Xã hội

Khai thác tốt thị trường lao động nước ngoài

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cấp giấy phép cung ứng và XKLĐ.

Nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) của người lao động (NLĐ) tại Đồng Nai hiện còn hạn chế.

Thông tin từ Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cấp giấy phép cung ứng và XKLĐ. Ngoài ra, tại Đồng Nai có 37 doanh nghiệp khác đến từ TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa cũng được phép thực hiện công tác giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức. Arnh: H.Thảo
Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức. Ảnh: H.Thảo

TIN LIÊN QUAN
* Trên 2 ngàn lượt người XKLĐ

NLĐ có 2 hình thức để đi XKLĐ. Thứ nhất là thông qua các chương trình do Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội) tổ chức bao gồm: chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc; chương trình đi thực tập kỹ thuật và làm việc tại Nhật Bản theo thỏa thuận của Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Tổ chức IM Japan; chương trình điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức. Thứ hai là các chương trình của các doanh nghiệp XKLĐ được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cấp phép.

Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn cho 119 NLĐ có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (Chương trình EPS); hướng dẫn cho 7 NLĐ có nhu cầu tiếp tục đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS đăng ký hồ sơ gia hạn; hướng dẫn và tiếp nhận cho 41 NLĐ trúng tuyển làm hợp đồng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Đồng thời giới thiệu 6 doanh nghiệp có chức năng đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai và các phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện để giới thiệu tuyển chọn lao động.

Ngoài ra, Sở cũng tổ chức tuyển chọn ứng cử viên sang học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng tại Cộng hòa Liên bang Đức; tuyển dụng người đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) theo phương thức tuyển dụng trực tiếp; tuyển chọn điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại Nhật Bản…

Học viên ngành điều dưỡng của Tập đoàn Anh Vinh (TP.Biên Hòa) được đào tạo chuyên môn trước khi sang Nhật Bản làm việc. Ảnh: Công Nghĩa
Học viên ngành điều dưỡng của Tập đoàn Anh Vinh (TP.Biên Hòa) được đào tạo chuyên môn trước khi sang Nhật Bản làm việc. Ảnh: Công Nghĩa

Kết quả, có 389 lượt NLĐ trong tỉnh đã được XKLĐ thông qua các doanh nghiệp được cấp phép, trong đó có 308 lượt người sang Nhật Bản, chiếm 79,1%. Tiếp đến là Hàn Quốc (43 lượt người), Đài Loan (26 lượt người), các nước Trung Đông (7 lượt người), Ma Cau (Trung Quốc, 4 lượt người), Úc (1 lượt người)… NLĐ Đồng Nai sang nước ngoài chủ yếu làm giúp việc gia đình, lâm nghiệp, cơ khí xây dựng… Mức lương làm việc tại Nhật Bản khoảng 25-30 triệu đồng/tháng, tại Hàn Quốc từ 21-25 triệu đồng/tháng, ở những nước còn lại có mức lương thấp hơn. Theo thống kê, trong 10 năm qua, toàn tỉnh mới có hơn 2 ngàn lượt NLĐ đi XKLĐ.

Theo Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh, hoạt động XKLĐ là hướng đi quan trọng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo cho NLĐ. Tuy nhiên, NLĐ trong tỉnh lại chưa quan tâm nên số lượng người tham gia XKLĐ chưa cao.

Nguyên nhân do Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, NLĐ tìm kiếm việc làm tương đối dễ. Ngoài ra, mức lương cũng khá nên NLĐ không mấy mặn mà với XKLĐ như người dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Qua xem xét hồ sơ đăng ký đi XKLĐ của tỉnh, đa số những người tham gia XKLĐ không phải dân gốc Đồng Nai mà là người dân các tỉnh khác đến Đồng Nai làm ăn, sinh sống vài năm rồi đăng ký hộ khẩu thường trú tại Đồng Nai.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ tại Đồng Nai còn rất ít. Do vậy, NLĐ muốn tìm việc ở nước ngoài phải trực tiếp tìm kiếm các doanh nghiệp ở các địa phương khác hoặc thông qua các đơn vị, doanh nghiệp có đủ điều kiện được Sở Lao động - thương binh và xã hội cho phép giới thiệu, tuyển chọn lao động xuất khẩu để đăng ký.

