Văn hóa

Nghi thức hôn nhân và tang lễ ở Đồng Nai

Theo phong tục Á Đông, quan (chỉ những cuộc vui mừng, đón tiếp khách), hôn (đám hỏi, cưới), tang (ma chay), tế (cúng tế thành hoàng và các nghi lễ ở đình) là 4 nghi lễ quan trọng của đời người. Trong đó, hôn nhân và tang lễ gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nên rất được xem trọng.

Một đám cưới xưa ở Nam bộ.
Một đám cưới xưa ở Nam bộ. Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Mọi nghi thức trong hôn nhân, tang lễ của người Việt ở Đồng Nai xưa phần lớn căn cứ theo khuôn khổ các nghi lễ trong cuốn Thọ mai gia lễ của Hồ Sỹ Tân (Tiến sĩ năm 1721).

* Hôn nhân

Khác với miền Bắc và miền Trung, trong hôn nhân người Đồng Nai quan niệm không khe khắt về vấn đề môn đăng hộ đối, ít có sự phân biệt giàu - nghèo, sang - hèn, chủ - tớ mà thường theo tiêu chuẩn “vừa đôi phải lứa” và “hợp tuổi”. Việc tìm hiểu giữa trai gái cũng tự do, phóng khoáng hơn, ít có chuyện ràng buộc phải tìm hiểu trong người cùng làng. Nguyên nhân là do làng ở Đồng Nai có cơ cấu mở, thường gồm nhiều họ, đa nguồn gốc, nhiều người ở làng khác đến phụ canh. Thanh niên nam nữ được dịp giao tiếp rộng nên việc tìm hiểu cũng trong mối quan hệ rộng và trong vòng kiểm soát nới lỏng của gia đình.

Trai gái nếu thuận lòng nhau thì về thưa với cha mẹ để gia đình nhà trai “bước tới”. Trước đây, người Đồng Nai theo tập tục của Trung Hoa nên hôn nhân phải trải qua 6 lễ: nạp thái, vấn danh, nạp kiết, nạp tệ, thỉnh kỳ, thân nghinh. Theo thời gian, các lễ này được giản lược bớt, đến nay chỉ còn chủ yếu 2 lễ: hỏi và cưới.

Trong lễ hỏi, nhà trai chọn ngày lành tháng tốt, cậy mai dong đến nhà gái đặt vấn đề xin cưới. Mai dong có thể là ông mai hoặc bà mai, phần lớn là người cao tuổi trong họ, trong làng, có uy tín và có “duyên” ăn nói. Lễ vật ăn hỏi dạng đơn giản nhất gồm: đôi đèn, cặp trà, cặp rượu, 2 quả bánh, đôi bông tai cho cô gái. Đặc biệt, theo tục xưa, đàng trai nhất thiết phải mang sang nhà gái một búp sen to bằng giấy, sau đó nhà gái treo ở gian chính hàm ý báo cho mọi người biết con gái đã đính hôn. Trong trường hợp hồi hôn, nhà gái phải trả bằng được cho nhà trai búp sen này. Trường hợp nếu nguyên nhân hồi hôn do lỗi của nhà trai thì nhà gái có quyền không trả lại lễ vật, nhưng nếu nguyên nhân do nhà gái thì phải bồi thường gấp đôi lễ vật đã nhận của nhà trai, vì thế dân gian có câu: Trai chê vợ của đổ xuống sông/Gái hồi chồng của một đền hai.

Lễ cưới ở Đồng Nai thường được cả gia đình, họ hàng lẫn làng xóm cùng chăm lo. Đây là một trong những đặc điểm của người Đồng Nai cũng như ở Nam bộ, bởi sự khó khăn ban đầu trong giai đoạn mở cõi đã hình thành tập quán hỗ trợ trong cộng đồng rất cao. Nam giới giúp việc dựng cổng cưới, sắp xếp bàn ghế, trang trí nhà cửa; cánh phụ nữ hỗ trợ việc bếp núc; mọi người đều xem đây là niềm vui và trách nhiệm của mình trong cộng đồng.

