Xã hội

Hành trình xây dựng trường chuẩn quốc gia

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu phấn đấu lớn của nhiều cơ sở giáo dục. Việc các trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia có tác động rất lớn đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực...

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu phấn đấu lớn của nhiều cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT. Việc trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia có tác động rất lớn đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cả về trước mắt và lâu dài.

Trường tiểu học Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2017 (cũng là năm trường được chuyển về cơ sở mới)
Trường tiểu học Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2017 (cũng là năm trường được chuyển về cơ sở mới). Ảnh: C.Nghĩa

TIN LIÊN QUAN
Năm 2017, Trường mầm non Phú Vinh (xã Phú Vinh, huyện Định Quán) được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đây là niềm vui lớn của cô và trò nhà trường, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con em được gửi tại ngôi trường này.

* Mục tiêu không dễ đạt

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp: Xây dựng trường chuẩn quốc gia là bước đệm rất quan trọng

Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là bước đệm rất quan trọng, có tác động rất lớn đến chất lượng GD-ĐT nguồn nhân lực. Do đó, phải tiếp tục đẩy mạnh phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng, duy trì, phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia, nhất là đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trường mầm non Phú Vinh được xây dựng từ năm 2002 với cơ sở vật chất ban đầu còn khó khăn, thiếu thốn. Trường có 1 điểm chính nằm ở trung tâm xã với trên 350 trẻ, 2 điểm lẻ còn lại nằm ở ấp Suối Song 1 và ấp Suối Song 2 có từ 60-80 trẻ nhưng lại nằm cách trung tâm xã từ 5-10km. Mỗi năm học nhà trường lại phải luân chuyển giáo viên từ điểm chính vào điểm lẻ công tác để san sẻ với nhau khó khăn trong việc đi lại. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nên năm 2015 điểm chính trường đã được xây dựng mới hoàn toàn, đồng thời 2 điểm lẻ cũng được nâng cấp với mục tiêu trở thành trường chuẩn quốc gia.

Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Vinh Mai Xuân Yên cho biết, để trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu không hề dễ dàng, nhà trường phải bám sát rất kỹ thông tư hướng dẫn về xây dựng trường chuẩn quốc gia để triển khai từng tiêu chuẩn một. Trong số đó có tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường; đảm bảo trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; đảm bảo hoạt động và kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Quá trình xây dựng các tiêu chuẩn trường phải tự đánh giá trước khi đăng ký đánh giá chính thức.

Còn Hiệu trưởng Trường tiểu học Lam Sơn (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) Nguyễn Huy Đông vui mừng cho biết, sau nhiều năm dạy và học với cơ sở vật chất cũ, trường đã được huyện đầu tư lớn xây dựng cơ sở vật chất mới khang trang hiện đại, đáp ứng được tiêu chuẩn cơ sở vật chất của một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, nhiều tiêu chuẩn khác có liên quan rất lớn đến yếu tố con người, trường phải tự nỗ lực để hoàn thiện như: trình độ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Khi những tiêu chuẩn về nhân lực đảm bảo sẽ tác động đến kết quả dạy và học, từ đó tạo được niềm tin trong phụ huynh và xã hội.

Thầy Nguyễn Huy Đông cho biết thêm, mơ ước về một trường chuẩn quốc gia của tập thể sư phạm nhà trường có từ khá lâu, trong đó khó nhất là việc đáp ứng về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, vì số tiền đầu tư rất lớn, vượt quá khả năng của xã. Tuy nhiên, may mắn năm 2016 trường được huyện xây dựng mới hoàn toàn, có tính đến mục tiêu đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2018-2019, nhà trường tiếp tục tập trung rất lớn vào chuẩn hóa các tiêu chuẩn để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó yếu tố quan trọng còn lại là con người và chất lượng dạy và học.

“Vượt qua những khó khăn, chúng tôi thật sự vui mừng phấn khởi khi ngày khai giảng năm học mới 2019-2020 vừa qua trường đã chính thức được tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1” - thầy Đông chia sẻ.

* Thành quả từ đầu tư đúng mức

Toàn tỉnh hiện có 350 trường mầm non, 299 trường tiểu học, 176 trường THCS, 101 trường THPT công lập và tư thục. Năm 2014, Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong kế hoạch đã xác định chỉ tiêu về trường học đạt chuẩn quốc gia của các cấp học công lập đến năm 2020 đối với bậc mầm non và tiểu học đạt 50%, THCS 80%, THPT 90% trở lên.

Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) mới được công nhận trường chuẩn quốc gia. (Trong ảnh: Cô và trò Trường tiểu học Nguyễn An Ninh dạy và học với thiết bị thông minh).
Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) mới được công nhận trường chuẩn quốc gia. Trong ảnh: Cô và trò Trường tiểu học Nguyễn An Ninh dạy và học với thiết bị thông minh. Ảnh: C.Nghĩa

Từ năm 2015 đến nay, ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng cơ bản cho GD-ĐT từ khoảng 700 đến 1 ngàn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 14-22% tổng ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản toàn tỉnh). Toàn tỉnh từ năm 2014-2018, số trường công lập được xây dựng cơ sở vật chất mới ở cấp học mầm non là 79 trường, tiểu học 62 trường, THCS 29 trường và cấp THPT 9 trường.

