Xã hội

Cơ cực 'đời' chạy thận

Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Thống Nhất hiện đang tiếp nhận chữa trị cho hơn 500 bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phải sống ở hành lang bệnh viện chờ chạy thận.

Một bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nhàn
Một bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nhàn

4 giờ 30 sáng, Khoa Thận nhân tạo bắt đầu nhộn nhịp cảnh bệnh nhân, y bác sĩ chuẩn bị chạy thận. Người trải drap giường, người lắp các dụng cụ lọc thận, kiểm tra nước, khám bệnh, ra y lệnh… để chạy thận.

* Những mảnh đời lay lắt

85 máy chạy thận của khoa phải chạy hết công suất 4 ca/ ngày, chỉ nghỉ lọc ngày chủ nhật. Số máy chạy thận nói trên đang phục vụ cho 515 bệnh nhân bị suy thận mãn, buộc phải chạy thận thường xuyên. Hầu như ngày nào, khoa cũng phải hoạt động từ sớm và kết thúc vào đêm muộn, khoảng 23-24 giờ. Những ngày có ca chạy thận cấp cứu, khoa phải hoạt động thâu đêm.

Do bệnh nhân đông, các điều dưỡng của khoa phải chia 2 ca làm việc từ 6 giờ đến 21 giờ. Mỗi điều dưỡng phải phụ trách 8 máy chạy thận/ca, phải làm việc liên tục: theo dõi huyết áp 1 tiếng/lần, truyền đạm, chích thuốc tạo máu, đâm kim chạy thận, ghi hồ sơ bệnh án…

Làn da xạm đen, dáng người nhỏ thó, cánh tay nổi nhiều u cục sau nhiều năm chạy thận, bà Nguyễn Thị Kim Loan (ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) khó nhọc đỡ một bệnh nhân khác ngồi vào xe lăn và đẩy vào máy chạy thận. Đây là công việc làm thêm sau những giờ chạy thận của bà Loan. Bà Loan kể, bà phát hiện bệnh suy thận từ năm 2005 nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn bà đã “từ chối” chạy thận để làm việc nuôi con. Từ đó, bà đi xin thuốc nam ở một cơ sở từ thiện để uống. Hơn 2 năm nay, tình trạng sức khỏe của bà xuống dốc trầm trọng nên bà bắt đầu đi chạy thận. Nhà xa, hoàn cảnh khó khăn, từ ngày chạy thận, bà Loan xem bệnh viện là nhà, ngủ lại ngay hành lang bệnh viện.

Để có tiền trả viện phí, các khoản chi tiêu khác, bà Loan làm thêm bất cứ công việc nào mà những người bệnh khác nhờ làm. Mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng nhưng không dám mua cơm ăn mà xin cơm từ thiện ăn qua ngày. Số tiền ít ỏi kiếm được, bà Loan dành cả vào việc chạy thận do trước đây không có thẻ bảo hiểm y tế, hơn 2 triệu đồng/tháng (chạy thận 2 lần/tuần). Tháng 4-2019, bà Loan mới được cấp thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo, mỗi tháng chỉ trả 50 ngàn đồng viện phí. “Gia đình tôi có 7 chị em, có đến 4 người phải chạy thận. Để có tiền chạy thận, tôi phải chạy thận vào ca tối, ngày thì làm thêm, tối ngủ hành lang bệnh viện tiết kiệm tiền. 2 tháng tôi mới dám về thăm nhà 1 ngày” - bà  Loan buồn bã nói.

Suốt 6 năm nay, 3 lần/tuần, ông Huỳnh Văn Quẹo (ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) phải vượt qua chặng đường hơn 100km để đi chạy thận. Ông Quẹo cho hay, cứ 7 giờ, ông bắt xe khách để đi chạy thận và 14 giờ lại bắt xe về. Khi khỏe ông Quẹo tự đi, còn ngày yếu, người thân sẽ nghỉ việc để đưa ông đi. “Đi chữa bệnh… cực quá, nhưng phải chịu vì bệnh viện gần nhà (Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán) ít máy (chỉ có 8 máy), tôi không đăng ký được. Tôi không dám thuê phòng nghỉ lại vì sợ tốn kém” - ông Quẹo chia sẻ. 

Trước khi phát hiện bệnh, ông Quẹo mở quán cắt tóc, thu nhập ổn định. Nhưng từ ngày “làm bạn” với máy chạy thận, ông phải bỏ nghề. Gánh nặng kinh tế gia đình dồn lên vai người vợ. Trung bình mỗi tháng ông vẫn phải tốn gần 3 triệu đồng tiền đi lại, ăn uống
và một phần viện phí.

* Cần thêm sự giúp đỡ

7 năm làm việc tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bác sĩ Phạm Thị Anh Vân luôn thấy bà Thoóng Cún Mùi (ngụ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) “cư ngụ” tại khoa. Bà Mùi phải nằm viện triền miên vì cùng lúc điều trị nhiều căn bệnh như: tiểu đường, tim mạch, mù. Có thời điểm, khoa sắp xếp riêng cho bà 1 giường để nghỉ ngơi vì sức khỏe quá yếu. 3 năm nay, sức khỏe khá hơn, mắt đã dần sáng lại, bà Mùi phải “nhập khẩu” tại hành lang bệnh viện để chờ chạy thận.

Toàn tỉnh hiện có 7 bệnh viện, trung tâm y tế triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, gồm 5 bệnh viện: đa khoa Thống Nhất, đa khoa khu vực Long Khánh, Định Quán, đại học y dược Shing Mark và 2 trung tâm y tế huyện Trảng Bom, Xuân Lộc.

Bà Mùi cho hay, bà sống một mình trong căn nhà lá nhỏ ở quê. Từ khi mắc bệnh, bà bỏ nhà lên bệnh viện sống. Dù được bảo hiểm y tế hỗ trợ đến 95% chi phí chạy thận, bà Mùi cũng chỉ dám chạy thận 2 ca/tuần (thông thường phải 3 ca/tuần). Nằm viện triền miên, không người thân quen bên cạnh, bà Mùi chỉ còn biết trông nhờ đến sự giúp đỡ của các bệnh nhân khác. Người cho hộp sữa, hộp cơm hay vài chục ngàn đồng...  nên bà ăn uống rất kham khổ, chỉ ăn cơm từ thiện hoặc cơm trắng với nước tương.

Bác sĩ Anh Vân cho biết thêm, lâu nay họ hàng của bà Mùi không còn ghé thăm do bận mưu sinh. Vì thế, bà Mùi như là người nhà của khoa.

Điều dưỡng Trưởng khoa Thận nhân tạo Lương Thị Kim Cúc chia sẻ: “Mỗi lần có đoàn từ thiện, mạnh thường quân nhờ khoa chọn bệnh nhân nghèo để tặng quà, chúng tôi rất khó khăn để lựa chọn vì bệnh nhân nào vào điều trị ở khoa cũng nghèo. Do đó, khoa đã lập một danh sách những bệnh nhân cần hỗ trợ và xếp thứ tự ưu tiên. Bệnh nhân nào có hoàn cảnh khó khăn hơn sẽ được ưu tiên nhận hỗ trợ trước”. Khoa rất mong sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân để những bệnh nhân nghèo yên tâm chạy thận, duy trì cuộc sống.

Bích Nhàn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,887,083       263/3,051