnh quá đông trong khi nguồn nhân lực chỉ có 5 bác sĩ làm việc từ lâu và 2 bác sĩ mới được tuyển cách đây vài tháng nên công việc của các y, bác sĩ luôn trong tình trạng quá tải” - bác sĩ Hùng bộc bạch.
Các bác sĩ khuyến cáo, từ nay đến hết năm 2019 với thời tiết mưa nhiều cộng với điều kiện vệ sinh môi trường chưa tốt sẽ là cơ hội để muỗi sinh sôi, phát triển nhanh chóng. Do đó, mỗi người dân cần phải có ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho mình và những người thân trong gia đình bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khơi thông các cống, rãnh thoát nước, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, tránh để muỗi đẻ trứng, thả cá tiêu diệt lăng quăng trong các bể chứa nước. Thời điểm chập tối và sáng sớm muỗi thường hoạt động nhiều nên người dân cần phun xịt thuốc diệt muỗi, mặc quần áo dài tay, giăng mùng khi đi ngủ kể cả buổi trưa.
Khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết như: sốt cao liên tục không hạ, người mệt mỏi, chán ăn, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không nên tự ý mua thuốc điều trị hoặc đến các phòng khám tư không đảm bảo chất lượng để điều trị bởi có thể sẽ khiến bệnh trở nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị sau này.
Hạnh Dung