Những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí... phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, những nơi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ và tai nạn nguy hiểm, nhất là vào giờ cao điểm, cuối tuần... khi tập trung đông người.
Đội chữa cháy cơ sở tòa nhà Pegasus diễn tập chữa cháy tại khu vui chơi. |
Toàn tỉnh hiện có 22 khu giải trí, du lịch tập trung đông người, 10 trung tâm thương mại thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), chủ yếu tập trung ở TP.Biên Hòa. Các cơ sở này đã được lập hồ sơ quản lý nhà nước về PCCC và người đứng đầu cơ sở nắm rõ các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo an toàn PCCC, như: niêm yết quy định, nội quy, biển báo, sơ đồ PCCC, thoát nạn tại cơ sở.
* Tiềm ẩn nguy cơ lúc cao điểm
Chủ các cơ sở cũng thành lập và duy trì lực lượng chữa cháy cơ sở với thành viên chủ yếu là nhân viên bảo vệ, cứu hộ (với các khu du lịch) đã qua tập huấn, đào tạo kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, lưu ý các bậc phụ huynh không được chủ quan, ỷ lại nhân viên bảo vệ tòa nhà, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại. Người dân phải trang bị kiến thức về đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình khi vui chơi tại các khu giải trí tập trung đông người, vì số lượng nhân viên bảo vệ có hạn, không thể quán xuyến được vài trăm hay cả ngàn khách một lúc. Người dân có thể tìm đọc các cẩm nang PCCC, trong đó hướng dẫn cách thoát hiểm được cấp miễn phí cho những người có nhu cầu tại phòng cảnh sát PCCC các địa phương. |
Thiếu tá Nguyễn Đình Long, Phó trưởng phòng Hướng dẫn và chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát PCCC tỉnh, cho biết: “Hàng năm, Cảnh sát PCCC tỉnh đều tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với các khu giải trí, du lịch tập trung đông người, 10 trung tâm thương mại theo định kỳ. Qua đó, phát hiện những tồn tại, thiếu sót của cơ sở và hướng dẫn, kiến nghị cơ sở khắc phục những tồn tại để thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn PCCC. Qua các đợt kiểm tra, hướng dẫn, về cơ bản các cơ sở đã khắc phục những tồn tại và nâng cao hơn ý thức đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Bằng chứng là sau 6 tháng hoặc 1 năm quay lại, chúng tôi đã thấy chủ cơ sở thay đổi về nhận thức và sửa chữa lại hệ thống đèn, các thiết bị chữa cháy đảm bảo an toàn hơn”.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vui chơi chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn PCCC. Tại một số trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí ở TP.Biên Hòa, các hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động, lối thoát hiểm được lắp đặt 100%. Nhưng tại nhiều gian hàng, lối vào khu trò chơi có đặt thanh chắn soát vé hoặc các vật trang trí, hàng rào giới hạn, cộng thêm âm thanh, ánh sáng phức tạp, nếu tình huống cháy nổ xảy ra, phụ huynh sẽ khó xử lý tốt trong tình trạng hỗn loạn.
Chị Tạ Thị Hoàng (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho hay: “Dịp cuối tuần hay lễ, tết tôi thường đưa con đến các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại vừa để thưởng thành tích học tập tốt của các con vừa mua sắm cho gia đình. Phần lớn trung tâm giải trí đều đặt trên các tòa nhà cao tầng, nhưng tôi và nhiều người khác đúng là ít để ý đến lối thoát hiểm hay vị trí thuận lợi để thoát thân khi cần. Dù chúng tôi thường xuyên lướt web trên điện thoại, thấy vụ cháy nào lớn cũng xem, nhưng ít chú ý đến biện pháp giữ an toàn cho bản thân và gia đình khi tham gia vui chơi tại các nơi này”.
* Cần chú ý các lối thoát nạn
Thực tế cho thấy, hầu hết người dân khi đến những khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại… thường chỉ quan tâm đến những nơi đông đúc, chất lượng dịch vụ, giá cả tốt mà ít ai chú ý đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ và sau đó là cách thoát thân. Đặc biệt, những nơi này có đông trẻ nhỏ nên công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố cũng khó khăn hơn.
Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh kiểm tra các trang bị chữa cháy tại một khu vui chơi ở TP.Biên Hòa. |
Giám đốc Trung tâm giải trí Papa for Me (ở KP.5, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thành Nam cho biết: “Trung tâm chúng tôi có 1 tầng trệt và 3 lầu, đều được trang bị hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc để nắm tình hình các tầng. Do mới thành lập được vài tháng, đang trong thời gian hoàn thiện nên chúng tôi phải trang bị thêm nhiều công trình phụ hỗ trợ thoát nạn khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, vào các giờ cao điểm, cuối tuần hay lễ, tết, nếu đông trẻ em vui chơi chúng tôi sẽ ngưng thi công lắp ráp có dùng tới máy hàn, tránh xảy ra cháy, nổ từ nguồn nhiệt lớn này”.
Thiếu tá Nguyễn Đình Long khuyến cáo khi xảy ra sự cố trong các khu vui chơi giải trí, việc đầu tiên người dân cần làm là tìm cách thoát nạn, đến nơi an toàn càng nhanh càng tốt. Để làm được như vậy, cần phải lưu ý một số vấn đề, như: phải quan sát tổng thể, tìm lối thoát nạn gần nhất; không đứng giữa nơi đông người chen chúc; không hoảng loạn theo đám đông mà bình tĩnh suy xét tìm giải pháp là yếu tố quan trọng nhất…
“Khi đi vào các khu vui chơi giải trí, hãy quan sát các đèn báo “Exit” trên cao, ngay lối thoát hiểm hoặc chỉ lối thoát hiểm. Nếu xảy ra sự cố hãy thoát thân bằng lối đó, không được dùng thang máy. Khi là người phát hiện sự cố, hãy tri hô cho mọi người biết, gọi ngay cho đường dây nóng tiếp nhận tin báo cháy 114, nếu có thể thì tham gia chữa cháy ngay khi vừa thấy đám cháy bằng các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Trong quá trình di chuyển, mọi người phải cúi đầu thấp xuống, bịt miệng và mũi bằng khăn ướt để tránh hít phải khói độc, khí độc” - Thiếu tá Nguyễn Đình Long hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố. |
Minh Thành