Xã hội

Khi nào nên thay khớp gối?

Bác sĩ Lê Ngân, Trưởng khoa Ngoại chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết thoái hóa khớp gối là quá trình hư hại toàn thể khớp gối, gây đau đớn cho bệnh nhân cả ngày và đêm.

a
 

Trường hợp thoái hóa khớp gối nặng khiến người bệnh vận động khó khăn, không còn khả năng lao động. Có nhiều nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối, như: cao tuổi, béo phì, chấn thương, ung thư làm biến dạng khớp gối.

Đối với các trường hợp đau khớp gối kéo dài sẽ được điều trị nội khoa 2-3 tháng. Các bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc kháng viêm, giảm đau có hay không có corticoid, các bài tập... Tuy vậy, các phương pháp này chỉ làm giảm bớt mà không thể làm thay đổi được tình trạng thoái hóa khớp.

Trong trường hợp điều trị nội khoa không giảm, có biểu hiện diễn tiến bệnh nặng hơn bác sĩ sẽ có chỉ định phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo cho bệnh nhân. Vì nếu không phẫu thuật thì bệnh nhân luôn chịu đau đớn, về lâu dài sẽ làm hư luôn gối. Thực tế, tâm lý bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối rất ngại phẫu thuật mà uống thuốc giảm đau kéo dài đối diện với nhiều biến chứng liên quan đến tim mạch, suy thận, bao tử, suy giảm hệ miễn dịch… Tình trạng thoái hóa khớp kéo dài khiến gối bị biến dạng, không đi lại được… lúc đó phẫu thuật sẽ rất khó khăn, tỷ lệ thành công không cao.

Kỹ thuật thay khớp gối được thực hiện ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai từ năm 2009 đến nay đã phẫu thuật cho 150 ca với tỷ lệ thành công lên đến 90%. Tuổi thọ trung bình của khớp gối nhân tạo là 15 năm. Khi khớp nhân tạo bị hư và bệnh nhân bị đau trở lại, các bác sĩ sẽ thay một khớp gối khác. Thay khớp gối được thực hiện cho bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, sau khi thay bệnh nhân tập luyện 1-2 tháng hết đau đi lại bình thường rất hiệu quả, điều quan trọng là nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, hết đau đớn và vận động trở lại bình thường.                

An An (ghi)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,989,624       8/1,467