Văn hóa

Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao: Mơ về vườn Âu Cơ với trăm quả trứng

Andy Cao, tên tiếng Việt là Cao Thanh Sơn, là nghệ sĩ thiết kế cảnh quan (landscape artists) hàng đầu thế giới hiện nay.

Ở nhiều nơi, anh được xem là huyền thoại từ văn hóa Việt Nam. Vừa qua triển lãm Mây pha lê tại ruộng bậc thang Đồi Mâm Xôi (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) do anh, Xavier Perrot, cùng một số nghệ sĩ Việt Nam thực hiện đã tác động lớn đến dư luận trong nước và quốc tế.

Bộ đôi nghệ sĩ Andy Cao (trái) và nghệ sĩ Xavier Perrot.Ảnh: Trung Dũng
Bộ đôi nghệ sĩ Andy Cao (trái) và nghệ sĩ Xavier Perrot.Ảnh: Trung Dũng

Năm 2012, Andy Cao và Xavier Perrot hoàn tất đồ án thiết kế cảnh quan quảng trường Thủ Thiêm và công viên ven sông Sài Gòn. Andy Cao nhiều lần về Việt Nam để tìm cảm hứng, anh đến nhiều tỉnh, thành với mong muốn tìm nơi phù hợp và có duyên cho tác phẩm tiếp theo.

Anh có cuộc trò chuyện với Báo Đồng Nai về những dự định sắp tới:

 Sau gần 20 năm làm nghề trên khắp thế giới, anh mới có tác phẩm tại Việt Nam. Cảm xúc của anh thế nào?

Với vài chục tác phẩm lớn nhỏ có thể kể như: Vườn kiếng (Los Angeles, Mỹ), Cây dương liễu (Texas, Mỹ), Vườn ru (California, Mỹ), Công viên Guaming (Thâm Quyến, Trung Quốc), Đồng gối (Washington, Mỹ), Mây pha lê (Swarovski Crystal World, Áo)… Andy Cao là người Việt đầu tiên nhận các giải thưởng danh giá cho nghệ sĩ thiết kế cảnh quan, đó là Loeb Fellowship tại Trường cao học thiết kế Harvard và Rome Prize Fellowship tại Viện Hàn lâm Hoa Kỳ tại Rome, Italy.

- Tôi đến Mỹ từ năm 13 tuổi, nên hiện tôi có cái vỏ là Mỹ, nhưng cái ruột vẫn là người Việt. Khi lần đầu trở về thăm ngôi trường mang tên ông cố ở Sài Gòn cũng là nơi tôi học lúc nhỏ - Trường THCS Huỳnh Khương Ninh; bao nhiêu ký ức lại hiện về như cũ. Rồi khi trở lại Hóc Môn, nơi tôi từng ra đồng làm ruộng mấy mùa, bây giờ là phố phường, nhưng các hình ảnh cũ lại như sống động trong suy nghĩ. Vì vậy khi làm tác phẩm ở bất kỳ đâu, các hình ảnh này cứ nhập vào, hòa trộn với các hình ảnh mới.

Nhiều người nói tác phẩm của tôi vừa kỹ thuật vừa trữ tình, trong đó yếu tố trữ tình thường đến từ những lời ru, câu chuyện, hình ảnh của Việt Nam. Khi thiết kế đồ án cảnh quan cho quảng trường Thủ Thiêm và công viên ven sông Sài Gòn, tôi lấy cảm hứng từ cái giếng và con cá bống vàng trong truyện cổ tích Tấm Cám. Khi làm Mây pha lê tại Mù Cang Chải, tôi lại nhớ về những đám mây chiều trên cánh đồng tại Hóc Môn.

Nói thật, tôi không quan trọng mình ở đâu, đi hay về, mà tự trong suy nghĩ và tác phẩm, mình phải là mình - đem các thành tố của văn hóa địa phương chia sẻ với thế giới.

