Đinh Nhật Minh đem đến "giao diện" của một nghệ sĩ pop trẻ hiện đại và sành điệu: quần jean rách, tóc nhuộm nâu đỏ, giày thể thao trắng tinh cùng khả năng vũ đạo chuyên nghiệp
Đinh Nhật Minh đem đến “giao diện” của một nghệ sĩ pop trẻ hiện đại và sành điệu: quần jean rách, tóc nhuộm nâu đỏ, giày thể thao trắng tinh cùng khả năng vũ đạo chuyên nghiệp. Ít ai ngờ, Đinh Nhật Minh là một nghệ sĩ sáo trúc. Thế hệ thứ ba kế thừa sự nghiệp và mang sứ mệnh khuếch trương thanh thế sáo trúc Việt của gia đình họ Đinh, gồm NSƯT Đinh Thìn (ông nội), NSƯT Đinh Linh (cha) và bây giờ là Đinh Nhật Minh.
Nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh |
So với hình ảnh một nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc thường chỉn chu trong áo dài như thường thấy, hình ảnh của Nhật Minh có phần “nổi loạn”. Trả lời thắc mắc, Nhật Minh bảo: “Tôi vừa qua đôi mươi, phong cách đúng với tuổi, đúng xu hướng thời đại”.
* Kết hợp nhạc dân tộc với điện tử
Nhiều người thấy lạ nên xầm xì nhưng gia đình Nhật Minh thì gật gù “thích sao mặc nấy, miễn sao thấy thoải mái và đừng trở nên dị hợm là được”. Thật ra, sự lựa chọn trang phục của Nhật Minh có chút tính toán, khôn khéo. Bởi Minh đang trên hành trình đưa nhạc dân tộc đến với khán giả bằng tư duy, cảm nhận và hơi thở của chính mình ở thế kỷ 21, thời kỳ đương đại với sự giao thoa của nhiều thể loại âm nhạc, trong đó có nhạc truyền thống, dân tộc với âm nhạc hiện đại. Theo đó, Minh vừa thổi sáo vừa nhảy để tạo nên một không gian gần gũi, thân thiện với khán giả.
Tiếng sáo, đàn T’rưng, K’lông pút… được thể hiện trên nền nhạc điện tử. Dự án thể nghiệm của Minh được giới thiệu lần đầu tiên tại chương trình Người bí ẩn đã chinh phục khán giả một cách tuyệt đối bởi màn trình diễn thú vị. Hỏi vì sao Minh lại nghĩ đến việc kết hợp độc đáo này? Minh cho biết thời của ông nội nhạc dân tộc là “linh hồn” của một chương trình biểu diễn. Nghệ sĩ biểu diễn nhạc dân tộc là những ngôi sao không thể thay thế. Rồi đến thời cha và mẹ (NSƯT Tuyết Mai), nhạc dân tộc chính là phương thức kết giao tuyệt vời trong quan hệ bang giao các nước. Thời điểm đó, khán giả trong nước vẫn còn những quan tâm, nhưng đã bị chi phối nhiều bởi nhạc trẻ, bởi sự du nhập của âm nhạc thế giới. Nhưng đến lúc này, ý kiến mà nhiều người nói về nhạc dân tộc, truyền thống chính là “khán giả quay lưng”.
Bản thân Minh ít nhiều nhận ra điều ấy. Nhưng, thay vì ngồi than vãn, Minh thấy rằng: “Đó đơn giản là sự thay đổi của thời thế. Thế hệ khán giả thay đổi theo thời gian và vì vậy, thẩm mỹ cùng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của họ cũng khác đi. Bản thân tôi cũng thế. Tôi theo nhạc dân tộc với sứ mệnh riêng, nhưng tôi cũng yêu thích hip-hop, rap hoặc R&B đương đại. Thế nên, việc của nghệ sĩ phải làm là mang đến những gì tiệm cận với sở thích khán giả. Tất nhiên, điều đó phải dựa trên nền tảng âm nhạc dân tộc truyền thống mà tôi theo đuổi. Và từ đó, những dự án kết hợp nhạc dân tộc với điện tử của tôi cũng ra đời nhiều hơn”.
* Hết mình với đam mê
Năm 12 tuổi, Đinh Nhật Minh một mình sang Trung Quốc du học, theo diện học bổng tài năng trẻ của Nhà nước. Hơn 6 năm rèn giũa ở Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Đinh Nhật Minh nhận hàng loạt giải thưởng quan trọng trong sự nghiệp, được mời đi lưu diễn ở Pháp, Đức, Phần Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Bỉ, Ukraine, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Venezuela, Colombia...
Trở về Việt Nam, Đinh Nhật Minh không nghĩ nhiều đến việc mình sẽ phải làm gì, vì đơn giản “nghệ sĩ thì sẽ được mời đi biểu diễn, có việc gì thì làm việc nấy thế thôi”. Minh bảo: “Phải sẵn sàng cho những đổi mới, vì chính bản thân mình”. Những thay đổi của Minh, bắt đầu bằng việc cùng với NSƯT Tuyết Mai phát triển Trúc Mai House - nơi biểu diễn nhạc dân tộc phục vụ du khách và mở những lớp dạy dân tộc nhạc miễn phí cho bất cứ ai có nhu cầu. Đến nay, lớp học nhạc dân tộc truyền thống miễn phí đã đi được 10 năm và từng ấy năm, có một lượng lớn khán giả đủ mọi lứa tuổi theo học.
Không ít ý kiến bảo rằng thế thì “sống bằng gì” nếu cứ mải mê với những hành trình thể nghiệm cái mới và quảng bá nhạc dân tộc miễn phí thế này. Minh lạc quan: “Mình cứ hết lòng với niềm đam mê của mình trước đã. Mọi thứ sau đó thì mai mốt nghĩ sau. Ông trời công bằng mà, lo gì”.
Trang Vũ