Xã hội

Tăng giờ làm thêm, tăng tuổi hưu: Cần cân nhắc kỹ

Nội dung "nới rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về giờ làm thêm tối đa trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm và tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ" của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận.

Nội dung “nới rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về giờ làm thêm tối đa trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm và tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ” của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận.

Với những công nhân may, một ngày ngồi làm việc 8 tiếng đã quá vất vả và họ không muốn phải tăng ca. Trong ảnh: Công nhân may của Công ty TNHH NamYang Sông Mây (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc Ảnh: H.Dung
Với những công nhân may, một ngày ngồi làm việc 8 tiếng đã quá vất vả và họ không muốn phải tăng ca. Trong ảnh: Công nhân may của Công ty TNHH NamYang Sông Mây (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc Ảnh: H.Dung

Bên cạnh một số ý kiến đồng thuận với đề xuất này còn có không ít ý kiến không đồng tình, đặc biệt là những công nhân lao động đang trực tiếp sản xuất tại các doanh nghiệp.

* “Cực chẳng đã mới phải tăng ca”

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý nêu quan điểm: “Tăng giờ làm thêm là hạn chế quỹ thời gian để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nâng cao trình độ. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ cùng các thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp những ý kiến xác đáng, hợp lý để kiến nghị với Quốc hội cân nhắc kỹ vấn đề này”.      

Lý giải nguyên nhân đề xuất tăng giờ làm và tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số, thiếu lao động trong tương lai và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Ngoài ra, sẽ tận dụng tối đa nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng cao sau tuổi 55 và 60 để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn, tránh tình trạng “vỡ” Quỹ Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới khi vẫn duy trì độ tuổi nghỉ hưu là 55 đối với nữ và 60 đối với nam như hiện nay. Mặt khác, có nhiều người sau khi nghỉ hưu vẫn còn có thể tiếp tục hợp đồng làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Với đề xuất tăng giờ làm thêm, lãnh đạo Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết, Bộ này đã nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, muốn tổ chức làm thêm giờ để nâng cao hiệu quả lao động và một bộ phận công nhân lao động muốn làm thêm để có thêm một khoản thu nhập.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, vì mức lương tối thiểu hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu nên nhiều công nhân lao động phải thường xuyên tăng ca, kiếm thêm thu nhập. Hậu quả là sức khỏe của người lao động giảm sút.

Làm công nhân may tại một công ty đóng tại Khu công nghiệp (KCN) Amata đã được 8 năm, chị Trịnh Thị Ngọt (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, điều khiến chị nhớ nhất là sau mỗi lần tăng ca về khuya, lưng lại đau ê ẩm vì ngồi nhiều. “Thế nhưng, nếu không tăng ca để kiếm thêm vài triệu đồng/tháng thì lấy tiền đâu trang trải cuộc sống, tiền đâu cho con học hành trong khi tiền lương của hai vợ chồng hằng tháng chưa đến 10 triệu đồng” - chị Ngọt bộc bạch.

Còn chị Nguyễn Thị Minh, công nhân Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (KCN Long Bình, TP.Biên Hòa) thì không đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 hiện nay lên 60 như dự thảo luật. Chị Minh nói: “Suốt 8 tiếng ngồi để lắp ráp các linh kiện điện tử đã khiến nhiều công nhân chưa đến tuổi 40 đã chân yếu, mắt mờ, lưng đau. Những công nhân trực tiếp sản xuất như chúng tôi không thể “trụ” nổi đến khi 60 tuổi mới được nghỉ hưu”.

* Phải trả lương theo hình thức lũy tiến

Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà cho rằng, tăng lương, giảm giờ làm, áp dụng công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động đang là mục tiêu mà xã hội tiến bộ đang hướng đến. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, khi nhiều loại máy móc đã có thể thay thế sức lao động của con người thì không có lý gì lại bắt công nhân lao động phải tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm.

Mặt khác thực tế hiện nay, nhiều công nhân lao động làm tăng ca nhưng chỉ được hưởng mức thù lao như bình thường, theo sản phẩm mà không được hưởng theo giá trị làm thêm.

“Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, gỗ, chế biến thủy sản, sản xuất linh kiện điện tử cứ đến dịp cuối năm có nhiều đơn hàng thường tranh thủ huy động công nhân có sẵn tăng ca để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nhu cầu này là có thật, song không ít doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để “ép” công nhân phải tăng ca dù họ không muốn. Nếu luật cho phép tăng giờ làm thêm từ 300 giờ/năm như hiện nay lên 400 giờ/năm thì nguy cơ nhiều doanh nghiệp vin vào đó để “vắt sức” người lao động hiện có, không tuyển lao động mới” - luật sư Vũ Ngọc Hà bày tỏ quan điểm.

Nội dung phương án về tăng tuổi nghỉ hưu mà Chính phủ chọn để trình Quốc hội: Từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Từ ngày 1-1-2022, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.  

