Văn hóa

Đưa sách Đồng Nai đến gần bạn đọc

Nhà xuất bản (NXB) Đồng Nai thời gian qua đã xuất bản trên 40 ngàn đầu sách các loại và hàng triệu bản in nhằm phục vụ đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

Tủ sách địa phương với nhiều tài liệu quý tại Nhà xuất bản Đồng Nai. Ảnh: L.Na
Tủ sách địa phương với nhiều tài liệu quý tại Nhà xuất bản Đồng Nai. Ảnh: L.Na

Trong số các đầu sách xuất bản ở Đồng Nai, có rất nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lan tỏa trong cộng đồng.

* Sách xuất bản ở Đồng Nai

Có thể kể đến như bộ sách Sáng ngời chất ngọc anh hùng, Đồng Nai di tích lịch sử văn hóa, Biên Hòa xưa và nay, Chiến tranh Rừng Sác, Pháo miền Đông… Riêng từ đầu năm đến nay, NXB Đồng Nai đã tham gia biên soạn 6 đầu sách đặt hàng, thực hiện 315 hợp đồng liên kết xuất bản sách, xuất bản 840 đầu sách các loại.

Phó giám đốc Thư viện tỉnh Lê Thị Dung mong muốn: “Trong thời gian tới, NXB Đồng Nai nghiên cứu, gởi lại cho Thư viện tỉnh bản sách điện tử sau khi in và phát hành sách. Thư viện tỉnh sẽ tổ chức phục vụ bạn đọc một cách phù hợp nhất, tránh vi phạm Luật Bản quyền. Từ đó, tăng giá trị tài liệu của NXB Đồng Nai, chất lượng phục vụ bạn đọc của thư viện vì thế cũng tăng lên”.

Giám đốc NXB Đồng Nai Bùi Thị Lâm Ngọc cho biết, NXB Đồng Nai là một trong số ít đơn vị trong cả nước xuất bản các công trình đặt hàng một cách hệ thống, thường xuyên qua các năm. Hầu hết các xuất bản phẩm đều đạt chất lượng tốt, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, đáp ứng nhu cầu của độc giả.

Ngoài các sách xuất bản hằng năm, hiện NXB Đồng Nai đang phối hợp với các tác giả (nhà văn và họa sĩ) trong tỉnh thực hiện dự án tranh truyện Danh nhân Đồng Nai. Dự kiến, bộ tranh truyện sẽ có 20 tập, mỗi tập 20 trang viết về các danh nhân Đồng Nai như: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Tri Phương, Trần Thượng Xuyên… Bộ sách này sau khi phát hành sẽ được phổ biến trong các trường học. Qua đó, tuyên truyền lịch sử, văn hóa Đồng Nai đến các em học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Theo Phó giám đốc Thư viện tỉnh Lê Thị Dung, sách theo đơn đặt hàng của tỉnh do NXB Đồng Nai ấn hành đều có mặt tại hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở. Ở Thư viện tỉnh, có riêng một kho lưu trữ tài liệu và một kho xuất bản phẩm địa phương nhằm phục vụ cho các đối tượng bạn đọc. Các tài liệu này theo thời gian càng có giá trị, giúp bạn đọc trong tỉnh tìm hiểu đầy đủ về Biên Hòa - Đồng Nai hơn 320 năm hình thành và phát triển.

Chị Nguyễn Thị Oanh, nhân viên thư viện Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa) cho biết, tủ sách văn hóa, lịch sử, con người Đồng Nai là tủ sách bắt buộc tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Tùy vào nhu cầu mà hằng năm mỗi trường có cách bổ sung số lượng sách này khác nhau.

“Ở trường chúng tôi, giáo viên và học sinh đến đọc và mượn sách về Đồng Nai rất đông nhưng số lượng sách này ở thư viện chưa nhiều. Đặc biệt là vào những đợt tỉnh tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Biên Hòa - Đồng Nai hay học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với Thư viện tỉnh, phối hợp để luân chuyển nhiều hơn các đầu sách của Đồng Nai về thư viện trường, phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh” - chị Oanh chia sẻ.

* Đưa sách về vùng sâu, vùng xa

Là bạn đọc thường xuyên của Thư viện tỉnh, ông Nguyễn Minh Tài (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, tủ sách về Đồng Nai tại thư viện rất đa dạng và phong phú. Các đầu sách được phân loại rất bài bản, mượn và trả rất dễ dàng.

Tuy nhiên, ông Tài cho rằng NXB và thư viện nên phân bổ sách nhiều hơn về thư viện cơ sở, nhất là thư viện các trường học vùng sâu, vùng xa, các điểm đọc sách miễn phí ở trong khu dân cư. Bởi học sinh hay người dân ở vùng sâu khi muốn tìm hiểu về Đồng Nai họ không thể mất 5-7 giờ đi một quãng đường xa lên thư viện huyện, thành phố để tìm sách. Đưa sách về gần với nơi họ học tập, sinh sống và lao động sẽ góp phần phát huy tốt hiệu quả của sách xuất bản Đồng Nai.

Làm thế nào sách của Đồng Nai đến gần bạn đọc luôn là câu hỏi và là trăn trở lớn của hầu hết các tác giả và những người làm công tác xuất bản, in, phát hành. Theo Giám đốc NXB Đồng Nai Bùi Thị Lâm Ngọc, trong nỗ lực để bạn đọc tiếp cận với sách xuất bản của Đồng Nai, NXB đã phát hành sách đặt hàng đến 700 địa chỉ trong tỉnh, bao gồm thư viện, trường học, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân; đồng thời tổ chức giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi các đầu sách đến độc giả cả nước.

“Hiện chúng tôi đang nỗ lực xuất bản những cuốn sách giá trị để phục vụ độc giả trong và ngoài tỉnh; tổ chức thêm những hoạt động như đem sách tới trường học, vùng nông thôn nơi người dân có hoàn cảnh khó khăn để phần nào nâng cao dân trí và văn hóa đọc. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tổ chức những buổi nói chuyện về văn hóa đọc cho các bạn trẻ... để hình thành một thế hệ tương lai biết chia sẻ với trách nhiệm xã hội” - bà Lâm Ngọc chia sẻ.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, ngoài các bản sách in được NXB Đồng Nai chuyển đến cho hệ thống thư viện, nên chăng cần xây dựng thêm các bản sách điện tử. Thư viện điện tử sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, công sức và thời gian, giúp bạn đọc tiếp cận với sách trong vòng “một giây”.

Tuy nhiên với hình thức phục vụ này, nhiều bạn đọc và cả những người làm công tác xuất bản đều cho rằng, sách rất dễ bị mất bản quyền, tình trạng sách lậu ngày càng tràn lan hơn. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý xuất bản; cần có quy định chặt chẽ về điều kiện, kỹ thuật cho việc xuất bản điện tử; có đội ngũ nhân lực giỏi về công nghệ… nhằm mang đến một phong cách đọc sách hiện đại, tiện ích hơn cho bạn đọc.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  554,020       1/914