 Anh thấy thiết kế cảnh quan của Việt Nam hiện nay thế nào?

- Tôi thật sự hiếu kỳ trước những thay đổi và những giá trị cốt lõi, di sản ở Việt Nam. Đây là một thách thức mà bất kỳ nước nào cũng gặp phải: muốn phát triển thì phải xây mới, nhưng muốn có ký ức, lịch sử thì phải gìn giữ, bảo tồn. Trong một đô thị, đây là 2 thế giới dễ “thù nghịch” của nhau, làm sao để hài hòa, hợp lý thì mới đáng làm. Khư khư giữ riêng cái cũ cũng không hay, mà hoàn toàn đập bỏ xây mới cũng không tốt.

Có nhiều cách để Việt Nam đi ra thế giới, đối thoại với thế giới, nhưng chắc chắn hành trang mang theo phải có bản sắc, có giá trị cốt lõi. Khi nói về quê nhà, chúng ta không thể nói chung chung mà phải có những hình ảnh và hình dung cụ thể nào đó. Tôi trở thành nghệ sĩ thiết kế cảnh quan vì tuổi thơ gắn bó với cánh đồng, vườn tược, con trâu, cánh diều... Tôi lấy cảm hứng từ tiếng hát của Hương Thanh, những sợi lác làm chiếu ở Bình Chánh, dừa Bến Tre, đồng muối Bình Thuận, làng chài Khánh Hòa… để làm tác phẩm cho quốc tế.

 Anh tìm kiếm cơ hội cho tác phẩm của mình thế nào?

- Tôi tin vào chữ duyên của người Việt, như một câu ca: Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa một mình. Tôi và cộng sự Xavier Perrot (người Pháp) vẫn tin “hữu xạ tự nhiên hương”, nên cứ làm và làm tại xưởng, khi gặp duyên thì đưa ra công chúng.

Tác phẩm Mây pha lê tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Giang Huy
Tác phẩm Mây pha lê tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Giang Huy

Tổ chức của chúng tôi chỉ có 2 người, tôi làm việc tại nhà ở Mỹ, Xavier Perrot làm tại nhà ở Pháp, nên có thất nghiệp vài năm cũng không sợ, mình ăn ít một chút thôi. Nhìn lại 20 năm đã qua, chúng tôi không quảng cáo ở bất kỳ đâu, và cũng không nhận làm theo đơn đặt hàng. Như Mây pha lê tại Mù Cang Chải, tôi có ý tưởng và đồ án từ 2 năm trước, nên ngày đủ duyên đủ lực thì làm.

 Nói như vậy là anh không biết tác phẩm sắp tới của mình sẽ bày ở đâu? Ước mơ của anh là gì?

- Với tác phẩm mà đã nhận lời  làm thì tôi biết, chứ còn dự định thì không biết và cũng không muốn nghĩ đến cho mệt đầu. Tôi chỉ nghĩ đến hiện tại và những điều có thể làm được. Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn để đến các làng nghề Việt Nam như: gốm Biên Hòa, Bình Dương… để lấy cảm hứng cho các tác phẩm sắp tới.

Về ước mơ, tôi đang hoàn thành thiết kế vườn Âu Cơ, trong đó sẽ gồm 100 khu vườn nhỏ, tượng trưng cho 100 trứng, trải dài từ Nam ra Bắc, lấy cảm hứng từ các làng nghề truyền thống của Việt Nam. Bạn thử tưởng tượng nếu tôi lấy gốm Biên Hòa (Đồng Nai) kết hợp với lãnh Mỹ A (An Giang), khu vườn sẽ thế nào? Tôi nghĩ rằng mình sẽ làm 100 khu vườn nhỏ tại Việt Nam, còn đặt tại đâu thì tùy duyên mà thôi.

 Cảm ơn anh. Chúc anh và Xavier Perrot sẽ thành công trong các tác phẩm sắp tới!

Hiền Hòa (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  559,407       1/771