Trong khi đó, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở cho rằng, nếu công nhân làm thêm giờ thì doanh nghiệp phải trả lương cho họ theo phương pháp lũy tiến, tức là càng làm thêm nhiều giờ thì tiền lương sẽ càng cao chứ không thể cào bằng như hiện nay. Tiền làm thêm giờ ít nhất phải bằng 150% tiền lương làm việc theo tiêu chuẩn vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hằng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết. Có như vậy, các doanh nghiệp mới cân nhắc để huy động công nhân tăng ca và cũng để hạn chế tình trạng nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chuyên sản xuất gỗ chấp nhận nộp phạt vì tổ chức làm thêm giờ quá quy định như hiện nay.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) Đặng Tuấn Tú kiến nghị, cơ quan chức năng cần xem xét tăng thời giờ làm thêm trong mối tương quan với các yếu tố khác như: việc làm, sức khỏe, vấn đề an toàn lao động, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và xu hướng tiến bộ của thế giới. Vì hiện nay, quy định thời gian làm việc chính thức của Việt Nam đang ở mức cao (48 giờ/tuần) trong khi hầu hết các nước đang duy trì ở mức 40 giờ hoặc 35 giờ/tuần.

Với những ngành nghề lao động vất vả như: hầm mỏ, xây dựng, chế biến gỗ, thủy sản, may mặc, da giày... cần phải có quy định giờ làm thêm tối đa trong ngày cùng quy định chặt chẽ về điều kiện làm việc của người lao động.

* Cân nhắc tăng tuổi hưu theo từng ngành nghề

Bộ luật Lao động hiện hành quy định, số giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Cách đây khoảng 2 năm rộ lên tình trạng một số doanh nghiệp chuyên da giày, may mặc trong tỉnh khuyến khích công nhân từ 35 tuổi trở lên nghỉ việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người lao động. Ẩn sâu bên trong mục đích “hỗ trợ công nhân một khoản tiền để khởi nghiệp sau khi nghỉ việc tại công ty” là việc chủ doanh nghiệp thấy rõ năng suất lao động của những công nhân phổ thông sau 35 tuổi đã có phần hạn chế, mà mức lương phải trả cho họ lại ngày càng tăng.

Qua đó để nói lên rằng sau tuổi 35 hoặc kéo dài đến tuổi 50, sức lực của người lao động, đặc biệt là những công nhân trực tiếp sản xuất đã giảm sút đi nhiều, không ai mặn mà với việc kéo dài thêm vài năm nữa mới được cầm cuốn sổ hưu.

Không chỉ riêng người lao động mà ngay cả chủ các doanh nghiệp cũng không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động. Ông Lê Minh Phương, Giám đốc nhà máy Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho hay, công  ty chuyên về may mặc nên phần lớn là lao động phổ thông. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi nhiều lao động từ 40 tuổi đã có năng suất làm việc kém hơn những lao động trẻ, đó là chưa kể họ thường xuyên xin nghỉ làm để đi khám bệnh vì sức khỏe yếu và nhiều lý do khác. Do đó, một phân xưởng đang làm việc liên tục với khoảng vài trăm công nhân, nhưng chỉ cần 5 công nhân nghỉ hoặc sức khỏe yếu là đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

Đó là chưa kể, việc kéo dài thời gian làm việc của người lao động tại doanh nghiệp (nhất là lao động phổ thông) khiến quỹ lương của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn.

Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các đại biểu Quốc hội và Liên đoàn Lao động tỉnh khảo sát, lắng nghe ý kiến của công nhân lao động Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) vào tháng 12-2018. Ảnh: An Yên
Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các đại biểu Quốc hội và Liên đoàn Lao động tỉnh khảo sát, lắng nghe ý kiến của công nhân lao động Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) vào tháng 12-2018. Ảnh: An Yên

Bà Trần Huỳnh Thanh Lan, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (KCN Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và phải dựa vào từng ngành nghề, bộ phận, cơ quan, doanh nghiệp để có phương án cụ thể chứ không nên tăng đồng loạt đối với người lao động ở tất cả các ngành nghề.

Bà Lan chia sẻ, có thể những lao động kỹ thuật cao, những người lao động trí óc sau 55 tuổi (đối với nữ) và 60 tuổi (đối với nam) vẫn còn có thể làm việc, góp sức cho sự phát triển của một ngành nghề, cơ quan, tổ chức nào đó nhưng đó không phải là tất cả.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm giờ làm cho người lao động

Chiều 17-9, tại Hà Nội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nêu quan điểm về vấn đề thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần”.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng đề xuất tăng thêm một số ngày nghỉ trong năm và đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ ngày 2 đến 5-9 hằng năm (phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học). Phương án 2: Nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và 2 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết Dương lịch.       

L.V

Hạnh Dung - Nguyễn Hòa


Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: Hãy đặt mình vào vị trí của người lao động

Tôi mong các đại biểu Quốc hội trước khi bấm nút thông qua dự thảo luật hãy lắng nghe ý kiến nhiều chiều, của nhiều đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, nhất là những đối tượng yếu thế, hãy đặt mình vào vị trí của họ để khi luật được thông qua sẽ nhận được sự đồng tình cao.

