(ĐN) - Ngày 7-11, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Lao động thương binh - xã hội (LĐTB-XH) đã tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá công tác chuẩn hóa về kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Sở LĐTB-XH 63 tỉnh, thành và đại diện các Bộ, ngành.
(ĐN) - Ngày 7-11, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Lao động thương binh - xã hội (LĐTB-XH) đã tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá công tác chuẩn hóa về kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hội nghị nhằm tổng kết 3 năm thực hiện Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10-3-2017 của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Sở LĐTB-XH 63 tỉnh, thành và đại diện các Bộ, ngành là đơn vị chủ quản của các cơ sở GDNN.
Ông Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai phát biểu ý kiến tại hội nghị |
Theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, cả nước hiện có trên 86 ngàn nhà giáo đang công tác tại gần 2.000 cơ sở GDNN. Chương trình đào tạo nghề nghiệp hiện nay thực hiện theo hướng tiếp cận năng lực. Do đó vai trò của nhà giáo dạy theo hướng mô đun, tích hợp đóng vai trò quan trọng và đang chiếm 77%, số nhà giáo dạy lý thuyết chiếm 23%. Có hơn 81 ngàn nhà giáo đã được đánh giá chuẩn kỹ năng nghề nghiệp. Trong đó có gần 76 ngàn nhà giáo đạt chuẩn (chiếm hơn 92%).
PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) đồng chủ trì phần trao đổi ý kiến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. |
Trong thời gian tới, Bộ LĐTB-XH sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức triển khai xây dựng các Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các ngành, nghề thuộc lĩnh vực đặc thù như văn hóa nghệ thuật, thể thao, giao thông vận tải…. để tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia…
Đồng Nai hiện có hơn 1.300 nhà giáo GDNN trong đó có hơn 1.000 nhà giáo thực hành, tích hợp (chiếm hơn 75%). Tính đến cuối năm 2018, Đồng Nai có 1.100 nhà giáo trong lĩnh vực này đã được đánh giá đạt chuẩn (chiếm hơn 85%).
Tin, ảnh: H.Yến