Tôi gọi thế hệ cầm bút sau thế hệ những nhà văn kháng chiến như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn là một thế hệ mới.
Theo thứ tự từ trái qua phải, các nhà văn, nhà thơ, tác giả: Nguyễn Thái Hải, Đàm Chu Văn, Trần Ngọc Tuấn, Hoàng Ngọc Điệp, Hạnh Vân, Trần Thu Hằng |
Đó là những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh hoạt ở Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai hiện nay như: Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải, Đàm Chu Văn, Trần Ngọc Tuấn, Phạm Thanh Quang, Lê Đăng Kháng, Lê Thanh Xuân, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng, Bùi Công Thuấn, Bùi Quang Tú, Nguyễn Trí…
* Những nhà văn tài năng
Với trên 53 cuốn sách đã in (tính đến năm 2017) trong đó có nhiều tiểu thuyết, nhiều bộ truyện cho thiếu nhi, nhà văn Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải đã có một sự nghiệp văn chương đồ sộ. Anh vẫn đang nỗ lực hoàn thành những bộ sử thi khi bước vào tuổi 70 (2020). Ở thể loại nào anh cũng có những thành tựu.
Tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm với cấu trúc hai tuyến song song có bóng dáng sử thi, đến nay vẫn được đánh giá cao về nghệ thuật tiểu thuyết so với tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Nguyễn Thái Hải đặc biệt thành công ở truyện viết cho thiếu nhi. Truyện thiếu nhi của anh hấp dẫn và giàu giá trị giáo dục. Anh có nhiều truyện trinh thám thiếu nhi mà người lớn đọc vẫn thích thú. Truyện ngắn Khôi Vũ mang hơi thở thời sự nhưng vẫn vươn lên tính tư tưởng. Khôi Vũ viết rất nhanh, có một “tứ” là anh có thể viết thành một truyện thú vị. Nhân vật của Khôi Vũ mang khí chất Đồng Nai, mạnh mẽ, giàu nghĩa tình. Trang văn của anh đẹp và giàu tình người.
Hai nhà văn Lê Đăng Kháng và Phạm Thanh Quang từng là người lính thời kháng chiến chống Mỹ. Văn của các anh đậm chất lính. Cả hai đều in các tập thơ. Tập thơ Quả ngọt của Lê Đăng Kháng được Giải Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015).
Trong Ban Văn học Hội VHNT Đồng Nai còn nhiều tác giả có quá trình sáng tác dày dặn như: Hoàng Ngọc Điệp, Nguyễn Hoài Nhơn, Đào Trọng Thử, Trần Thúc Hà, Trương Thanh Phận và những tác giả đầy triển vọng như: Đào Sỹ Quang, Dương Đức Khánh, Hạnh Vân, Phương Rong… Tác phẩm của họ ít nhiều đã ghi được dấu ấn trên văn đàn, tuy nhiên, họ cần có được những tác phẩm đột phá về nghệ thuật và nội dung để khẳng định tài năng văn chương của mình. |
Nhà văn Nguyễn Trí xuất hiện và tự khẳng định bằng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 và rất nhanh sau đó, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016. Tiểu sử của anh gây sửng sốt văn đàn. Năm 1975, Nguyễn Trí mới học lớp 10. Gia đình phân tán, anh vào Đồng Nai mưu sinh khi mới 17 tuổi. Anh đã lăn qua đủ thứ nghề: nấu rượu, nhảy tàu, tìm vàng, khai thác đá quý, trầm hương, chặt củi, đốt than, xe ôm… Ấn tượng sâu đậm nhất với anh là nghề “đồ tể” và nghề dạy Anh văn (chính xác là dạy tiếng Anh “bồi”). Tác phẩm của anh được viết từ chất liệu của chính cuộc đời anh. Hiện đang là “thời” của anh, mỗi nhà văn đều có “thời” của mình. Anh liên tục in tác phẩm. Năm 2017 anh đã in 4 cuốn.
Tôi chú ý đến hai “nhà văn trẻ” mà tác phẩm của họ có nhiều yếu tố cách tân của tiểu thuyết Việt. Đó là Nguyễn Một và Trần Thu Hằng. Nhà văn Nguyễn Một khẳng định tài năng viết tiểu thuyết với tác phẩm Đất trời vần vũ. Đến tiểu thuyết Ngược mặt trời, Nguyễn Một thực sự cách tân cách viết. Anh gọi tiểu thuyết của mình là “tiểu thuyết rời rạc”. Anh phối hợp nhiều kiểu bút pháp của tiểu thuyết đương đại, phối hợp thể loại. Có cả một vở kịch trong tác phẩm. Nguyễn Một thực sự thử thách bản lĩnh ngòi bút khi viết về những vấn đề nóng của lịch sử và thời đại như vấn đề đạo Công giáo ở Việt Nam, về chiến tranh. Dù vậy anh vẫn có những trang văn lãng mạn rất đẹp.
Trần Thu Hằng khẳng định tài năng văn chương ở tiểu thuyết lịch sử và cách mạng (Chuyện tình ở Hầm Hinh). So với Khôi Vũ và Nguyễn Một, Trần Thu Hằng đã mở rộng biên độ thời gian và không gian hơn, đề cập trực tiếp những vấn đề lịch sử và cách mạng ở Đồng Nai hơn. Trần Thu Hằng đặc biệt xây dựng được nhân vật người phụ nữ bản lĩnh trong những hoàn cảnh khốc kiệt của đời sống. Tiểu thuyết của Trần Thu Hằng hấp dẫn từ trang đầu đến trang cuối. Ngôn ngữ văn chương của Trần Thu Hằng giàu trí thức và chất văn chương.
