Xã hội

Sơ cấp cứu bệnh nhân đột quỵ

Trước đây, bệnh nhân bị đột quỵ thường có độ tuổi từ 60-70. Nhưng thời gian gần đây, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều ca bệnh chỉ mới 30-40 tuổi đã bị đột quỵ.

Bác sĩ tái khám cho một bệnh nhân phục hồi sau cơn đột quỵ. Ảnh: K. Ngọc
Bác sĩ tái khám cho một bệnh nhân phục hồi sau cơn đột quỵ. Ảnh: K. Ngọc

* Bệnh đang trẻ hóa

Mới 20 tuổi, anh Bùi Tấn Lộc (ngụ phường Hóa An, TP.Biên Hòa) đã 5 lần xuất hiện cơn đột quỵ thoáng qua. Lần gần đây nhất xảy ra vào ngày 11-9, anh đã phải nhập viện cấp cứu. Anh Lộc kể, khi đang ngồi trong lớp học, bỗng nhiên, anh bị tê nửa người, tay không điều khiển được và miệng nói đớ, không bình thường. Anh đã nhờ bạn bè đưa vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu và chẩn đoán, bệnh nhân Lộc bị đột quỵ nhưng có khả năng tự khỏi sau khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, để tránh tình trạng tương tự hoặc nặng hơn, bệnh nhân Lộc phải uống thuốc thường xuyên để phòng ngừa căn bệnh này.

Một số biểu hiện của bệnh đột quỵ:

- Gương mặt: Đột ngột mất cân đối, méo.

- Cánh tay: Yếu hơn; không cầm, nắm được.

- Ngôn ngữ: Giọng nói khác thường, nói ngọng, nói đớ hoặc không nói được.

- Thời gian: Xác định thời gian bệnh nhân bị bệnh và thời gian sớm nhất để cứu bệnh nhân.

Anh Lộc cho biết thêm, khi đang học lớp 12 (năm 2017), anh đã bị cao huyết áp và xuất hiện cơn đột quỵ thoáng qua lần đầu vào khoảng giữa năm 2018 sau giấc ngủ trưa. “Khi ngủ dậy, tôi không nói được, tê nửa người và té ngã. Nhưng chỉ một lúc sau, tôi lại tỉnh táo bình thường nên chủ quan không đến bệnh viện khám. Sau đó, 3 lần tiếp theo, khi đang đi xe máy, tôi cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự (tê người, không nói được) và cũng tự khỏi khi tôi tấp xe vào lề đường nghỉ ngơi một lúc. Còn lần này là nặng nhất, tôi mới nhập viện” - anh Lộc kể.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, thời gian gần đây, số người bị bệnh đột quỵ ngày càng gia tăng, nhất là ở người trẻ tuổi (dưới 50 tuổi). Thậm chí, có bệnh nhân chỉ mới 18 tuổi đã 2 lần bị đột quỵ. “Chúng tôi đã từng tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ chỉ mới 17 tuổi ở TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) bị cường giáp gây ra rối loạn nhịp (rung nhĩ) và cơn đột quỵ. Bệnh nhân bị yếu nửa người ngay lần đầu bị đột quỵ do vào viện trễ. Lần thứ 2 cơn đột quỵ xuất hiện khi bệnh nhân đang chữa trị tại bệnh viện về bệnh cường giáp (lúc 18 tuổi)” - bác sĩ Quang kể.

* Khung giờ vàng cấp cứu

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng nhu mô não bị thiếu máu nuôi, do mạch máu bị tắc nghẽn (nhồi máu não) hoặc mạch máu vỡ do chấn thương (xuất huyết não). Khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi trong vài giây đến vài phút. Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh đột quỵ như: bệnh nhân có bệnh tăng huyết áp, rung nhĩ, tiểu đường, rối loạn lipid máu... Ngoài ra, các yếu tố về: môi trường, chế độ ăn uống không hợp lý, stress, hút thuốc lá, lười vận động... cũng là nguy cơ dẫn đến đột quỵ.  Tỷ lệ bệnh nhân ở thành thị nhiều hơn nông thôn.

Bác sĩ Quang cho hay, biểu hiện lâm sàng của đột quỵ là liệt nửa người, nói khó, không nói được hoặc hôn mê... Bệnh đột quỵ là hậu quả của các bệnh khác đưa tới chứ nó không tự xảy ra. Hiện nay, người dân đã có am hiểu nhất định về bệnh đột quỵ song vẫn còn không ít người cho rằng bệnh đột quỵ là trúng gió và có những hành động sai như: châm vào đầu ngón tay để nặn máu, cạo gió... Điều này làm giảm cơ hội phục hồi cho người bệnh vì thời gian là yếu tố quyết định sự phục hồi của người bệnh.

Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, tỷ lệ bệnh nhân đến sớm, trước 4-5 giờ từ khi xuất hiện cơn đột quỵ khoảng 23%. “Để tăng tỷ lệ này, chúng tôi mong muốn sẽ có những poster về triệu chứng, hình ảnh của bệnh đột quỵ ở các nơi công cộng như: rạp chiếu phim, nhà chờ xe... để nhiều người dân biết đến căn bệnh này và đến bệnh viện sớm” - bác sĩ Quang cho hay.    

Khánh Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,887,295       89/3,127