Bằng những cách làm sáng tạo, huyện Vĩnh Cửu là một trong 3 địa phương của tỉnh thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo trong năm 2017, 2 địa phương còn lại là TX.Long Khánh và huyện Xuân Lộc.
Gia đình bà Nguyễn Thị Phát (ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) thoát nghèo nhờ được hỗ trợ nuôi bò. |
Ông Đoàn Văn Chiến, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Vĩnh Cửu, cho biết đầu năm 2017, toàn huyện có 660 hộ nghèo đa chiều chuẩn trung ương (chiếm 1,65% tổng số hộ dân toàn huyện), trong đó có 325 hộ nghèo thuộc chương trình giảm nghèo bền vững (hộ nghèo A).
* Những mô hình giảm nghèo hay
Các xã: Mã Đà, Phú Lý, Vĩnh Tân và thị trấn Vĩnh An là những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Mục tiêu của huyện đến cuối năm 2017 sẽ giảm được 200 hộ nghèo, tập trung nguồn lực hỗ trợ những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, thuộc chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Cuối năm 2017, Đồng Nai còn hơn 7 ngàn hộ nghèo, riêng số hộ nghèo A chiếm 0,39%. Mục tiêu là đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 0,19% số hộ nghèo thuộc diện này. |
Với quyết tâm, nỗ lực thực hiện mục tiêu, trong năm 2017, Vĩnh Cửu đã phân công 44 cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp phụ trách giúp đỡ cho 69 hộ nghèo. Kết quả, có 62 hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Cách làm của các đơn vị, cơ quan nhận đỡ đầu là vận động mạnh thường quân, cán bộ, nhân viên trong đơn vị hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo bằng tiền để các hộ nghèo mua sắm vật nuôi (dê, gà...); hoặc trực tiếp mua tặng vật nuôi, tặng xe đạp, sách vở... cho những thành viên còn đi học của các hộ nghèo. Một số đơn vị thực hiện tốt mô hình này như: Ban Quản lý dự án huyện, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện. Một số đơn vị còn vận động, hỗ trợ hộ nghèo trả nợ ngân hàng để có điều kiện phát triển, mở rộng chăn nuôi, sản xuất.
Ngoài ra, Vĩnh Cửu còn triển khai dự án khuyến nông hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề nông nghiệp cho hộ nghèo với sự tham gia của 60 hộ nghèo. Các hộ chọn nuôi gà được hỗ trợ bình quân 7 triệu đồng/hộ; nuôi dê, bò được hỗ trợ bình quân 10 triệu đồng/hộ.
Có 2 mô hình giảm nghèo được huyện Vĩnh Cửu chọn để nhân rộng là nuôi bò và dê sinh sản. Với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và vốn góp của các hộ nghèo, dự án này có 74 hộ tham gia. Các tổ chức, đoàn thể, mạnh thường quân trong huyện còn hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà tình thương, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trợ cấp khó khăn đột xuất do thiên tai, dịch bệnh... Đến cuối năm 2017, toàn huyện giảm được 219 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.
* Niềm vui thoát nghèo
Dự án nuôi bò sinh sản được huyện Vĩnh Cửu thực hiện khá tốt với sự tham gia của 49 hộ nghèo ở các xã: Mã Đà, Phú Lý, Vĩnh Tân. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1,1 tỷ đồng (từ ngân sách tỉnh và các hộ tham gia). Cho đến nay, các hộ này đều chăm sóc bò phát triển khá tốt. Nhiều hộ nghèo đã và đang phát triển được đàn bò lên 3-4 con.
Bà Mai Thị Muỗi (ấp 4, xã Mã Đà) là một trong những hộ thoát nghèo hiệu quả trong năm 2017. Từ Campuchia trở về, trước đây 10 người trong nhà bà Muỗi sống trong ngôi nhà tạm bợ, không có đất để sản xuất, nguồn thu chỉ dựa vào công việc làm mướn bấp bênh. Đầu năm 2017, gia đình bà Muỗi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng một căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng; được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua bò giống. Bà Muỗi vay thêm 5 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản. Đến nay, 1 con bò mẹ đã đẻ được 1 con bê.
“Hiện tại, ngoài việc chăn nuôi bò, tôi còn trồng thêm xoài, nhận đan lưới thuê kiếm thêm thu nhập hàng ngày. Các con vừa đi làm công nhân vừa đi làm mướn. Nhờ có sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo địa phương, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo, có nhà cửa khang trang, con cháu được đi học đầy đủ” - bà Muỗi vui mừng cho biết.
Cách đó không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Phát (ấp 4, xã Mã Đà) cũng đã vươn lên thoát nghèo từ dự án nuôi bò sinh sản của huyện. Đến nay, đàn bò nhà bà Phát có 4 con. Bà Phát dự định sẽ nuôi cho đàn bò tiếp tục sinh sản, sau đó mới bán dần. Năm 2017, gia đình bà Phát còn được hỗ trợ một tấm pin năng lượng mặt trời để sử dụng.
Hạnh Dung