Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong cả nước cần phải tạo ra thị trường đào tạo nghề năng động, có chất lượng.
Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 trong giờ học thực hành. |
Đối mặt với thách thức cũng như cơ hội khi thị trường lao động chuyển biến, các trường nghề ở Đồng Nai cũng đang dần thay đổi cả tư duy lẫn hành động trong công tác đào tạo nghề.
* Chưa đáp ứng được yêu cầu
Trong năm 2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã tuyển mới được hơn 74 ngàn người vào học các trình độ từ đào tạo vừa làm vừa học đến sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Trong đó, hơn 67 ngàn người đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh lên 56,7%.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã tuyển sinh được 58 học viên để đào tạo kỹ thuật chất lượng cao với các nghề: kỹ thuật chế tạo thiết bị cơ khí, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật hàn, kỹ thuật lắp đặt điện và tự động hóa trong công nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã tổ chức đào tạo thí điểm 4 lớp với 101 sinh viên trình độ cao đẳng quốc tế theo chuẩn của Cộng hòa Liên bang Đức tại Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (đóng tại huyện Long Thành). Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, từng bước đạt chuẩn theo quy định, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là các nghề chất lượng.
“Mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt chỉ tiêu đề ra nhưng xét về tổng thể công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp về học nghề hiện nay còn hạn chế, chưa đủ mạnh để tác động, làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận người dân. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và trường nghề chưa chặt chẽ và chưa đồng bộ trong quá trình triển khai tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm” - Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh nhấn mạnh.
* Tăng cường hợp tác, đào tạo theo địa chỉ
Theo ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 là một trong 3 trường nghề tốt nhất hiện nay của cả nước. Với tư duy đổi mới, lãnh đạo nhà trường đã đi trước một bước trong việc hợp tác với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cùng nhiều tổ chức khác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên thế giới để đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế.
Toàn tỉnh hiện có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác và doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Tổng số giáo viên dạy nghề là hơn 2,8 ngàn người, trong đó có hơn 1,5 ngàn giáo viên cơ hữu, còn lại là giáo viên thỉnh giảng. Năm 2018, tỉnh dự kiến sẽ tuyển mới đào tạo nghề cho hơn 75 ngàn người, tuyển sinh đào tạo chất lượng cao cho 200 học viên. Đào tạo bồi dưỡng tin học đạt chuẩn quốc tế về sử dụng máy tính và internet do tổ chức tin học thế giới Certiport cấp (IC3) cho 150 cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục nghề nghiệp. |
Th.S Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, chia sẻ nhà trường thu hút học sinh học nghề bằng chính chất lượng đào tạo và đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm với mức thu nhập cao, có nhiều cơ hội để phát triển. Bên cạnh các chương trình đào tạo, nhà trường còn đẩy mạnh đào tạo cho một số doanh nghiệp lớn trong nước các nghề: hàn, cơ khí, vận hành xe nâng, vận hành cần trục, kỹ thuật sơn...
“Chương trình đào tạo của nhà trường sẽ đảm bảo giúp sinh viên, học viên có kiến thức đầy đủ; kỹ năng cơ bản, chuyên sâu; kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành; kỹ năng mềm; kiến thức công nghệ thông tin liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cũng trong năm nay, nhà trường sẽ phối hợp đào tạo để đưa 50 sinh viên đầu tiên xuất khẩu lao động sang Đức theo chương trình đã ký kết” - ông Nguyễn Khánh Cường cho biết.
Năm 2017, tỉnh cũng đã đầu tư cho Trường cao đẳng nghề Đồng Nai mua sắm các trang thiết bị phục vụ yêu cầu đổi mới trong giảng dạy. Nhiều trường nghề khác cũng chủ động nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường để mở thêm các ngành đào tạo.
Ông Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành), cho biết: “Để đón đầu nguồn nhân lực phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai, bên cạnh những ngành nghề đang đào tạo, nhà trường rất chú trọng đến ngành nhà hàng - khách sạn. Sau 4 năm đào tạo, những sinh viên tốt nghiệp nghề này hầu hết đều kiếm được việc làm ở nhiều điểm du lịch, dịch vụ. Hiện tại, người dân ở khu vực giải tỏa xây dựng sân bay cũng có nhu cầu học nghề này rất lớn. Ngoài ra, nhà trường cũng đã có kế hoạch mở thêm một số ngành đào tạo liên quan đến logistic, những ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, tự động hóa, xử lý môi trường. Song song đó, trường cũng đang chuẩn bị đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng có trình độ cao đáp ứng yêu cầu giảng dạy”.
Theo ông Huỳnh Văn Tịnh, từ năm 2018 công tác đào tạo nghề trong tỉnh sẽ được gắn liền với tuyển dụng lao động để tạo sự chuyển biến thực sự, sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề để đưa đi xuất khẩu lao động. Các cơ sở đào tạo nghề cần có thông báo rộng rãi những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của đào tạo nghề để thay đổi nhận thức và sự lựa chọn của người dân. Mục tiêu trong năm 2018 sẽ đưa 201 học viên sau đào tạo nghề đi xuất khẩu lao động. Sở sẽ rà soát để thu đầu mối đào tạo nghề công lập về một đơn vị.
Hạnh Dung