Làm sao thu hút và giữ chân lao động luôn là bài toán đặt ra của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai.
Lao động may mặc luôn trong tình trạng khan hiếm. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Namyang Sông Mây, Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom trong giờ sản xuất. Ảnh: N.Hòa |
Theo nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS), việc khó tuyển dụng và giảm lao động đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sự phát triển ổn định tại các DN. Để thu hút lao động, các DN cần quan tâm nhiều hơn đến chế độ chính sách, tăng phúc lợi, đãi ngộ đối với người lao động và tạo môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp.
* Lo lắng vì lao động giảm, khó tuyển
Tại sàn giao dịch việc làm lần thứ 176 được tổ chức tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai mới đây, nhiều DN cho biết những tháng cuối năm, nhiều đơn hàng được ký kết, nhiều xưởng mới được xây dựng nhưng lực lượng lao động không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.
Ông Phú Hoàng Sơn, Phó trưởng phòng Lao động - tiền lương - bảo hiểm xã hội Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng: “Sản phẩm, nhất là thương hiệu của DN gầy dựng được trên thương trường có công đóng góp rất lớn của người lao động. Máy móc, công nghệ hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế được họ và trách nhiệm của DN là phải chăm lo tương xứng với công sức, trí tuệ mà người lao động bỏ ra”. |
Chị Nguyễn Thị Minh, nhân viên nhân sự Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch) cho hay, DN đang trong tình trạng thiếu số lượng lao động lớn. Phòng nhân sự công ty phải áp dụng mọi cách để tuyển dụng như: tuyển dụng trực tiếp, tuyển dụng qua mạng và tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai… Gần đây, DN khuyến khích công nhân làm việc tại công ty giới thiệu người thân, bạn bè vào làm sẽ được thưởng 200 ngàn đồng/người/tháng và được trả trong 5 tháng.
Tương tự, anh Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH NamYang International Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho hay, 3 năm trở lại đây, DN luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động nên việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Theo đó, nếu như trước đây, số công nhân ổn định khoảng 3 ngàn lao động may mặc tại các xưởng thì nay giảm còn 1.200 lao động. CĐCS phải hỗ trợ DN tìm kiếm nguồn nhân lực, đăng tuyển dụng lao động thường xuyên nhưng vẫn khan hiếm.
Việc thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng đang khiến nhiều DN lo lắng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh bởi từ đầu năm đến nay, có những DN không ít đơn hàng đã ký không đáp ứng đủ số lượng do thiếu lao động làm việc. Thậm chí, một số DN phải cho lao động ở các DN khác nhận hàng về nhà làm thêm buổi tối hoặc phối hợp với các cơ sở gia công sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu từ các đơn hàng.
* Nhiều giải pháp thu hút lao động
Tại hội nghị giao ban CĐCS các DN dệt may do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng để thu hút và giữ chân lao động, các DN cần phải có chính sách chăm lo đời sống, tăng phúc lợi tốt để lao động yên tâm làm việc, gắn bó với DN. Việc quan tâm phải có thiện chí, thực tế và đáp ứng được mong muốn, nhu cầu của họ chứ không phải mang tính hình thức, bắt buộc và đối phó.
Muốn lao động gắn bó, cống hiến lâu dài, DN phải thường xuyên có chính sách đãi ngộ tốt và đưa các phúc lợi này vào thỏa ước lao động tập thể nhằm tạo động lực làm việc hiệu quả trong công nhân. Tạo môi trường làm việc thân thiện, hài hòa để họ yên tâm làm việc, không lo lắng về tiền lương và các chính sách khác là điều mà DN phải làm đầu tiên trước khi tuyển dụng lao động.
Anh Vũ Văn Cao, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho hay, với sự tác động của CĐCS, DN đã có nhiều chính sách chăm lo tốt cho người lao động. Chẳng hạn như mới đây, DN đã chi 180 triệu đồng tổ chức cho con công nhân đi tham quan; tổ chức thăm hỏi, quan tâm công nhân thường xuyên, hỗ trợ công nhân khó khăn và tăng lương cho công nhân cao hơn so với mức quy định hằng năm. Hiện mức lương của người lao động có tay nghề làm việc theo sản phẩm từ 17-18 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, DN chấp thuận bổ sung một số chính sách đãi ngộ mới vào thỏa ước lao động tập thể, người lao động rất phấn khởi.
“Để thu hút lao động, DN phải có nhiều cách quan tâm đến đời sống và tâm tư, nguyện vọng của họ. Với các khoản hỗ trợ thêm như: xăng xe, nhà trọ, năng suất, chuyên cần… người lao động có thêm động lực làm việc, gắn bó lâu dài. Hiện, DN vẫn đang khuyến khích công nhân giới thiệu bạn bè vào làm việc sẽ được thưởng 1 triệu đồng/người trong 2 tháng” - anh Vũ Văn Cao chia sẻ.
Đại diện CĐCS Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai (KCN Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) cho rằng, để thu hút lao động, ngoài việc quan tâm, đãi ngộ phúc lợi của DN, tỉnh và các cấp Công đoàn cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ DN tuyển dụng và giữ chân công nhân. Cụ thể như xây nhà ở xã hội, giúp người lao động an cư lạc nghiệp. Đây cũng là vấn đề đang được nhiều công nhân chờ đợi.
Nguyễn Hòa