Cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ GD-ĐT được nhiều người yêu mến gọi là "bà giáo già 4.0" hay "người truyền lửa sáng tạo".
Cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ GD-ĐT được nhiều người yêu mến gọi là “bà giáo già 4.0” hay “người truyền lửa sáng tạo”.
Trong những năm qua, cô đã tập huấn cho nhiều lớp về phương pháp giảng dạy tích cực cho giáo viên, trao đổi, tư vấn phương pháp giáo dục sáng tạo, cũng như nhiều dự án kết nối với chuyên gia các lĩnh vực để chung tay phát triển giáo dục... tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Đồng Nai.
Hiện nay, cô còn là Giám đốc điều hành (CEO) của InnEdu, một đơn vị giáo dục được cô ấp ủ và phát triển để tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục đổi mới, sáng tạo, dạy học tích hợp theo mô hình STEAM…
* Đổi mới, sáng tạo trước hết cần kết nối và chia sẻ
* Thưa cô, duyên cớ nào đưa cô đến với Diễn đàn giáo dục toàn cầu, cũng như các hoạt động liên quan đến đổi mới, sáng tạo giáo dục trong những năm qua?
- Năm 2013, khi còn là giáo viên dạy Hóa của Trường THCS Đức Trí (TP.Hồ Chí Minh), tôi đoạt giải trong cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD-ĐT tổ chức. Sau đó, tôi được chọn tham gia diễn đàn giáo dục toàn cầu do Tập đoàn Microsoft tổ chức. Một năm sau, tôi tiếp tục được chọn đại diện Việt Nam dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại Barcelona (Tây Ban Nha).
Cũng từ đây, tôi bắt đầu đồng hành, tham gia nhiều chương trình dự án liên quan đến đổi mới tư duy sáng tạo giáo dục. Đến năm 2016, tôi chính thức trở thành cố vấn giáo dục toàn cầu của Tập đoàn Microsoft.
Trong các lớp tập huấn hay diễn đàn giáo dục, tôi chú trọng việc tạo động lực cho giáo viên, giúp họ tự tìm hiểu và trao đổi các kỹ năng giảng dạy sáng tạo nhiều hơn là cung cấp kiến thức. Song song với đó là các phương pháp để thay đổi hướng tiếp cận giáo viên để có thể trở thành “người truyền lửa” giúp học sinh phát huy được năng lực của bản thân, nâng cao tính sáng tạo…
* Riêng đối với Đồng Nai, cô đang tham gia những chương trình nào liên quan đến đổi mới, sáng tạo trong giáo dục?
- Tôi từng về Đồng Nai 2 lần theo lời mời của lãnh đạo Sở GD-ĐT để tham gia tập huấn về ứng dụng công nghệ 4.0 vào dạy học và mô hình STEAM. Hiện nay, tôi đang là cố vấn về STEAM và nghiên cứu khoa học tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Tôi vừa kết thúc đợt tập huấn dài ngày với nội dung liên quan đến việc dạy học tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kỹ thuật đặt câu hỏi, tư duy phản biện và học tập qua dự án… cho giáo viên của nhà trường.
“Tôi đang ấp ủ dự án STEAM Box. Dự án này được hình thành với mong muốn tạo ra điều kiện học tập tốt hơn và bình đẳng cho học sinh. Các em ở vùng sâu, vùng xa cũng sẽ có cơ hội được học STEAM trong những STEAM Lab hiện đại. Tôi cải tạo những thùng container cũ thành các phòng thư viện, thí nghiệm được trang bị khá đầy đủ các thiết bị cần thiết, sau đó vận chuyển đến và đặt tại các trường học. Ngoài ra, tôi cũng dự định thiết lập một kênh đào tạo online miễn phí cho giáo viên với mong muốn có thêm nhiều người đồng hành, mạnh thường quân, lãnh đạo trong ngành giáo dục,… tham gia để cùng tạo ra sức mạnh đổi mới giáo dục trong cộng đồng”. |
Trong đó, có 3 dự án chính gồm: Strong Zone (tạm dịch: vùng mạnh mẽ), dự án Smart School (trường học thông minh) và dự án Clean Energy (năng lượng sạch). Strong Zone là dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, trồng rau sạch trong gia đình…
Đối với dự án Smart School, học sinh sẽ tự làm ra những thiết bị lớp học, ví dụ như thiết bị đo tiếng ồn, thiết bị bật đèn tự động, thiết bị tưới cây tự động… Còn ở dự án Clean Energy, học sinh sẽ được tìm hiểu, tự hình thành tư duy sáng tạo ra các thiết bị tiết kiệm năng lượng từ năng lượng mặt trời, gió hay các loại xe đạp khi đạp có thể tạo điện…
Mỗi dự án sẽ được áp dụng ở mỗi trường, mỗi địa phương theo kế hoạch tổ chức, phương pháp, đối tượng học sinh khác nhau một cách phù hợp. Tôi cũng mong muốn mở rộng những hoạt động tập huấn này tại các trường, địa phương khác ở Đồng Nai trong tương lai.
