Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu mà ngành GD-ĐT đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cao cho xã hội.
Trường THCS Trần Phú (thị trấn Xuân Lộc) được xây dựng thành trường chuẩn quốc gia từ nguồn xã hội hóa do doanh nghiệp xây tặng. Ảnh: T.Nam |
Nhiều năm nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của Đồng Nai khá thấp so với nhiều địa phương trong cả nước. Đến nay, Đồng Nai mới có hơn 55% trường công lập (từ mầm non đến THPT) đạt chuẩn quốc gia. TP.Biên Hòa vẫn là địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất toàn tỉnh, mới chỉ khoảng hơn 20%.
Khó khăn lớn nhất của TP.Biên Hòa khi xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia chính là cơ sở vật chất không đáp ứng đủ yêu cầu. Thành phố vẫn thiếu trường lớp, thậm chí ở một số phường tập trung đông công nhân lao động như: Trảng Dài, Long Bình, tình trạng học sinh trường này phải đi học nhờ trường khác hay dồn lớp, tăng sĩ số/lớp diễn ra khá phổ biến.
Để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp, không ít trường học ở những điểm “nóng” về tăng dân số cơ học đã phải chấp nhận “phá chuẩn” nhằm thu nhận hết học sinh trên địa bàn vào học. Một số trường ở ngay trung tâm thành phố, không dám “mơ” đạt chuẩn vì sĩ số học sinh/lớp luôn vào hàng cao ngất ngưởng; diện tích trường quá nhỏ hẹp, chật chội không đủ so với quy định của trường chuẩn...
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố đang rất quyết tâm để khắc phục tình trạng này, cố gắng huy động các nguồn lực để xây dựng trường lớp mới theo đúng các yêu cầu của trường chuẩn; đồng thời cải tạo, nâng cấp những trường xây dựng đã lâu để tăng thêm số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia lên cao hơn so với hiện nay.
Kinh nghiệm của các địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao như TP.Long Khánh hay huyện Xuân Lộc, là bám sát lộ trình, kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của tỉnh, dựa trên lợi thế sẵn có về quỹ đất, đồng bộ hóa các tiêu chuẩn khác như: đội ngũ quản lý, giáo viên, hoạt động giáo dục, kết quả giáo dục... để “tăng tốc”. Một yếu tố quan trọng khác mà theo các địa phương không thể thiếu chính là việc huy động các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Nhiều năm nay, ngân sách của tỉnh dành cho giáo dục luôn chiếm tỷ lệ cao (từ 14-22% tổng ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ bản). Điều này cho thấy, GD-ĐT luôn là lĩnh vực được ưu tiên và quan tâm đặc biệt. Do đó, với quyết tâm nâng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình hằng năm nhằm thực hiện đổi mới toàn diện GD-ĐT, thời gian tới hành trình xây dựng trường chuẩn quốc gia của Đồng Nai sẽ sớm về đích, dù còn nhiều khó khăn, thách thức.
Minh Ngọc