Văn hóa

Nhớ người anh hùng

Ông là Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Người ta thường gọi ông bằng cái tên trìu mến: ông Bảy Ước hay ông Bảy.

 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước

Cũng từ ông Bảy Ước mà tôi biết sâu sắc hơn chiến công của bộ đội Đặc công Rừng Sác…

Lần ấy viếng thăm Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch. Bước chân vào chính điện của ngôi đền, tôi bỗng cảm thấy như có một luồng khí lạ thấm vào thân mình. Danh sách của 80 bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 2 ngàn liệt sĩ từ khắp nơi trong cả nước hiện rõ trong mắt tôi. Rồi tôi nhớ tới những gì mà ông Bảy Ước kể về đặc công mình đánh giặc trên dòng sông Thị Vải. Bộ đội Rừng Sác đã tham gia ngót 400 trận, đốt cháy kho xăng Nhà Bè, phá hủy kho bom Thành Tuy Hạ, đánh chìm và làm hư hỏng 356 tàu thuyền, bắn cháy 29 máy bay, bẻ gãy các cuộc càn quét của giặc, tiêu diệt hơn 6 ngàn tên địch,  làm rung động khắp thế giới…

Ông Bảy Ước nhìn về xa xăm kể: “Tướng Mỹ Westmotreland, người có con mắt tinh ranh đã nhận ra cái địa thế hết sức quan trọng và nguy hiểm này, nên  ông ta đã cho xây dựng một hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt thành một biệt khu quân sự Rừng Sác, với ảo vọng, một con ruồi cũng khó lọt qua”.

Ông Bảy Ước làm thơ, nghe da diết, xúc động đến mặn nồng. “Bâng khuâng tấc dạ niềm thương nhớ/Lộng gió trên sông đẹp bóng cờ....” Nghe thơ ông nặng nghĩa tình sâu sắc với đồng đội, mênh mang đến thiêng liêng day dứt: “Mãi mãi hiên ngang Rừng Sác đứng/Mỗi người ngã xuống một bài thơ...”.

Chính vì lòng trung kiên son sắt với Đảng, Bác Hồ mà Đại tá Lê Bá Ước đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Niềm vui lớn ấy không chỉ riêng với bản thân và gia đình ông mà còn là niềm hãnh diện của mảnh đất anh hùng.

Thẳng thắn và kiên định là đức tính nổi bật của ông Lê Bá Ước. Ông từng nói với tôi: “Tốt với nhau là phải chân thành, góp ý cho nhau phải từ cái tâm trong sáng”. Ông luôn nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Ông phát biểu trước hội nghị bằng cả trái tim mình: “Người lãnh đạo mà làm việc kém hiệu quả thì làm sao dân tin. Cán bộ khi bị khuyết điểm không dám nhận sai lầm, lại còn tìm cách biện minh cho cái sai của mình, thì làm sao chấp nhận được”. Đối với anh em văn nghệ sĩ, ông khuyên, phải có lối sống trong sạch và tiên phong.

“Thơ là cái hồn thúc đẩy cho những hành động đúng” - ông Bảy Ước quan niệm như thế. Ông giãi bày: “Khi buông tay súng là trong đầu lại xuất hiện những vần thơ, lưu nó trong đầu, để rồi sau cuộc chiến mới viết thành văn bản”. Thơ của ông nặng nghĩa tình với đồng đội của mình lắm - người sống còn rất nặng nợ với người đã khuất: “Lặn sâu xuống sông Lòng Tàu/Đồng đội ngày xưa có thấy đâu/Hỏi ốc, ốc nằm im chẳng nói/Hỏi cua, cua bảo sấu ăn rồi/Xương trắng nở hoa tận đáy sông/Mênh mông Rừng Sác nhuốm màu hồng…”.