Sau hơn 20 năm dạy và học trong những lớp học cấp 4 tạm bợ nằm cạnh quốc lộ 1, đầu năm 2017 thầy và trò Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) dọn đến học ở một cơ sở xây mới hoàn toàn, được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Cô Nguyễn Thị Ngọc Khuê, giáo viên Trường tiểu học Hưng Lộc cho biết: “Ở trường cũ do lớp học nhỏ, số lượng học sinh đông, điều kiện dạy và học khó khăn nên giáo viên khó có thể triển khai những phương pháp dạy học mới, dạy học 2 buổi/ngày. Khi chuyển đến cơ sở mới việc dạy và học đều thuận lợi vì lớp học rộng rãi thoáng mát, có bảng tương tác, thư viện, phòng tin học…”.

Trường THPT Đắc Lua (xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) là trường THPT nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa nhất tỉnh. Sau nhiều năm nỗ lực với sự hỗ trợ tích cực của Sở GD-ĐT, cuối năm 2018 vừa qua trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 với cơ sở vật chất đảm bảo cho dạy và học với 2 dãy phòng học, phòng thực hành, tin học… cao 3 tầng. Khu hiệu bộ của nhà trường cũng được chỉnh trang, đồng thời có thêm hội trường để tổ chức các hoạt động. Với việc hoàn thiện các điều kiện và được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trong những năm tới Trường THPT Đắc Lua sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dạy và học.

* Gỡ khó cho nhiều địa phương

Trong khi nhiều địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt và vượt chỉ tiêu đề ra thì vẫn còn một số nơi hiện đang gặp những khó khăn nhất định, do đó tỷ lệ trường chuẩn quốc gia vẫn còn đạt thấp so với bình quân chung của tỉnh như các huyện Định Quán, Long Thành, Tân Phú, Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, một trong những những nguyên nhân khiến các địa phương trên có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt thấp là do có nhiều trường học ở các cấp học được xây dựng trước khi có quy chế về công nhận trường chuẩn quốc gia nên cơ sở vật chất không phù hợp so với quy định chuẩn về diện tích đất/học sinh, phòng chức năng, trang thiết bị... và buộc phải cải tạo lại, đòi hỏi số vốn đầu tư không hề nhỏ.

Toàn tỉnh hiện nay đã có trên 55% cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Nhiều địa phương có số lượng trường đạt chuẩn quốc gia đạt cao như: Xuân Lộc, Long Khánh, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ…

Là một tỉnh công nghiệp, do đó nhiều địa phương như Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, đặc biệt là TP.Biên Hòa đang đối mặt với tăng dân số cơ học cao gây áp lực rất lớn cho cơ sở vật chất trường học. Tại TP.Biên Hòa đã từng có thời điểm do số lượng học sinh tăng quá cao nên trường buộc phải “phá chuẩn” mới có đủ chỗ cho học sinh vào học. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên của các trường mầm non chưa đảm bảo trình độ quản lý, trình độ giảng dạy theo quy định của trường chuẩn. Dù được công nhận là trường chuẩn quốc gia nhưng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ở nhiều trường ở một số bậc học vẫn còn thấp; sĩ số học sinh/lớp đông  dễ dẫn đến nguy cơ “vỡ chuẩn” ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn.

Là địa phương chịu nhiều áp lực về sĩ số học sinh, TP.Biên Hòa hiện có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp nhất tỉnh ở các bậc học từ mầm non đến THCS. Tính đến nay, TP.Biên Hòa mới có 15 trường mầm non (tỷ lệ 20%), 10 trường tiểu học (16%) và 4 trường THCS (24%) đạt chuẩn quốc gia. Bình quân một năm, mỗi cấp học chỉ tăng thêm 1 trường được công nhận đạt chuẩn.

Trưởng phòng GD-ĐT Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, nguồn lực hằng năm của thành phố cho giáo dục là rất lớn, tập trung vào xây dựng mới các trường, xây dựng bổ sung các phòng học. Tuy nhiên khó khăn là áp lực sĩ số học sinh, có trường vừa mới xây xong đã quá tải. Bên cạnh đó, một số trường xây dựng trước đây đến nay không còn phù hợp để đạt chuẩn, đặc biệt quỹ đất xây dựng trường cũng là khó khăn rất lớn.

Còn Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế cho biết, huyện đang nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia, tuy nhiên cũng như một số địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao khác, dân số cơ học tăng nhanh hằng năm khiến Trảng Bom cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu trường lớp. Huyện đang tháo gỡ khó khăn từng bước, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ lộ trình phấn đấu để được công nhận trường chuẩn quốc gia cho từng đơn vị. Đặc biệt, những trường xây mới sau này đều có diện tích lớn, cơ sở vật chất khang trang hiện đại, bám sát các tiêu chuẩn đánh giá và xếp loại trường chuẩn quốc gia để không mất thêm nhiều thời gian được công nhận là trường chuẩn.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,894,566       14/576