Xã hội

13 năm đeo đuổi một sáng chế

Thay vì phải tốn nhân lực, tiền công, nhiều hộ nông dân của huyện Cẩm Mỹ đã sử dụng máy gieo hạt và bón phân vào quá trình sản xuất, tạo hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Văn Anh bên chiếc máy gieo hạt và bón phân do anh sáng chế
Anh Nguyễn Văn Anh bên chiếc máy gieo hạt và bón phân do anh sáng chế. Ảnh: H.Yến

Chiếc máy gieo hạt nói trên là sản phẩm của anh Nguyễn Văn Anh (ấp Bể Bạc, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ). Sáng chế này đã đem lại cho anh giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo trong tầm tay được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cuối tháng 9 vừa qua. Đây cũng không phải là giải thưởng đầu tiên mà anh giành được.

* Sáng chế vì học sinh

Anh Nguyễn Văn Anh vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, sống tại huyện Cẩm Mỹ. Đầu những năm 2000, anh đi học rồi ở lại làm công tác giảng dạy ở huyện miền núi Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Khi những cơn mưa đầu mùa rớt xuống, học sinh lại rủ nhau nghỉ học đi tỉa bắp, tỉa đậu. Tình trạng này năm nào cũng xảy ra, gây nhiều trở ngại cho công tác giảng dạy.

“Chẳng lẽ mình phải chịu thua đám học trò? Nhưng muốn các em không nghỉ học thì phải giải phóng sức lao động cho chúng”. Đó là những suy nghĩ đầu tiên dẫn thầy giáo Nguyễn Văn Anh vào con đường nghiên cứu, chế tạo các loại máy móc phục vụ bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều sáng chế hữu ích

Hiện nay, máy gieo hạt và bón phân của anh Nguyễn Văn Anh đã được cấp bằng sáng chế. Ngoài ra, anh còn có thêm nhiều sáng chế hữu ích khác, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp như: máy đập củ lạc, cần phun thuốc trừ sâu, bồn nước nóng năng lượng mặt trời, dụng cụ nhặt hạt điều… Trong đó, sáng chế bồn nước nóng năng lượng mặt trời đã đoạt giải khuyến khích hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai và đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hiện nay, sản phẩm này cũng được nhiều người dân ở huyện Cẩm Mỹ sử dụng.

Thời điểm anh bắt đầu nghiên cứu, chế tạo máy gieo hạt và bón phân phục vụ sản xuất nông nghiệp là năm 2006. Đây cũng là năm anh chuyển về công tác tại Trường THCS Trần Phú (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ). Trong nhiều năm liền, anh “đầu tư” toàn bộ tiền lương cho nghiên cứu nhưng không đem lại kết quả gì. Người thân trong gia đình và bạn bè đều cho rằng anh “không được bình thường”.

Cho đến năm 2013, anh tham gia cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật và đoạt giải nhì cấp tỉnh thì mọi người mới bắt đầu có cái nhìn khác về anh. Cũng trong năm này, anh tham gia cuộc thi Nhà sáng chế. Chương trình được ghi hình và phát sóng trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam khiến nhiều người chú ý đến sáng chế này và liên hệ với anh để mua máy.

Thế nhưng khi đưa vào trong sản xuất thực tế thì phiên bản máy này đã bộc lộ nhiều hạn chế như: hao hạt giống, khoảng cách không đều... Vì vậy, anh tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời những phiên bản tiếp theo nhằm tối ưu hóa hiệu quả của máy. Anh cũng quyết định nghỉ dạy để tập trung cho việc nghiên cứu và làm kinh tế gia đình.

Đến nay, sau 13 năm đeo đuổi sáng chế với nhiều lần cải tiến, thay đổi cơ cấu, anh đã hoàn toàn tự tin nghĩ đến việc sản xuất hàng loạt nhằm cung cấp rộng rãi ra thị trường.