Mỗi ngày làm việc 8 giờ, mỗi tuần làm việc 48 giờ là thành quả đấu tranh của người lao động trên khắp thế giới. Từ ngày 1-5-1886, “không một người thợ nào làm việc quá 8 giờ/ngày. Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi”.

Đã 133 năm trôi qua, đến nay nhiều quốc gia tiên tiến đã giảm giờ làm xuống 7 giờ/ngày, hoặc áp dụng tuần làm việc 36-40-44 giờ/ tuần. Các nước gần Việt Nam như Trung Quốc làm việc 40 giờ/tuần, Nhật Bản làm việc 40 giờ/tuần, Singapore làm việc 44 giờ/tuần, Mông Cổ làm việc 40 giờ/tuần.

Ở Việt Nam hiện cũng đang áp dụng thời giờ làm việc 40 giờ/tuần cho cán bộ công chức, viên chức (suốt 20 năm qua). Do đó, cần có sự công bằng trong thời giờ làm việc giữa cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Nếu không thể giảm giờ làm việc của người lao động tại các doanh nghiệp xuống 40 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay (chưa kể giờ tăng ca) thì có thể tăng tối đa lên 44 giờ/tuần.

Về thời giờ làm thêm, không một lao động nào muốn tăng ca nếu lương đủ sống. Họ chấp nhận tăng ca chỉ vì lương quá thấp, không đủ sống, không đủ chi phí sinh hoạt. Ai cũng muốn có thời gian để nghỉ ngơi, học tập, có thời gian dành cho gia đình, vui chơi giải trí... Do vậy, tôi đề nghị làm thêm giờ không quá 12 giờ/tuần và không quá 200-300 giờ/năm. Đồng thời, doanh nghiệp phải trả tiền công theo lũy tiến, tức là 2 giờ làm việc đầu tính 150% lương, 2 giờ sau tính 200% và 300% đối với ngày nghỉ.

Tôi cũng đề xuất nên giữ tuổi nghỉ hưu như hiện nay, 55 với nữ và 60 với nam. Riêng một số ngành nghề như luật sư, thẩm phán, đại biểu Quốc hội chuyên trách có thể tăng lên 62 hoặc 65 tuổi.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: Cần xem xét thấu đáo nhiều khía cạnh

Khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm phải xem xét nhiều yếu tố, bao gồm chính sách việc làm, nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, sức khỏe của người lao động, chế độ an sinh xã hội.

Theo thống kê của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Việt Nam hiện có khoảng 55 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó, có hàng trăm ngàn thanh niên thất nghiệp, đặc biệt có những thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không xin được việc làm. Nếu cho phép tăng giờ làm thêm, nhiều doanh nghiệp sẽ vin vào đó để không tuyển lao động mới mà ép lao động hiện có tăng ca, dẫn đến tình trạng số lao động đang thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp.

Thực tế cho thấy tăng giờ làm thêm không phải là giải pháp dài hạn để nâng cao năng suất lao động. Lao động phải làm thêm giờ bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nguy cơ tai nạn lao động cao, mất cân bằng cuộc sống, tăng mâu thuẫn. Ngoài ra, kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm vài năm nữa, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo sẽ có thêm nhiều lao động chỉ chờ đến đủ tuổi nghỉ hưu để nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần chứ không nhận lương hưu hằng tháng. Việc người lao động đổ xô xin nhận trợ cấp một lần sẽ gây ra sức ép không nhỏ đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội. Và khi ấy, mục đích tránh “vỡ” Quỹ Bảo hiểm xã hội mà lãnh đạo Bộ Lao động - thương binh và xã hội đưa ra sẽ khó lòng thực hiện được.

Việc mà các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần thực hiện là có biện pháp để nâng tiền lương tối thiểu bằng với mức sống tối thiểu cho người lao động chứ không phải tìm mọi cách để tăng giờ làm thêm. Khi có bất cứ thay đổi gì liên quan đến người lao động, cần xem xét khách quan giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động sao cho hợp lý, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới.

Công nhân Phạm Xuân Hùng, Công ty TNHH Sơn Hà (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa): Không muốn tăng tuổi hưu

Tôi cũng như nhiều công nhân khác bước chân vào nhà máy làm việc từ khi mới tròn 18 tuổi. Trong suốt 17 năm qua, tôi luôn làm việc chăm chỉ, tham gia đóng bảo hiểm đầy đủ. Cả tôi và vợ tôi (cũng làm công nhân) không muốn phải tăng giờ làm thêm mà muốn dành thời gian đó để nghỉ ngơi, chăm sóc con nhỏ và có thể đi chơi vào những dịp cuối tuần để giải tỏa đầu óc sau một tuần làm việc vất vả. Chúng tôi không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm với nam và thêm 5 năm với nữ. Vì sức khỏe của công nhân khi đến ngưỡng 40 - 50 đã không còn nhanh nhẹn, dẻo dai như những công nhân trẻ, chúng tôi không thể hoàn thành tốt công việc được giao và điều này ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của nhà máy.

Tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội hãy lắng nghe ý kiến của người lao động để đưa ra những quyết định hợp lý.          

An Yên (ghi)


Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,894,001       1/793