Không chỉ nhắc nhở, động viên để con cháu chăm lo học tập, ông bà, cha mẹ còn tham gia vào việc học để làm gương sáng cho con cháu noi theo.
Nhờ có sự động viên, ủng hộ của mẹ mà em Phạm Thị Thanh đã vượt qua được những khó khăn, mặc cảm của bản thân để theo đuổi con đường học tập. Ảnh: H. Yến |
* Luôn đồng hành với con
Năm học 2019-2020 này Phạm Thị Thanh (xã Lộc An, huyện Long Thành) học lớp 11. Cô học trò này có thân hình nhỏ thó ngang bằng với một học sinh lớp 3. Khi mới ra đời, Thanh đã mang trong mình bệnh tim bẩm sinh. Em còn bị tật hở hàm ếch và bị khuyết tay trái. Mặc dù chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn nhưng Thanh vẫn cố gắng theo đuổi việc học.
Dòng họ Đặng (ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) còn khuyến khích con cháu tham gia học tập bằng các hình thức khen thưởng do chính Trưởng tộc thực hiện. Dòng họ này cũng gây quỹ khuyến học để tặng học bổng cho các con cháu có hoàn cảnh khó khăn. Người lớn tuổi trong dòng họ cũng tham gia học tập thường xuyên để làm gương cho con cháu noi theo. Nhờ cách làm trên, dòng họ Đặng đã được công nhận đạt dòng họ học tập theo quy định của UBND tỉnh. |
Chị Ngô Thị Liên, mẹ của Thanh tâm sự, khi sinh con ra trong tình trạng có nhiều khuyết tật cơ thể, bản thân chị khi đó cũng suy sụp. Tuy vậy, với tình mẫu tử thiêng liêng, chị đã tự vượt lên chính mình và truyền sức mạnh nghị lực tinh thần ấy cho con gái. Chị luôn động viên con lạc quan, yêu đời, suy nghĩ tích cực để có thể sống tốt.
Thanh kể: “Khi học hết lớp 9, em định sẽ nghỉ học. Nhưng chính sự động viên, đồng hành của cha mẹ đã giúp em có thêm nghị lực, sức mạnh để vượt qua khó khăn và tiếp tục đến trường”.
Ở ấp 5, xã Phú Lộc (huyện Tân Phú), gia đình chị Đỗ Thị Nguyệt được mọi người biết đến bởi tinh thần vượt khó và thành công trong nuôi dạy con cái. Cả vợ chồng chị Nguyệt khi mới kết hôn đều là những nông dân nghèo, sống chủ yếu dựa vào việc làm thuê. Bản thân anh chị chỉ học hết THCS nên cũng không có nhiều kiến thức để làm giàu. Năm 2007, vợ chồng chị Nguyệt đã quyết định thoát nghèo bằng cách vay vốn làm ăn.
Ban ngày làm việc, ban đêm vợ chồng cùng tham gia các lớp dạy nghề của huyện Tân Phú. Nhờ đó, anh chị biết thêm nhiều kỹ thuật nông nghiệp. Nhờ tìm tòi học hỏi, chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình chị Nguyệt ngày càng phát triển. Anh chị không chỉ trang trải được nợ nần mà còn có điều kiện đầu tư việc học cho các con.
Mỗi năm, gia đình chị Nguyệt nuôi 2 con heo đất khuyến học. Đến đầu tháng 8, anh chị khui heo để lấy tiền mua sắm quần áo, sách vở và đóng tiền học đầu năm cho các con. Nhờ đó, đầu năm học, anh chị chủ động được tài chính, không lâm vào cảnh chật vật như nhiều gia đình nông dân khác.