Trong lễ cưới, khi đàng trai đến nhà gái thì được tiếp đón bằng tràng pháo cưới (ngụ ý vui mừng, xua đuổi xui xẻo nếu có) và đàng gái cử người ra đón tận ngõ; khi vào nhà có người rước dù, rước quả lễ vật. Thành phần chính trong lễ cưới gồm: bậc trưởng thượng và cha mẹ 2 bên, mai dong, đại diện họ hàng… Tất cả được sắp xếp ngồi nơi bàn chính đối diện bàn thờ tổ tiên, theo nguyên tắc “nam tả nữ hữu” đàng trai ngồi phía bên trái, đàng gái ngồi phía bên phải (nhìn từ bàn thờ).

Khi lễ vật bày ra, mai dong tuyên bố lý do, nêu lễ vật; nhà gái nhận lễ, có lại quả. Chủ gia thắp 3 cây nhang khấn vái tổ tiên báo có việc hôm nay gả con gái lấy chồng. Cô dâu được mời ra, mặc trang phục cổ truyền có dâu phụ đi kèm. Lễ lên đèn được thực hiện trang trọng, mai dong cầm đôi đèn từ lễ vật của nhà trai đốt sao cho cháy cùng lúc, khấn vái rồi mỗi tay cầm một cây đèn chuyển cùng lúc, tay trái chuyển cho nhà trai, tay phải chuyển nhà gái để cắm vào bàn thờ tổ tiên. Mọi người cho rằng, ngọn đèn nào cháy mạnh hơn thì bên đó sẽ lấn lướt bên kia, vì thế việc chọn đèn, lên đèn được thực hiện rất cẩn trọng. Sau đó đàng trai rước dâu.

Đoàn người rước dâu cũng như đưa dâu phải theo nguyên tắc số chẵn, tránh lẻ loi. Nghi thức làm lễ ở đàng trai cũng tương tự như đàng gái, sau đó sui gia 2 bên và khách mời nhập tiệc. Trong tiệc đặc biệt kiêng kỵ việc đổ vỡ nên mọi người phải rất thận trọng.

3 ngày sau, cô dâu chú rể làm lễ lại mặt (còn gọi là phản bái), mang mâm trầu rượu và cặp vịt sống về lại nhà gái để tạ ơn cha mẹ; chú rể cũng mang về cái đầu heo để cúng ông bà, nếu đầu heo bị cắt mất tai thì đó là ngụ ý cô dâu không còn trinh trắng, đây là nỗi sỉ nhục của gia đình nhà gái.

* Tang lễ

Nghi thức tang lễ đối với người Đồng Nai rất quan trọng. Trước kia tại Cù lao Phố (nay thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) khi gia đình có người mất thì con cháu phải mặc áo rách, đội nón rách, bưng khay trầu rượu đến đình làng xin thỉnh trống. Việc thỉnh trống này có ý nghĩa báo tử và xin được các bậc cha chú, tiền bối ở làng đến giúp đỡ, hướng dẫn việc tống táng.

Để làm tang lễ, ngoài những nghi thức, thủ tục, trong tang lễ bao giờ cũng có âm nhạc. Người Việt có thành ngữ “Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Nhạc lễ được dùng trong đám ma rất quan trọng và cần thiết vì chính nhạc đã góp phần điều khiển lễ nghi. Khi kèn trống nổi lên trong lúc tế lễ cùng với nhạc lễ thổi các bài buồn (Xuân nữ, Nam ai) như thay lời người sống tiếc thương và tiễn đưa người đã khuất về cõi vĩnh hằng. Đồng thời, nhạc lễ cũng điều hòa mọi động tác của tang chủ và cả chấp sự.

