Xã hội

Mất tiền oan vì xuất khẩu lao động 'chui'

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, đến nay chưa có trường hợp người lao động nào trong tỉnh đi xuất khẩu lao động theo con đường chính thống gặp trục trặc hay bị mất tiền mà không có được công việc như hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, đến nay chưa có trường hợp người lao động (NLĐ) nào trong tỉnh đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo con đường chính thống (thông qua các doanh nghiệp đã được cấp phép) gặp trục trặc hay bị mất tiền mà không có được công việc như hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp.

Do đặc thù là tỉnh công nghiệp, dễ tìm việc làm nên người dân Đồng Nai chưa mặn mà với xuất khẩu lao động. ảnh: H.Dung
Do đặc thù là tỉnh công nghiệp, dễ tìm việc làm nên người dân Đồng Nai chưa mặn mà với xuất khẩu lao động. ảnh: H.Dung

TIN LIÊN QUAN
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp NLĐ đi XKLĐ “chui”, thông qua các cá nhân không có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp XKLĐ ngoài tỉnh đã không đạt được kết quả như mong muốn.

* Nếm “trái đắng”

Tháng 4-2019, Sở Lao động - thương binh và xã hội nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của 2 cá nhân ở phường Xuân Bình (TP.Long Khánh) trình báo việc mẹ, vợ của họ là Phạm Thị Sáu đi XKLĐ sang Liên bang Nga từ tháng 11-2018 theo chương trình XKLĐ của một công ty. 1 tháng sau khi sang Liên bang Nga, bà Sáu không được làm công việc như trước đó đã thỏa thuận với một cá nhân môi giới và công ty đưa bà đi XKLĐ. Bà Sáu phải làm việc quá 8 tiếng/ngày, bị đau ốm nhưng không được phép nghỉ để chữa bệnh mà vẫn phải làm việc, lại bị giữ hết giấy tờ nhân thân bản gốc. Bà Sáu nhiều lần gọi điện về nói với chồng, con khẩn thiết cầu cứu cơ quan chức năng hỗ trợ để bà chấm dứt hợp đồng lao động, về đoàn tụ với gia đình vì không thể chịu nổi áp lực công việc. Gia đình bà Sáu đã bán hết nhà cửa nộp số tiền 4,9 ngàn USD cho công ty đưa bà Sáu đi XKLĐ để công ty này thanh lý hợp đồng lao động với bà Sáu.

Một trường hợp khác là anh T.V.Q. (hiện là công nhân Công ty TNHH Tenma, Khu công nghiệp Biên Hòa 2) vẫn chưa quên những năm tháng khổ cực khi đi XKLĐ chui tại Đài Loan (Trung Quốc) 5 năm về trước. Anh Q. cho hay ngày đó anh cùng một số người cùng quê Quảng Bình ra Phú Thọ làm hồ sơ đi XKLĐ qua Đài Loan với mức phí 60 triệu đồng/người. Công ty XKLĐ cho biết công việc là làm trong xưởng gỗ, hứa hẹn khoảng 3 tháng sẽ hoàn lại vốn.

Tuy nhiên khi bay đến Đài Loan, anh Q. phải mất 1 tuần để tìm chỗ ở. Sang tuần thứ 3 mới có công việc nhưng không phải làm gỗ mà làm nghề xây dựng. “Hằng ngày, ngồi trên lầu 19 cột sắt để đổ cột, dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi hầu như không chịu được. Chưa kể, ăn uống thất thường, công việc làm gấp đôi, gấp 3 lần so với ở Việt Nam. Tinh thần suốt ngày lo sợ vì không có giấy tờ lao động hợp pháp, phải sống ẩn dật trong những căn nhà nhỏ, sống còn khổ hơn ở quê, nhưng thu nhập tính ra tiền Việt Nam không ăn thua” - anh Q. nhớ lại.

Còn anh Nguyễn Văn Thọ (ngụ xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) thì đang vô cùng ngán ngẩm vì đã nộp 100 triệu đồng cho một công ty XKLĐ tại TP.Hồ Chí Minh hơn 1 năm nay để được đi XKLĐ sang Nhật nhưng mãi vẫn chưa được “bay”.

Anh Thọ cho hay, trong một lần lướt Facebook, thấy có thông tin tuyển lao động làm việc tại Nhật Bản với mức lương cao, anh Thọ đã tìm đến tận công ty đóng tại TP.Hồ Chí Minh làm hồ sơ với mong muốn sẽ “đổi đời” sau vài năm làm việc tại xứ người.

Tại đây, anh được quản lý công ty cho hay, một suất qua Nhật làm việc khoảng 190 triệu đồng, trong đó NLĐ phải đóng trước 90 triệu đồng bao gồm làm hồ sơ, học tiếng Nhật và làm visa. Sau khi cầm visa, anh Thọ sẽ đóng nốt số tiền còn lại. Tuy nhiên làm thủ tục, giấy tờ, học tiếng Nhật và đóng tiền 90 triệu đồng từ tháng 8-2018 đến nay nhưng anh Thọ vẫn chưa được “bay”. Lý do mà công ty đưa ra là công ty bên Nhật chưa sắp xếp được công việc hợp lý. Suốt hơn 1 năm chờ đợi, anh Thọ vừa phải trả lãi số tiền vay, vừa không có việc làm. Chán nản, anh nhiều lần lên công ty đòi lại số tiền nhưng bị hứa hết tuần này đến tuần khác.

* NLĐ phải biết tự bảo vệ mình

Trước những trường hợp này, lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội khuyến cáo người dân không nên tin theo những lời hứa đường mật của các cá nhân không có chức năng đưa người đi XKLĐ kẻo mất một khoản tiền lớn mà không có được công việc như đã hứa, phải trốn chui, trốn lủi nơi xứ người vì cư trú bất hợp pháp. Để được XKLĐ sang nước ngoài, NLĐ phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về sức khỏe, trình độ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật…

Để hạn chế những rủi ro, nguy hiểm, NLĐ khi có nhu cầu đi XKLĐ cần tìm đến những đơn vị có giấy phép hợp lệ do Bộ Lao động - thương binh và xã hội cấp. NLĐ có thể lên mạng tìm danh sách các doanh nghiệp dịch vụ, các hợp đồng cung ứng lao động đã được chấp thuận tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước và danh sách các đơn vị đã được Sở Lao động - thương binh và xã hội có công văn chấp thuận cho đến các địa phương tuyển dụng.

Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ nội dung hợp đồng lao động. Một bản hợp đồng lao động tối thiểu cần phải ghi rõ tên người sử dụng lao động; tiền lương, tiền làm thêm giờ và các chế độ được hưởng; thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi; các khoản trợ cấp; các khoản chi phí cụ thể mà NLĐ, doanh nghiệp phải trả; các khoản khấu trừ từ lương; nhiệm vụ công việc và chi tiết về việc kết thúc hợp đồng… Đó sẽ là căn cứ pháp lý để quyền lợi NLĐ được đảm bảo. Với những hợp đồng lao động có nội dung sơ sài, không có đầy đủ những thông tin trên, NLĐ hoàn toàn có thể gặp rủi ro và chịu thiệt thòi.

Khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, NLĐ cần nhanh chóng liên hệ với các cơ quan chức năng để được giúp đỡ theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Hòa - An Yên - Tường Lâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,817,925       8/927