Xã hội

Cảnh giác với bệnh dại

Do không phải là căn bệnh lan thành dịch nên người dân dường như "quên" mất căn bệnh dại và khá chủ quan khi bị chó, mèo cào hoặc cắn.

Do không phải là căn bệnh lan thành dịch nên người dân dường như “quên” mất căn bệnh dại và khá chủ quan khi bị chó, mèo cào hoặc cắn.

Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh
Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh

Gần đây nhất, 3 người đàn ông ở các tỉnh Quảng Nam, Long An và Cà Mau đã tử vong sau 1-3 tháng bị chó, mèo cắn, cào xước chân tay. Để hiểu rõ hơn mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.

* Hiện nay, chó, mèo đang là thú cưng của nhiều gia đình. Khi bị chó, mèo cào, người dân có bắt buộc phải đi tiêm ngừa không, thưa bác sĩ?

- Vài năm trước, tỉnh đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại rất đau lòng. Bệnh nhân phát bệnh và tử vong sau hơn 3 năm bị mèo cắn vào bàn tay. Cụ thể, ông Lê Văn B. (ngụ ấp Hiệp Lực, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) rơi vào tình trạng mệt mỏi, sợ gió, sợ nước, thở rít vài ngày liên tục. Thấy vậy, gia đình ông B. đã nhanh chóng đưa ông nhập viện… nhưng ông không thể qua khỏi vì đã lên cơn dại.

Theo lời kể của người nhà ông Lê Văn B., sau khi ông B. bị mèo cắn, người nhà đã sơ cứu và cầm máu bằng băng keo cá nhân cho ông. Vì chủ quan, ông B. không đi tiêm vaccine ngừa dại. Nhưng 3 năm sau, ông B. đã tử vong do vết cắn của con mèo nhà nuôi. Lúc ấy, mọi người trong gia đình đều hối hận nhưng đã muộn.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên tiếc nuối khi người thân chết vì bệnh dại do chủ quan không tiêm vaccine khi bị chó mèo cắn, cào. Khi bị chó, mèo cào hoặc cắn mà người dân không tiêm vaccine, khả năng bị bệnh dại là rất lớn.

Bệnh dại khi đã lên cơn thì không thể điều trị, gần như 100% là tử vong. Bệnh dại chỉ có thể dự phòng ngay từ đầu bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại. Đây là cách duy nhất để tránh mắc bệnh dại sau khi bị phơi nhiễm virus dại.

* Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2017 số ca phơi nhiễm dại ở tỉnh tăng vọt với gần 16 ngàn ca phải tiêm phòng dại do bị chó, mèo cắn (tăng gấp đôi so với năm 2015, 2016). Trong 6 tháng của năm 2019, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 12 ngàn ca phải tiêm phòng dại (tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2018). Như vậy, số ca bị mèo, chó cắn có xu hướng tăng. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Những năm gần đây, số người dân tiêm vaccine phòng dại tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều trường hợp phải tiêm cả huyết thanh kháng dại do vết thương nguy hiểm, con vật cắn lên cơn dại hoặc có triệu chứng dại; chưa ghi nhận ca tử vong.

Số ca phơi nhiễm với bệnh dại trong những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Năm 2013, cả nước có hơn 100 ca tử vong do bệnh dại. Số ca tử vong do bệnh dại còn lớn hơn cả số ca tử vong do sốt xuất huyết. Phần lớn các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm vaccine ngừa bệnh dại. Từ năm 2018, bệnh dại đột ngột có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại là 103 ca, tăng hơn so với năm 2017 là 29 ca. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận 46 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố.

Qua kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, hầu hết các bệnh nhân tử vong là do chủ quan và thiếu kiến thức về bệnh dại. Sau khi bị chó, mèo cắn, họ không đến cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh dại. Một số người dân còn cho rằng, tiêm vaccine phòng bệnh dại sẽ bị nóng trong người, giảm trí nhớ. Điều này là không đúng.

Bên cạnh một số người dân chủ quan không tiêm vaccine phòng bệnh dại khi bị vật nuôi cắn, cũng có bệnh nhân chủ động đi tiêm phòng, nhưng nhiều người lại không tiêm đủ liều, không đúng theo quy trình. Số bệnh nhân bỏ mũi đa số rơi vào đồng bào vùng sâu, vùng xa; điều kiện kinh tế khó khăn hoặc chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại.

Một nguyên nhân nữa là người dân không tự giác chấp hành quy định tiêm phòng bắt buộc cho vật nuôi, chính quyền địa phương lại không có chế tài xử lý nên tỷ lệ tiêm phòng luôn đạt thấp.

* Trước tình hình số vụ chó, mèo cắn đang gia tăng, ông có khuyến cáo gì với người dân?

- Thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay là điều kiện thuận lợi để virus gây bệnh dại trên đàn chó, mèo. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng chống bệnh dại trên người và động vật bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

- Đối với người bị chó, mèo cắn, cần nhanh chóng rửa sạch tất cả các vết cắn trong 3 lần, mỗi lần 5 phút dưới vòi nước sạch với xà phòng, hoặc rửa nước sạch rồi sau đó sát khuẩn bằng cồn để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Người dân có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như: rượu, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị chó, mèo cắn. Người dân cần tránh làm giập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn; tránh khâu kín ngay vết thương.

Sau khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân cần tiêm vaccine để phòng bệnh dại (ảnh minh họa). Ảnh: K.Ngọc
Sau khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân cần tiêm vaccine để phòng bệnh dại (ảnh minh họa). Ảnh: K.Ngọc

Điều quan trọng, sau khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân cần tiêm phòng vaccine ngừa dại càng sớm càng tốt, tiêm đủ 5 mũi trong vòng 28 ngày.

- Đối với chó, mèo cần phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ hằng năm; phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không thả rông chó ngoài đường; khi dắt chó ra nơi công cộng phải chú ý không để chó cắn người. Nếu chó, mèo có dấu hiệu của bệnh dại như: hay bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, bỏ ăn, nuốt khó, sốt, mắt đỏ ngầu, giãn đồng tử, chảy nước dãi, sùi bọt mép… cần báo ngay với cơ quan thú y gần nhất. Chó, mèo chết do mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại phải đem chôn đúng nơi quy định hoặc đốt xác.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Khánh Ngọc (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,809,748       21/953