* Ấp ủ kế hoạch sản xuất hàng loạt

Không chỉ chạy ổn định, máy có thể gieo được nhiều loại hạt với kích cỡ hạt và khoảng cách gieo khác nhau như: bắp, đậu phộng, đậu nành, đậu xanh... Theo anh Nguyễn Văn Anh, đối với hạt có mật độ gieo trên 15cm như đậu nành, bắp thì 1 nhân công có thể gieo được 4 -5 sào/ngày. Đối với loại hạt có mật độ gieo dưới 10cm như đậu tương, đậu xanh thì 1 nhân công có thể gieo được 3,5 sào/ngày.

Kết cấu máy đơn giản, dễ sử dụng

Máy gieo hạt và bón phân do anh Nguyễn Văn Anh sáng chế có kết cấu khá đơn giản. Máy có tay cầm tương tự tay lái xe đạp, chuyển động nhờ bánh xe. Bánh xe này nối với hộp gieo hạt bằng dây xích, líp nhiều tầng nên có thể điều chỉnh được khoảng cách gieo hạt cũng như việc bón phân. Khi bánh xe lăn trên mặt đất sẽ kéo hộp gieo hạt chuyển động, các lẫy móc hạt quay tròn và lần lượt móc hạt bỏ vào ống dẫn hạt, hạt rơi vào rãnh đã cày và ngay sau đó bộ phận gạt đất lấp hạt lại.

Anh Nguyễn Văn Toàn (ấp Bể Bạc, xã Xuân Đông) là một trong những nông dân sở hữu máy gieo hạt và bón phân từ năm 2015. Đến nay, sau 4 năm sử dụng, máy gieo hạt “made by Nguyễn Văn Anh” vẫn chạy tốt. Trước đây, để tỉa được 1 mẫu ruộng bắp, gia đình anh phải thuê khoảng 13 nhân công với giá từ 2-3 triệu đồng (tùy thời điểm). Từ ngày dùng máy gieo hạt, anh chỉ phải dùng 3-4 nhân công với chi phí khoảng 1 triệu đồng.

“Nhà tôi dùng máy gieo hạt đến nay được 4 năm và thấy rất ổn, lợi hơn nhiều so với dùng nhân công thường. Máy này dùng tốt nhất trong mùa khô hoặc dùng cho đất sỏi. Nếu mùa mưa, đất nhão quá thì nên mở thanh lấp đất ra. Thỉnh thoảng máy bị hư vài chi tiết nhỏ, tôi đem đến nhà anh Nguyễn Văn Anh để thay miễn phí” - anh Toàn kể.

Ngoài gieo hạt, máy này còn dùng để bón phân. Nếu cơ cấu phần bón phân bằng kim loại thường thì sẽ bị ăn mòn, gỉ sét. Nếu dùng kim loại không gỉ sét thì giá thành lại quá cao. Để khắc phục điểm yếu này, cách tốt nhất là chuyển sang dùng vật liệu nhựa. “Muốn sản xuất chi tiết này bằng nhựa thì tôi phải đầu tư khuôn máy, đồng thời phải sản xuất hàng loạt thì mới mong hạ giá thành sản phẩm. Tôi nhẩm tính việc đầu tư này tốn khoảng 2,5 tỷ đồng” - anh Nguyễn Văn Anh cho biết.

Hiện nay, anh cùng các cộng sự đang dồn tiền đầu tư cho dự án sản xuất này. Nếu thành công, giá bán mỗi máy gieo hạt và bón phân ra thị trường sẽ ở mức 2 triệu đồng/máy.

“Trên thị trường, máy gieo hạt và bón phân có rất nhiều chủng loại, từ thủ công đến cơ giới hiện đại. Nhưng áp dụng trong thực tế sản xuất như thế nào lại là chuyện khác. Theo tôi, máy càng có cơ cấu đơn giản, dễ sử dụng, giá cả phổ thông càng dễ tiếp cận với nông dân” - anh Nguyễn Văn Anh chia sẻ.

Hải Yến

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,845,799       10/616