Theo ông Huỳnh Văn Sự (ngụ xã Hiệp Hòa), người Đồng Nai tổ chức tang lễ theo 2 cách. Thứ nhất, theo nghi thức truyền thống là có học trò lễ, xướng các nghi thức tuần tự; cách thứ hai là theo nghi thức Phật giáo, mỗi tang ma đều có nhà sư đảm trách các thủ tục lễ nghi. Nhưng dù theo nghi thức nào thì vẫn tuân thủ theo các lễ nghi, từ nhập mạch, thành phục, phát tang, triêu điện, tịch điện… Nhiều gia đình muốn hồn người thân được siêu thăng còn thỉnh các vị chân tu về tụng kinh siêu độ.

Theo tục lễ cũ ở Đồng Nai, khi gia đình có người thân qua đời thì trước tiên lấy một cái chiếu trải xuống đất, đưa người chết nằm xuống chiếu một lát rồi đưa trở lên giường. Tục lệ này hàm ý hy vọng rằng sinh khí ở dưới đất có thể làm hồi sinh, tuy nhiên theo quan niệm của người xưa, chết là về với đất “Nhân sinh ư thổ, diệt hoàn ư thổ”, cũng có ý nghĩa giải thích là để lấy đủ khí âm dương cho người chết.

Người chết được đậy mặt bằng tờ giấy trắng, hàm ý để khỏi nhìn thấy con cháu buồn khổ, cũng có ý kiến giải thích là con cháu không nhìn thấy mặt người đã khuất để đỡ đau lòng hơn. Gia đình phải có người xem giờ coi người nhà ra đi vào giờ tốt hay xấu, sau đó tiến hành lễ nhập quan. Trước khi tẩn liệm phải nhốt chó, mèo, không để con vật gì nhảy ngang xác, kiếng hoặc những gì phản chiếu hình ảnh cũng phải dán lại; tục này gắn với truyền thuyết về quỷ nhập tràng được lưu truyền ở Đồng Nai từ xa xưa.

Linh cữu tùy theo người mất mà đặt ngay chính giữa nhà hoặc lệch sang bên trái. Theo quan niệm của người Đồng Nai, trường hợp trong nhà có người cao niên hơn người chết thì quan tài sẽ được đặt sang gian bên trái, hoặc lệch sang trái để tỏ ý khiêm nhường, tránh đặt ngay giữa nhà. Quan tài (hòm) làm bằng 3 mảnh ván, bao giờ cũng sơn màu đỏ. Nắp hòm làm bằng một nửa thân cây đặc ruột, mặt hình bán nguyệt vừa khít với thân hòm, theo quan niệm của người xưa làm quan tài như vậy là hài hòa với sự vuông tròn của trời, đất. 

Sau khi đặt linh cữu đúng vị trí, thân nhân đặt một chén cơm lồng chặt và một quả trứng luộc, đôi đũa một đầu gọt sơ bông cắm thẳng đứng 2 bên quả trứng. Theo quan niệm của người dân, đó là cơm mời tử thần đến rước linh hồn người chết về âm phủ, vì có một chén cơm, một quả trứng tròn và 2 chiếc đũa để riêng, tử thần sẽ khó dùng và ăn chậm hơn nên không hối thúc linh hồn người chết về âm phủ sớm được.  

Tục đặt quan tài đầu quay ra ngoài có ý nghĩa là luôn nhớ về nhà (khác với người Hoa quay đầu vào trong để “một đi không trở lại”), người tới phúng điếu sẽ làm lễ lạy ở phía đầu chứ không phải lễ lạy phía chân, trừ những người ngang hàng bậc cha chú. Người xưa quan niệm rằng chết rồi thì thành thần (tử giả vi thần). Trong lúc đưa đám, khiêng quan tài cũng theo cách đầu đi trước. Do tục lệ này, trong nhà lệ thường người sống bao giờ ngủ cũng nằm đầu ở phía trong, chân ra ngoài, người ta rất kiêng kỵ không bao giờ ngủ chân trở vào phía trong như là đặt thây người chết. Ngoài ra, tang lễ ở Đồng Nai xưa đều thực hiện đầy đủ các nghi thức như: lễ thành phục (lễ mặc đồ tang của các thành viên trong gia đình), lễ cúng cơm, lễ động quan, lễ hạ huyệt…

Huỳnh Tới - Lâm Nhân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  559,391       1/771