* Việc triển khai hoạt động giảng dạy sáng tạo cần dựa trên điều gì để có thể áp dụng thành công?
- Theo tôi, một trong những nguyên lý dẫn đến sự thành công của nhiều mô hình sáng tạo nói chung và các mô hình đổi mới sáng tạo trong giáo dục nói riêng là nguyên lý “kết nối và chia sẻ”. Đây là nguyên lý mà nhiều công ty, ứng dụng áp dụng thành công như dịch vụ taxi công nghệ Grab, Uber, kênh truyền thông qua mạng xã hội như Facebook, trang bán hàng điện tử như Amazon…
Đối với giáo dục, nguyên lý này sẽ giúp thay đổi các cách tiếp cận của giáo viên, tạo ra được một cộng đồng dành riêng cho giáo viên để có thêm nhiều cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, liên hệ với nhau. Mỗi giáo viên sẽ không ngừng học tập để nâng cao giá trị bản thân, cũng như bắt kịp xu thế mới, sáng tạo trong giáo dục.
* Sản phẩm của giáo dục đến từ sự thay đổi tư duy của học sinh
* Học sinh ngày nay được tiếp xúc từ sớm và thường xuyên với công nghệ thông tin, mạng xã hội. Trước sự thay đổi đó, người thầy đóng vai trò như thế nào trong việc phát huy khả năng sáng tạo và duy trì động lực cho học sinh?
- Giáo viên cần thay đổi cách tiếp cận học sinh từ cung cấp kiến thức đơn thuần sang định hướng, tạo động lực và hỗ trợ để học sinh tự tìm kiếm tri thức và nghiên cứu khoa học.
Đơn cử, mô hình STEAM sẽ được áp dụng theo 4 cấp độ tùy vào điều kiện của mỗi trường, năng lực của từng học sinh. Đó là các cấp độ: vận dụng - thực hành, trải nghiệm, tiến hành dự án và nguyên cứu khoa học… Trong mỗi cấp độ, kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh là kỹ năng được đặt lên hàng đầu, đang được nhiều nước tiên tiến hướng tới.
Hiện nay, nhiều giáo viên vẫn định nghĩa STEAM đơn thuần là cách tích hợp giữa khoa học, toán học, công nghệ… Trong đó, xem việc cung cấp kiến thức cho học sinh làm mục tiêu. Theo tôi, sản phẩm của giáo dục không phải là việc hoàn thành được bao nhiêu đơn vị kiến thức mà là sản phẩm từ sự thay đổi tư duy của đứa trẻ như thế nào, đứa trẻ tiếp nhận được gì, vận dụng được gì vào thực tiễn…
Vai trò của người thầy là cần lưu ý tới việc nhìn ra được năng lực, nhu cầu của học sinh; đưa ra tư vấn, định hướng phù hợp; tạo động lực cho học sinh… Nên nhớ rằng, người thầy có thể bị thay thế bằng robot nhưng trái tim người thầy thì không thể nào thay thế được. Dù là phương pháp nào đi nữa thì người thầy vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lửa, khơi gợi sức sáng tạo cho học sinh, đồng hành cùng học sinh trong mỗi dự án.
* Mô hình STEAM đang áp dụng ở nhiều trường tại các thành phố, đô thị lớn, còn đối với trường học vùng sâu, vùng xa, học sinh có thể học STEAM như thế nào?
- Theo tôi, các trường học vùng sâu, vùng xa vẫn rất thích hợp để áp dụng STEAM. Bởi mục tiêu của mô hình này là khơi gợi, hình thành sự sáng tạo, tư duy phản biện, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh. Tùy vào điều kiện của từng địa phương mà có cách vận dụng STEAM phù hợp.
Chẳng hạn, có thể áp dụng các dự án về nông nghiệp sạch gắn liền với các sản phẩm đặc trưng của địa phương, dự án tiết kiệm điện trong trường học, dự án xử lý rác làm phân xanh, phân loại rác… STEAM nên được định nghĩa đơn giản, không áp đặt, rập khuôn. Các dự án nên có sự sáng tạo, tính gần gũi, thiết thực thì STEAM mới hiệu quả.
* Nhiều học sinh, giáo viên vẫn thường gọi thân mật cô là “bà giáo già 4.0”, cô suy nghĩ thế nào về nick name này?
- Nick name của tôi trên Facebook là “bà giáo già”. Còn “4.0” là do các thầy cô giáo khi tham gia các lớp tập huấn của tôi gắn thêm vào vì tôi thường giới thiệu những phương pháp giảng dạy tích hợp công nghệ trong giáo dục.
Tôi vui vì được nhiều người yêu mến, ví von như thế. Tôi luôn quan niệm rằng sư phạm dẫn dắt công nghệ, chứ không phải công nghệ là một cuộc trình diễn, vì quá lạm dụng công nghệ, học sinh sẽ bị rối, không tập trung… Giáo viên cần lựa chọn công nghệ trên những quy tắc phù hợp để tăng khả năng ghi nhớ, tư duy phản biện cho học sinh.
Xin cảm ơn cô!
Hải Quân (thực hiện)