Văn hóa

Ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng: Cần chế tài đủ mạnh

Thời gian gần đây, tại một số địa phương trong nước đã xảy ra khá nhiều hành vi tiêu cực trong ứng xử nơi công cộng (gây rối trong bệnh viện, sân bay; sàm sỡ phụ nữ, trẻ em…) khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Thời gian gần đây, tại một số địa phương trong nước đã xảy ra khá nhiều hành vi tiêu cực trong ứng xử nơi công cộng (gây rối trong bệnh viện, sân bay; sàm sỡ phụ nữ, trẻ em…) khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Một bác sĩ Khoa Sản (ngồi) Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã bị người nhà của một bệnh nhân hành hung vì khó chịu bởi tiếng loa phát thanh. Ảnh: TRẦN DANH
Một bác sĩ Khoa Sản (ngồi) Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã bị người nhà của một bệnh nhân hành hung vì khó chịu bởi tiếng loa phát thanh. Ảnh: TRẦN DANH

Không khó để bắt gặp những hành vi tiêu cực trong ứng xử nơi công cộng như: chen lấn, xô đẩy trong bệnh viện, rạp chiếu phim; nói tục, chửi thề; phóng nhanh, vượt ẩu,  khi tham gia giao thông; phóng uế tùy tiện; xả rác bừa bãi ra đường, kênh rạch, bến xe, nhà ga; ăn mặc phản cảm đi vào chốn tôn nghiêm...

* Chỉ nghĩ đến bản thân

Trong bất kỳ hoạt động nào của đời sống, mỗi người đều cần thể hiện nếp sống văn minh. Thế nhưng, không ít người chỉ vì sự tiện lợi, thoải mái, nhanh chóng cho mình mà có những hành vi không chuẩn mực. Điều này thấy rất rõ ở hoạt động giao thông.

Vào các giờ cao điểm trong ngày, tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe diễn ra ở nhiều nơi ở TP.Biên Hòa. Theo các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chính gây kẹt xe trên các tuyến đường này là do người đi đường không đi đúng làn đường của mình.

Anh Phạm Quốc Vinh, một kỹ sư điện tử (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho hay, vào giờ đi làm hay tan tầm, ở một số giao lộ, rất dễ bắt gặp hình ảnh người đi đường không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, không đi đúng làn đường của mình. Cứ chỗ nào trống là họ lấn tới, bất chấp cả vỉa hè, chen vào làn đường ngược chiều khiến cho nút thắt càng chặt hơn, khó gỡ hơn và cuối cùng là “rối nùi” không bên nào đi được.

Đặc biệt, ở những khu chung cư, vẫn có không ít người chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà không nghĩ đến người khác xảy ra rất phổ biến. Bà Nguyễn Thị Lành sống trong khu chung cư ở xã Hóa An (TP.Biên Hòa) than thở: “Cùng sống với nhau trong một chung cư, đòi hỏi mọi người cùng giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, an toàn cháy nổ cho dân cư cả tòa nhà, nhưng vẫn có người thích làm gì thì làm khi gần nửa đêm vẫn còn khoan đục tường khiến cho người già, trẻ nhỏ thức giấc; từ tầng cao tự tiện vứt rác, hất nước rửa xuống sân hay tận dụng hành lang để nấu củi lửa gây nguy cơ về cháy, nổ. Nói ra thì mất lòng, không nói thì bực bội vì lối sống thiếu văn hóa, thiếu ý thức của một số người”.

Tương tự, ở các bệnh viện, nhà ga, bến xe, điểm bán vé tại các rạp chiếu phim… dù có biển cấm hút thuốc nhưng nhiều người vẫn vô tư “phà” khói thuốc và chỉ ngưng khi người có trách nhiệm đến nhắc. Việc xếp hàng để chờ tới lượt khám bệnh, hay mua vé ở một số nơi khi không có lực lượng bảo vệ cũng hay xảy ra tình trạng nhốn nháo tranh chỗ.

Cách ứng xử tại các bệnh viện cũng là vấn đề “nóng” trong thời gian qua. Mới nhất là vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ Khoa Sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vào ngày 26-6, chỉ vì không chịu được tiếng loa phát thanh tại Khoa Sản khiến nhiều người bất bình.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho rằng, dù vì bất cứ lý do gì, hành vi tấn công bác sĩ, nhân viên y tế là hành động phản cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến nhân lực cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, ảnh hưởng gián tiếp đến an toàn cho bệnh nhân và thân nhân tại bệnh viện. Do đó hành vi này phải được xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, như vậy mới mang tính răn đe, giáo dục, tránh các trường hợp tái phạm.

