Văn hóa

Thượng tá Nguyễn Hữu Dũng và con đường đến với nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh đến với Nguyễn Hữu Dũng như một cái duyên. Những năm trước, nhắc đến anh, nhiều người nghĩ ngay đến vị Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Trường cao đẳng nghề số 8 với tác phong "chuẩn nhà binh", bộ quân phục chỉnh tề. Ít ai biết rằng, ẩn sau phong thái khuôn phép ấy là một tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng, phong sương, chỉ chờ có cơ hội là "bấm", là "lia", là "bay" trên những tầng trời.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Dũng
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Dũng

Nhiếp ảnh đến với Nguyễn Hữu Dũng như một cái duyên. Những năm trước, nhắc đến anh, nhiều người nghĩ ngay đến vị Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Trường cao đẳng nghề số 8 với tác phong "chuẩn nhà binh", bộ quân phục chỉnh tề. Ít ai biết rằng, ẩn sau phong thái khuôn phép ấy là một tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng, phong sương, chỉ chờ có cơ hội là “bấm”, là “lia”, là “bay” trên những tầng trời.

Dù mới là thành viên của Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hội Nhà báo Đồng Nai, chưa gia nhập Ban Nhiếp ảnh của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, Nguyễn Hữu Dũng vẫn được biết đến với vai trò một nhiếp ảnh gia không chuyên. Anh tự tìm tòi, học hỏi, góp mặt tại các cuộc thi lớn nhỏ trong, ngoài tỉnh cũng như khu vực. Bắt đầu từ đây, Nguyễn Hữu Dũng chính thức đánh dấu tên mình trên các "sân chơi" ảnh nghệ thuật.

* Từ giấc mơ làm họa sĩ...

Sinh năm 1969, quê tỉnh Vĩnh Phúc, Hữu Dũng từng mang trong mình khát khao cháy bỏng: làm họa sĩ. Không bước qua ngưỡng cửa Trường đại học mỹ thuật để hiện thực hóa ước mơ ngày thơ bé, Hữu Dũng tham gia chương trình đào tạo sĩ quan quân đội tại Sơn Tây. Giấc mơ sáng tạo nghệ thuật từ cây cọ vẽ, từ những mẩu gỗ hình trụ có lõi bằng than chì của tuổi thơ chân đất không hề lụi tắt, mà vẫn được ấp ủ, tồn tại song song với cuộc sống hằng ngày. Và anh từng bước làm quen với lĩnh vực thứ hai trong nghệ thuật thị giác - “người anh em” của hội họa: nhiếp ảnh - từ nhận thức và quan niệm của riêng mình.

Tác phẩm Ngoạn mục. Ảnh: Nguyễn Hữu Dũng
Tác phẩm Ngoạn mục. Ảnh: Nguyễn Hữu Dũng

Bước chân vào "sân chơi" ảnh nghệ thuật, Nguyễn Hữu Dũng không khỏi bỡ ngỡ. Anh “nhập môn”  bằng cách quan sát tác phẩm và công việc của các nhiếp ảnh gia gạo cội tỉnh nhà - những người đã “chung sống” với nhiếp ảnh nhiều năm qua. Thời gian đầu, Hữu Dũng nhận được sự hướng dẫn căn bản từ người bạn cùng tên, hiện là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hội Nhà báo Đồng Nai, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Lê Dũng. Cứ bước chân ra khỏi nhà hay nơi làm việc, xách máy lên và đi là anh chụp bất cứ thứ gì ngang qua và thấy được. Anh cảm nhận được rằng: mỗi giây trôi qua, có hàng ngàn khoảnh khắc diễn ra cần được lưu giữ…

Hữu Dũng không ngần ngại “chộp” bất kỳ khoảnh khắc đáng giá nào. Anh bấm máy với một quan niệm đơn giản rằng: nhiếp ảnh là vị sứ giả của thời gian. Chỉ nhiếp ảnh mới có thể phản ánh trung thực, khách quan sự đổi thay của thiên nhiên - đất nước - con người, của văn hóa - lịch sử - tôn giáo…  đưa những giá trị tinh thần trường tồn với thời gian.

Ban đầu, Hữu Dũng chụp cho riêng mình thôi, để thỏa mãn những đam mê về màu sắc, bố cục, để đánh dấu lại không gian đó, thời gian đó, sự vật - con người đó đã từng như thế, để một mai nhìn lại, thấy được sự đổi thay của vũ trụ, cuộc đời. Mỗi một lần bấm máy với anh là một cảm xúc đặc biệt, không thể sao chép. Anh quyết tâm ghi lại cuộc sống dưới những góc nhìn khác nhau, vừa mang đậm tính nghệ thuật nhưng không tách rời hiện thực, tìm mọi cách thực hiện bộ ảnh phản ánh thực tế một cách chân thật nhất. “Thú nhận” mình không giỏi Photoshop, không muốn lạm dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, anh luôn cố gắng  giữ lại những gì nguyên bản và thuần khiết của tấm hình, không can thiệp sâu vào bản gốc… Đa số các tác phẩm hoàn thành chỉ được chỉnh sửa ánh sáng, độ tương phản…

