Có đến 11 loại thuốc chứa hoạt chất ranitidine điều trị loét dạ dày tá tràng vừa bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) "tuýt còi" thu hồi vì chứa tạp chất gây ung thư.
Có đến 11 loại thuốc chứa hoạt chất ranitidine điều trị loét dạ dày tá tràng vừa bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) “tuýt còi” thu hồi vì chứa tạp chất gây ung thư.
Thuốc Aciloc (một trong 11 loại thuốc bị cấm) được bán tại một hiệu thuốc trên địa bàn TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nhàn |
Sau 5 ngày có văn bản thu hồi của Cục Quản lý dược vẫn còn nhiều nhà thuốc bán loại thuốc này.
* Thuốc cấm vẫn bán
Như Báo Đồng Nai đã thông tin, ngày 2-10, Cục Quản lý dược Bộ Y tế gửi công văn về việc thu hồi toàn quốc 11 loại thuốc chứa hoạt chất ranitidine điều trị loét dạ dày tá tràng. Quyết định này được đưa ra sau khi Cơ quan Khoa học y tế Singapore, Cơ quan Quản lý dược phẩm Thụy Sĩ thu hồi các thuốc này do chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) vượt ngưỡng cho phép, có nguy cơ gây ung thư.
Ngay khi nhận được văn bản điện tử của Cục Quản lý dược, Sở Y tế đã gửi văn bản này vào nhóm (trên Viber, Zalo) các giám đốc, trưởng phòng y tế, các phòng khám đa khoa, trưởng khoa dược của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh để các đơn vị thực hiện rà soát, kiểm tra những sản phẩm này.
Tuy nhiên, khi đi thực tế tại một số nhà thuốc trên địa bàn TP.Biên Hòa, phóng viên vẫn ghi nhận có nhà thuốc bán sản phẩm này hoặc sản phẩm cùng loại nhưng khác nhà sản xuất. Trong vai người mua thuốc cho người thân bị loét dạ dày tá tràng tái diễn, phóng viên đã hỏi mua thuốc Aciloc 150mg tại nhà thuốc P.M. (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Nhân viên nhà thuốc tư vấn: “Bác uống loại này thấy đỡ hả chị? Vậy chị lấy một vỉ uống 5 ngày nhé”.
* Thanh tra “đuối” vì không thể kiểm tra hết
Dược sĩ CKI. Nguyễn Duy Văn, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) cho biết, sau khi gửi văn bản điện tử ngay khi Cục Quản lý dược phát hành, sáng 7-10, Sở Y tế tiếp tục phát hành văn bản giấy gửi các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, phòng y tế trên địa bàn tỉnh để rà soát thu hồi các loại thuốc này. Sau 1 tuần, các đơn vị phải báo cáo về Sở Y tế.
Đến thời điểm này, các nhà thuốc, quầy thuốc nào còn bán sản phẩm này có lẽ do họ chưa cập nhật thông tin. Chúng tôi sẽ yêu cầu các phòng y tế kết hợp với phòng thanh tra Sở Y tế để kiểm tra các cơ sở này” - dược sĩ Văn nói.
Nhiệm vụ của các cơ sở bán lẻ thuốc phải lên website của Cục Quản lý dược, Sở Y tế nhận thông tin về hoạt động dược phẩm nói chung để điều chỉnh trong hoạt động mua bán thuốc. Việc thu hồi và tiêu hủy, các cơ sở phải tự giác thực hiện bằng cách tự hủy hoặc trả cho nhà sản xuất. Trước lo lắng việc các loại thuốc bị cấm lưu hành vẫn còn được bán sẽ gây nguy hại cho người bệnh, dược sĩ Nguyễn Duy Văn cho rằng: “Người dân không cần quá lo lắng, uống vài viên trong thời gian ngắn sẽ không gây ung thư ngay. Theo cảnh báo của Cục Quản lý dược (Việt Nam), Thụy Sỹ và Cơ quan Khoa học y tế Singapore, hoạt chất này có nguy cơ gây ung thư nhưng phải sử dụng số lượng nhiều, thời gian dài mới xảy ra”.
Sau khi Sở phát hành văn bản mà các nhà thuốc không thực hiện thu hồi các loại thuốc này sẽ bị phạt theo quy định. Tuy nhiên, toàn tỉnh có trên 3,3 ngàn cơ sở kinh doanh thuốc, Phòng Thanh tra (Sở Y tế) và các phòng y tế địa phương không thể kiểm tra hết. Hiện nay, dù đã có phần mềm quản lý nhà thuốc, nhưng phần mềm này chỉ đang trong giai đoạn đầu, chưa thể cập nhật 100% các loại thuốc mà cơ sở mua vào, bán ra nên việc quản lý thu hồi các loại thuốc này cũng khó khăn.
11 loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng chứa tạp chất NDMA có nguy cơ gây ung thư bị thu hồi: 1. Thuốc Aciloc 150 (số đăng ký: VN-17188-13), nhà sản xuất Cadila Pharmaceuticals (Ấn Độ). 2. Aciloc 300 (số đăng ký: VN-17848-14), nhà sản xuất Cadila Pharmaceuticals (Ấn Độ). 3. Ratylno-150 (số đăng ký: VN-18567-14), tên tại Singapore là Zynol-150 Tablet 150, nhà sản xuất Micro Labs Ltd (Ấn Độ). 4. Apro-Ranitidine 150 (số đăng ký: VN-3366-07), nhà sản xuất Apotex Inc (Canada). 5. Zantac Tablets tương đương 150mg (số đăng ký: VN-10264-1-; VN-20764-17), nhà sản xuất Glaxo Wellcome SA. (Tây Ban Nha). 6. Zantac dạng chích 25mg/ml (số đăng ký: VN 10265-10; VN 20516-17), nhà sản xuất GlaxoSmithKiline Manufacturing S.p.A (Ý). 7. Vesyca film coated tablet 150mg, nhà sản xuất Y.S.P Industries (M) Sdn. Bhd, Malaysia. 8. Hyzan Tablet 150mg, nhà sản xuất Xepa-Soul Pattinson (Malaysia). 9. Neoceptin R-150 Tablet 150mg, nhà sản xuất Beximco Pharmaceuticals Ltd. 10. Xanidine Tablet 150mg, nhà sản xuất Berlin Pharmaceutical Industry Co Ltd Thái Lan. 11. Zantac Syrup 150mg/10 ml, nhà sản xuất Aspen Bad Oldesloe GmbH, Đức. |
Bích Nhàn