* Nhiều tìm tòi cho thơ
Về các nhà thơ, tôi chú ý thơ thiền của Trần Ngọc Tuấn. Trần Ngọc Tuấn chọn loại thơ này quả là một thách đố tư tưởng và tài năng, hơn thế bằng cả đời hành thiền của mình. Nhà thơ không thể viết thơ thiền khi không thông hiểu kinh Phật. Nhưng là một nhà thơ, Trần Ngọc Tuấn phải chuyển hóa tư tưởng Phật thành tứ thơ và tứ thơ ấy chỉ nở hoa bằng trải nghiệm thiền và giác ngộ thiền của chính tác giả. Tư tưởng thiền đã trở thành tư tưởng thẩm mỹ từ thơ thiền Lý - Trần. Tư tưởng ấy cũng sâu đậm trong thơ Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều. Thơ thiền đương đại chỉ có Phạm Thiên Thư và Trần Ngọc Tuấn. Trong khi các nhà thơ trẻ hăm hở thể nghiệm thơ hậu hiện đại thì Trần Ngọc Tuấn lại trở về nguồn và có những đóng góp mới. Đó chính là tài năng và bản lĩnh sáng tạo.
Những nhà văn như: Đào Sỹ Quang, Dương Đức Khánh, Hạnh Vân, Phương Rong… cũng đã khẳng định được tên tuổi trên văn đàn. Họ sẽ là mùa Xuân của văn chương Đồng Nai. Người Đồng Nai có quyền chờ đợi và hy vọng. |
Các nhà thơ Đàm Chu Văn, Lê Đăng Kháng, Đỗ Minh Dương, Lê Thanh Xuân vẫn viết bằng bút pháp truyền thống. Đàm Chu Văn có thế mạnh ở những bài thơ viết về đồng đội trong chiến tranh. Đỗ Minh Dương có những bài đồng dao hay. Trường ca của Lê Đăng Kháng có rất nhiều lửa nghệ thuật. Thơ Lê Thanh Xuân có nhiều tứ hay và mới lạ. Tôi đọc tuyển tập 150 bài thơ của Lê Thanh Xuân và nhận ra phẩm chất “thi sĩ” của anh vượt trội ở sự sáng tạo nhiều tứ thơ tài hoa và phóng khoáng. Những nơi anh qua, những nơi anh đã sống đều hiện lên rất đẹp, rất đặc sắc và rất thơ theo góc nhìn riêng của anh. Lê Thanh Xuân cũng có những bài đi một lối khác với thơ truyền thống, đó là loại thơ truyền thống - hiện đại, tuy anh không nói đến cách tân. Dòng chảy “truyền thống - hiện đại” là dòng chảy chính của thơ Việt sau những nỗ lực của nhiều nhà thơ muốn cách tân thơ từ sau đổi mới.
Thơ của Nguyễn Đức Phước, Hạnh Vân (tác giả đoạt Giải Trịnh Hoài Đức lần thứ IV cả thơ và văn, chưa là hội viên Hội Nhà văn) nằm trong trường “thơ trẻ” đầu thế kỷ XXI với kiểu tư duy, kiểu ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, hai tác giả này đi sau Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh… nên chưa gây được nhiều sự chú ý trên văn đàn.
* Mai sau…
40 năm qua, Hội VHNT Đồng Nai đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Các hoạt động VHNT sôi nổi, số hội viên được kết nạp thêm nhiều. Các văn nghệ sĩ Đồng Nai đoạt nhiều giải thưởng của Trung ương và của nước ngoài. VHNT Đồng Nai phản ánh được đất nước, con người Đồng Nai trong các chặng đường lịch sử và cách mạng, đồng thời tiếp bước các thế hệ cha anh làm giàu thêm văn hóa Đồng Nai. Đó là một thành tựu quan trọng.
Về văn học, thế hệ nhà văn bước ra từ kháng chiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhà văn - chiến sĩ. Đó là cố nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Đức Thọ và các nhà văn Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, các nhà thơ Lê Thanh Xuân, Đỗ Minh Dương, Đàm Chu Văn… Tác phẩm văn học viết về đề tài cách mạng và kháng chiến là dòng chảy chính và có những thành tựu lớn (tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm). Những nhà văn mặc áo lính cũng bày tỏ những trăn trở về những vấn đề đạo đức, lối sống khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường. Thế hệ này giữ nguyên bút pháp của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và thi pháp của văn chương kháng chiến.
Văn chương Đồng Nai cũng đã xuất hiện thế hệ nhà văn hướng về thị trường, tác phẩm của họ hòa vào văn chương thị trường. Điều này là tất yếu khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường hội nhập, toàn cầu hóa. Đó là các nhà văn Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Một, Nguyễn Trí… Các nhà văn này đều có tác phẩm đứng được trong thị trường và có những đóng góp vào sự đổi mới chung của văn chương Việt Nam, như sự thể nghiệm nhiều kiểu bút pháp khác với văn chương truyền thống.
Bùi Công Thuấn