Ông Bảy Ước lúc nào cũng đau đáu nhớ về đồng đội năm xưa. Nghe ông kể về sự hy sinh của đồng đội, của người bạn đời (vợ ông, bà Nguyễn Thị Mến, hy sinh 20-1-1970 tại rừng Sác) mà thấy lòng tê tái, nhưng cũng thật tự hào. Ông thao thức nhớ thương những đồng đội ra đi; chăm lo cho con cái của đồng chí mình trở thành những công dân tốt. Ông bảo, đó là lương tâm, không được phân biệt đối xử...

Không lợi dụng chức quyền để đem cái lợi cho mình, ông Bảy Ước đã nói và đã làm như vậy. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà, ông được phân công làm Phó chỉ huy trưởng Tỉnh đội Đồng Nai. Ông vẫn động viên con cháu mình tham gia lực lượng vũ trang, giúp nước bạn Campuchia đánh giặc.  Ông luôn nhắc nhở động viên con cháu sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, giữ vững truyền thống cách mạng của gia đình.

Ngày xưa ông Bảy Ước “khai man” tuổi để được đi bộ đội, rồi những lần cuốc bộ sang Trung Quốc học tập quân sự, cho tới những trận đánh hay, nghe hoài không thấy chán. Ông luôn nhắc nhở mình phải sống sao cho xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Trong lời phát biểu cảm tưởng ở buổi lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng, Nhà nước trao tặng, ông Bảy Ước nói: “Với tuổi đời 82 và 62 năm tuổi Đảng, trong những năm tháng cuối đời, tôi xin hứa sẽ gương mẫu, giữ trọn tư cách, phẩm chất trong mọi hoàn cảnh, tiếp tục động viên, giáo dục con cháu trong gia đình tự nguyện tiếp bước cha anh.

Hình ảnh ông Lê Bá Ước để lại trong tôi nhiều tâm tư, ông  không “khoe” thành tích: “Lính Cụ Hồ là phải chiến đấu đến cùng, đã theo Đảng là theo đến cùng dù có hy sinh tới tính mạng”. Trong ông tiềm ẩn sâu sắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nó được nuôi dưỡng và thử thách từng ngày. Ông đã trung thành tuyệt đối với lời dạy của Bác Hồ và lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam: Thắng không kiêu, bại không nản, giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục.

Ngày 24-9 -2014, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức Tọa đàm tác phẩm Một thời Rừng Sác của nhà văn, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước. Tác phẩm này như một lời tri ân, một nén tâm nhang tưởng nhớ đến những chiến sĩ Đặc công Rừng Sác đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Chiến khu Rừng Sác. Chiến sĩ đặc công với cách đánh táo bạo và thông minh đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

 “Nếu không có tình yêu quê hương và lòng dũng cảm thì làm sao ta có thể làm nên những điều kỳ diệu” - ông Bảy Ước bảo thế.

Tháng 4-2016, tôi tới nhà tặng ông Bảy Ước tập truyện ngắn của mình mới xuất bản. Ông vui lắm. Ông hẹn tôi: “Bữa nào rảnh hai anh em mình cà phê nhé!”.

Tháng 10-2016 đoàn văn nghệ sĩ Đồng Nai đi trại sáng tác ở Vũng Tàu. Đi được nửa đường thì điện thoại của họa sĩ Đào Tấn Hưng đổ chuông liên hồi. Đầu dây bên kia là giọng nghèn nghẹn của con trai ông Bảy Ước: “Chú về ngay, ba con muốn gặp!”. Đào Tấn Hưng thốt lên: “Chắc anh Bảy sắp đi rồi!”. Được biết, họa sĩ Đào Tấn Hưng là lính của ông Bảy Ước thời Đặc công Rừng Sác. 

Thế là cuộc hẹn giữa tôi và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước đã không thành. Ông về với đồng đội vào chiều ngày 18-10-2016, thọ 85 tuổi.

Ông đã đi xa nhưng tôi vẫn thấy ông như ở đâu đây, rất gần.

(Kính dâng hương hồn Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước)

Đào Sỹ Quang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  670,808       1/259