* Nâng nhận thức của người dân về XKLĐ

Theo các cơ quan chức năng, một bộ phận NLĐ chưa tìm hiểu kỹ pháp luật, thông tin về thị trường lao động, các nội dung hợp đồng ký kết. Trong quá trình lao động, ý thức kỷ luật kém, chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật, thiếu tôn trọng tập quán, phong tục của nước sở tại. Tình trạng NLĐ bỏ trốn, phá hợp đồng ra ngoài làm việc vẫn diễn ra gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của NLĐ cũng như đất nước, con người Việt Nam…

Từ đầu năm 2019 đến nay, Đồng Nai có 1 NLĐ cư trú bất hợp pháp đi làm việc theo Chương trình EPS Hàn Quốc. Ngoài ra, tình trạng NLĐ sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý lao động khiến công tác theo dõi, quản lý NLĐ đi làm việc ở nước ngoài về nước còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý quá trình đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hoặc thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ ở nước ngoài. Khi NLĐ gặp rủi ro, chưa tích cực hỗ trợ giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ khiến phát sinh tranh chấp lao động.

Cách đây hơn 1 năm, tại buổi làm việc với các sở, ngành liên quan về công tác XKLĐ, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh thành lập tổ công tác hoặc ban chỉ đạo để chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhằm khai thác tốt thị trường lao động ở nước ngoài.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường lưu ý các sở, ngành liên quan cần tuyên truyền rộng rãi về những cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực XKLĐ để người dân được biết và tham gia. Đồng thời, quản lý chặt chẽ người Việt Nam trong tỉnh hiện đang làm việc ở nước ngoài, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, thời gian qua, các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng số lượt người tham gia XKLĐ hợp pháp. Đó là tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi liên quan đến những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, lợi ích và hiệu quả của hoạt động XKLĐ đến người dân tại các huyện, thành phố;  công khai danh sách các doanh nghiệp XKLĐ được phép hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức, tác phong làm việc, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, số doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và phòng tránh thiệt hại cho NLĐ.

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn cho NLĐ, đối với các doanh nghiệp ngoại tỉnh muốn đến Đồng Nai để tuyển dụng NLĐ đi XKLĐ, Sở yêu cầu trước hết phải có giấy phép do Bộ Lao động - thương binh và xã hội cấp theo quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải xuất trình được ít nhất 1 đơn hàng đã được ký trước với phía đối tác nước ngoài để làm căn cứ. Qua đó, Sở mới đồng ý cấp công văn chấp thuận để doanh nghiệp xuống các địa phương tuyển dụng lao động.

Đặc biệt, Sở cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ; giám sát các doanh nghiệp ở tỉnh khác có nhu cầu hợp tác, tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong XKLĐ; xử lý nghiêm những người đi XKLĐ tự ý phá bỏ hợp đồng, làm ăn phi pháp…

Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về việc hướng dẫn triển khai phái cử lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định người Việt Nam sau khi họ đã thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tên trong danh sách xác nhận của Bộ Lao động - thương binh và xã hội gồm: NLĐ có chứng chỉ ngoại ngữ và nghề theo tiêu chuẩn của Nhật Bản hoặc thực tập sinh, có ngành nghề phù hợp với ngành nghề lao động đặc định được phái cử bởi các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho phép. Những công dân Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản đã được cơ quan tiếp nhận lao động tuyển dụng trực tiếp gồm: những người được miễn các kỳ thi và kiểm tra, du học sinh đã tốt nghiệp khóa học ít nhất 2 năm tại các trường có cấp bằng tại Nhật Bản và có nguyện vọng chuyển đổi sang tư cách lao động kỹ năng đặc định sau khi đã đạt các kỳ thi và kiểm tra.

Hạnh Dung - Hồ Thảo

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,818,223       12/903