* Cùng bài trừ hành vi xấu

Hiện nay, chế tài đối với các hành vi, lời nói, cử chỉ xúc phạm đến người khác, gây rối nơi công cộng đã được quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Cụ thể phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 5 triệu đồng (tùy mức độ vi phạm) đối với những hành vi, lời nói, cử chỉ xúc phạm đến người khác, gây rối nơi công cộng...

Dù đã có quy định nhưng mức xử phạt còn quá thấp, không đủ sức răn đe. Điển hình như: hành vi ôm hôn một phụ nữ trong thang máy (ở TP.Hà Nội), lớn tiếng lăng mạ nhân viên Sân bay Tân Sơn Nhất... nhưng chỉ bị xử phạt hành chính 200 ngàn đồng (dựa theo Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167 do có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác), đã khiến dư luận không đồng tình.

Nhiều ý kiến cho rằng đó là một mức xử phạt không có tính răn đe và có thể tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức và gây bức xúc trong xã hội.

Hay như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013 nghiêm cấm các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng... nhưng đến nay rất khó để xử lý hành vi này vì thiếu chế tài xử lý. Trong khi thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nhưng lại được bày bán tràn lan ở khắp mọi nơi, với giá rất rẻ, bất cứ ai cũng có thể mua được.

Đối với hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng, bên cạnh tăng các mức xử phạt, chế tài để xử lý thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi người. Có thể nói rằng, giao tiếp, ứng xử nơi công cộng được xem là một kỹ năng quan trọng đối với mỗi người. Ứng xử có văn hóa nơi công cộng là nếp sống văn minh, đạo đức cần được mọi người coi trọng, nhất là giới trẻ. Nếu chỉ biết đặt “cái tôi” của mình lên trên hết để rồi ứng xử không đúng mực, người đó không chỉ tự làm xấu hình ảnh chính mình mà còn gây tổn thương cho người khác, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng.

Phương Liễu - Gia An


Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch: Giao tiếp, ứng xử phải được rèn giũa từ nhỏ

Văn hóa học đường là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ, để các em biết sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp, có lối sống nhân văn, giao tiếp, ứng xử có văn hóa. Trong môi trường học đường nhìn chung hiện nay vẫn tồn tại một bộ phận học sinh và cả giáo viên có hành xử thiếu văn hóa, ứng xử thiếu tôn trọng bản thân và mọi người. Mặc dù ngành đã có rất nhiều giải pháp nhằm trang bị, rèn giũa kỹ năng giao tiếp, ứng xử cũng như hướng dẫn học sinh cách giải quyết các tình huống, thế nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những mắt xích quan trọng giúp các em hình thành nhân cách tốt, ứng xử văn hóa đó chính là gia đình. Phần lớn thời gian các em ở với gia đình, vì thế muốn các em ứng xử có văn hóa, có lối sống nhân văn, biết nhận thức được đâu là hành vi tiêu cực thì ngay từ nhỏ, cha mẹ, thầy cô, cùng những người lớn phải làm gương, bởi trẻ nhỏ rất hay bắt chước.

 
TS.Lê Minh Công, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục (ARIPES): Mỗi người phải học cách tự kiểm soát mình

Hành vi lệch chuẩn trong ứng xử thường là do một số người không có nền tảng giáo dục tốt nên khi gặp tình huống không như ý, bản thân vốn thiếu kỹ năng kiểm soát hành vi, thiếu giá trị đạo đức nên dễ có xu hướng bộc phát thái độ, phản ứng của mình một cách thái quá. Ngày nay, sợi dây gắn kết gia đình đang lơi lỏng, giáo dục ở nhà trường đang có những vấn đề cần quan tâm, khiến ngay từ bé, nhiều người không được quan tâm đến nội tâm, không được rèn các kỹ năng ứng xử và giải quyết tình huống, dẫn đến dễ phát sinh các phản ứng tiêu cực khi mong muốn không được đáp ứng. Để ứng xử văn minh, giao tiếp lịch sự, tôn trọng người khác, mỗi người phải học cách tự kiểm soát mình.

 
Chị Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh: Dũng cảm lên án những hành vi xấu

Ứng xử nơi công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người, nhất là đối với giới trẻ. Sở dĩ một số bạn trẻ có hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng là do những tác động từ các “trào lưu” văn hóa được các bạn tiếp thu nhưng chưa có chọn lọc. Một phần là do bản thân các bạn chưa rèn luyện cho mình thái độ ứng xử chuẩn mực. Theo tôi, các bạn trẻ cần phải dũng cảm, sẵn sàng lên tiếng, nhắc nhở những hành vi không chuẩn mực trong xã hội, lên án mạnh mẽ trước những biểu hiện sai quấy, phi văn hóa và góp phần làm chuyển biến ý thức của số đông.   

An Nhiên - Kim Liễu


Đồng Nai

© 2021 FAP
  670,726       1/259