Cứ thế, anh cần mẫn, thận trọng thử nghiệm các góc máy: từ thấp đến cao, các loại máy: từ máy kỹ thuật số đến máy ảnh phim, sau này là flycam, đôi khi cả bằng điện thoại thông minh; với những phối cảnh khác nhau, làm sao để mỗi ngày trở về nhà, đều có ít nhất một bức ảnh ưng ý. Càng thực hành nhiều, “kho” tư liệu trong máy Hữu Dũng càng thêm nhiều ảnh “chất lượng”. Cho đến khi ngắm nghía lại “gia sản” không kém phần đồ sộ ấy, là lúc anh tìm được phong cách riêng cho mình.

* … Đến lăn lộn, kỹ lưỡng với đam mê

Tiếp thu kinh nghiệm từ những cánh chim đầu đàn trong làng nhiếp ảnh Đồng Nai như: Bùi Viết Đồng, Nguyễn Đức Tường, Trần Văn Kỷ… với sự hướng dẫn nhiệt tình của anh em trong Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hội Nhà báo Đồng Nai, đồng thời tìm hiểu thêm những ý tưởng mới mẻ, độc đáo cùng tư duy nghệ thuật "sốc, lạ" từ thế hệ trẻ như: Nguyễn An, Nguyễn Hòa… chỉ sau một thời gian ngắn "chơi" ảnh nghệ thuật, Hữu Dũng đã cho ra đời nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. Không chỉ dừng ở những tác phẩm chụp bằng flycam, những bức ảnh về cuộc sống đời thường hay đặc tả chân dung người lao động của anh mang một hơi thở riêng, một màu sắc riêng.

Nhìn vào tác phẩm Ngoạn mục, mới thấy Hữu Dũng đã lăn lộn ra sao, chọn góc chụp kỹ lưỡng thế nào. Bố cục, màu sắc và cả nội dung anh thể hiện trong bức ảnh đều đồng nhất, bổ trợ cho nhau, khiến người xem thích thú như đang được thưởng thức một cuộc đua nảy lửa, gay cấn và sống động, khi cả cát, bụi mù văng lên ống kính.

Cô thợ dệt là một cách chụp hoàn toàn khác với ống kính fisheye và kỹ thuật bẻ cong tạo hiệu ứng. Chỉ qua những đường tơ mỏng manh và đôi bàn tay người thợ, chân dung người lao động thời nay với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa truyền thống của dân tộc hiện lên trong cách đặc tả của anh khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế và đáng yêu vô cùng.

Bằng một kỹ thuật khác, được sự hỗ trợ của flycam, Hữu Dũng mang đến công chúng nhiều tác phẩm độc đáo, mới mẻ trong cái nhìn bao quát, tổng thể chỉ có được với góc chụp từ trên cao. Vừa như vô tình, vừa là hữu ý, Nguyễn Hữu Dũng khơi dậy tình yêu quê hương, xứ sở, niềm tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam.

Tác phẩm Thu hoạch cá tầm. Ảnh: Nguyễn Hữu Dũng
Tác phẩm Thu hoạch cá tầm. Ảnh: Nguyễn Hữu Dũng

Không quên cái nôi đã nuôi dưỡng nên một thượng tá quân đội hôm nay, Hữu Dũng luôn dành tình cảm đặc biệt cho cuộc sống và con người trong quân ngũ. Anh đầu tư rất nhiều thời gian, tâm huyết để chụp ảnh đời sống chiến sĩ, thao trường,  cảnh đẹp mọi miền đất nước như một lời tri ân với mảnh đất và người gieo hạt, nuôi dưỡng… đã đồng hành với anh suốt bao nhiêu năm qua.

Ý thức quân nhân khiến cho tác phẩm của anh mạnh mẽ, cứng cỏi hơn rất nhiều. Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã phát sóng không ít phóng sự ảnh do Thượng tá Nguyễn Hữu Dũng bấm máy như: Huấn luyện chiến sĩ mới ở BB3 Quân đoàn 4, Vẻ đẹp tiềm ẩn mũi Kê Gà, Mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ…

Bằng tất cả tâm huyết và sự nỗ lực trong lĩnh vực mới đầy thử thách đối với một quân nhân, Nguyễn Hữu Dũng đã có được những thành quả đáng trân trọng. Đúng một năm “lấn sân” sang nhiếp ảnh, anh có tác phẩm Tục viết liễn ở Nhà lớn Long Sơn triển lãm tại cuộc thi Ảnh quốc tế tại Việt Nam lần thứ 10 (VN 19), 3 tác phẩm được triển lãm tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ lần thứ 27 tại tỉnh Lâm Đồng cùng nhiều tác phẩm trưng bày tại các cuộc thi trong và ngoài tỉnh.

Huyền Quy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  554,920       2/921