Không phụ công lao vất vả của cha mẹ, 2 con của chị Nguyệt rất cần cù, nỗ lực và đều đạt thành tích cao trong học tập. Trong đó, em Đặng Đỗ Huỳnh Như đạt danh hiệu học sinh giỏi từ năm học lớp 1 đến lớp 12. Ngoài ra, em còn đoạt nhiều giải học sinh giỏi như: giải nhất toán máy tính cầm tay; giải nhì học sinh giỏi toán cấp huyện; giải nhì giải toán trên máy tính cầm tay lớp 9 cấp tỉnh; giải ba học sinh giỏi toán lớp 12 cấp tỉnh...
Dòng họ Đặng (ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) là một dòng họ học tập có tiếng ở địa phương. Dòng họ này có 10 hộ gia đình với trên 100 thành viên là con cháu, tất cả đều được đi học, không có trường hợp nào bỏ học giữa chừng. Nhiều người còn tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học, có công ăn việc làm ổn định.
Việc gây dựng được phong trào học tập tốt trong toàn dòng họ có công sức không nhỏ của các bậc trưởng bối. Theo đó, hằng năm vào các ngày mùng 1 Tết, 26-4 và 25-11 âm lịch là ngày kỵ cơm của các ông, bà trong dòng tộc nên con cháu khắp nơi đều tề tựu tại nhà thờ họ. Ngoài việc thăm hỏi sức khỏe, động viên nhau trong cuộc sống, những người lớn tuổi trong dòng họ còn nhắc nhở con cháu chăm lo học tập, trau dồi tri thức, xem việc học tập thật tốt chính là bổn phận, trách nhiệm trong việc làm trọn đạo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
* Nhắc con học nhưng không quên rèn kỹ năng sống
Gia đình ông Dương Quang Thoa (tổ 5, ấp Phượng Vỹ, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) nổi tiếng là gia đình hiếu học. Nhờ có sự dạy bảo, định hướng trong việc học của vợ chồng ông Thoa mà cả 5 người con đều học đại học và có việc làm ổn định. Trong đó, người con trai cả hiện đang công tác tại Lữ đoàn Đặc công 5, Binh chủng Đặc công (đóng quân tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Cô con gái út công tác tại Trung tâm trẻ tự kỷ quận Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh). Ba người con còn lại cũng đều học các trường đại học có tiếng trong nước là Trường đại học Bách khoa, Công nghệ thông tin, Kinh tế. Sự thành công của các con trong học vấn và cuộc sống chính là điều khiến cho vợ chồng ông Thoa tự hào nhất.
Chia sẻ bí quyết về chăm lo việc học hành cho các con, ông Thoa cho hay: “Mặc dù công việc rất bận nhưng vợ chồng tôi luôn sắp xếp thời gian để đưa con đến trường đầy đủ và đúng giờ. Các thành viên trong gia đình đều có góc học tập riêng. Ngoài sách vở học tập theo quy định của nhà trường, các con còn tham khảo thêm các tài liệu học tập nâng cao kiến thức để bước vào đại học được thuận lợi hơn”.
Thời các con học phổ thông, ông Thoa luôn có mặt trong các cuộc họp phụ huynh, thường xuyên gặp gỡ các thầy cô giáo dạy con mình để nắm bắt tình hình và phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con cái. Để các con có kỹ năng sống cần thiết, ngoài việc học, ông bà còn dạy các con biết nấu ăn, làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ, biết tự chăm sóc bản thân khi xa gia đình. Ông bà cũng không quên răn dạy các con biết yêu quý mọi người trước khi yêu cầu người khác quý mến mình, biết tương thân tương ái, giúp đỡ mọi người khi có điều kiện.
Ông Thoa chia sẻ: “Theo tôi, việc học không chỉ ở nhà trường mà còn phải tự học qua sách vở, báo đài, học tập trong cộng đồng dân cư và bạn bè. Chính việc tự học mới giúp cho chúng ta có nhiều kinh nghiệm hay, học được những mô hình tốt để nâng cao kiến thức cho bản thân, làm kinh tế gia đình và góp phần phát triển xã hội”.
Hải Yến