Văn hóa

Thầy Ba Đợi: tưởng nhớ một bậc tiền nhân!

Vở cải lương Thầy Ba Đợi do Nhà hát cải lương Việt Nam phối hợp cùng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thực hiện nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương vừa công diễn tối 28-4 và 1-5 tại Nhà hát Bến Thành (TP.Hồ Chí Minh) và đêm 29-4 tại Long An.

Vở cải lương Thầy Ba Đợi do Nhà hát cải lương Việt Nam phối hợp cùng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thực hiện nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương vừa công diễn tối 28-4 và 1-5 tại Nhà hát Bến Thành (TP.Hồ Chí Minh) và đêm 29-4 tại Long An.

Cảnh trong vở Thầy Ba Đợi. Ảnh: Quang Định
Cảnh trong vở Thầy Ba Đợi. Ảnh: Quang Định

Thầy Ba Đợi được soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương từ kịch bản văn học của
PGS-TS.Nguyễn Thế Kỷ. Đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo (chỉ đạo nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu).

* Tôn vinh công trạng của nhạc sư Nguyễn Quang Đại

Đây là vở cải lương đầu tiên tập trung khoảng 60 nghệ sĩ của 2 miền Nam - Bắc. Đạo diễn  NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, người khởi xướng thực hiện vở diễn mong muốn Thầy Ba Đợi không chỉ ôn lại quá trình hình thành của sân khấu cải lương mà còn góp phần khẳng định công trạng của nhạc sư Nguyễn Quang Đại.

Thầy Ba Đợi có thể chưa làm thỏa mãn người xem nhưng vẫn đáng trân trọng vì đó là tấm lòng thành của hậu thế muốn có một hoạt động thiết thực để tôn vinh tiền nhân, người đã có công tạo tiền đề cho họ có một cái nghề để yêu, để sống chết như ngày hôm nay.

Vở cải lương Thầy Ba Đợi là câu chuyện về nhạc sư Nguyễn Quang Đại (1855 - không rõ năm mất). Khi vua Hàm Nghi bị Pháp đày sang châu Phi, ông Nguyễn Quang Đại hưởng ứng chiếu Cần Vương vào Nam kỳ chống Pháp, mang theo di sản quý báu là nhã nhạc cung đình Huế. Trong quá trình lưu lạc, ông từng bước “dân dã hóa” âm nhạc cung đình Huế (lúc này người dân gọi ông là thầy Ba Đợi), kết hợp với dân ca Nam bộ, vừa sáng tác vừa cải biên và hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử được lưu giữ trong đời sống người dân Nam bộ cho đến tận ngày nay.

“Có thể nói, nếu không có nhạc sư Nguyễn Quang Đại thì có thể đã không có sân khấu cải lương. Một người có công trạng như thế nhưng các thế hệ hậu sinh vẫn còn ít người biết về ông” - đạo diễn Triệu Trung Kiên nhấn mạnh. Và đó là lý do những người thực hiện đã chọn ông làm nhân vật trung tâm để tôn vinh trong hoạt động kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương ra đời.

* Cải lương - từ miền Nam lan tỏa cả đất nước

Hiếm có bộ môn nghệ thuật truyền thống nào có sức lan tỏa mạnh mẽ như cải lương. Tuồng, chèo có thể kén khán giả, kén đề tài, nhưng riêng cải lương, trải dài từ Bắc đến Nam, được khán giả yêu mến và có khá nhiều đoàn nghệ thuật cải lương trên khắp cả nước.

Trong vở Thầy Ba Đợi có thể thấy rất rõ điều đó. Chính xác là nghệ sĩ cải lương của 3 miền đã được hội tụ. Các nghệ sĩ của Nhà hát cải lương Việt Nam gồm: NSND Vương Hà, NSƯT Xuân Vinh, NSƯT Thu Trang, Quang Khải, Nguyễn Văn Đáng… kết hợp cùng các nghệ sĩ phía Nam: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Quế Trân, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, Võ Minh Lâm… Trong đó nghệ sĩ Thanh Tuấn người gốc Quảng Ngãi, nghệ sĩ Vương Hà, Quang Khải gốc Hà Tĩnh - Nghệ An… Sức lan tỏa đó lý giải tại sao cải lương lại có một sức sống rất bền bỉ. Trong thời buổi có nhiều loại hình giải trí thời thượng lấn át, sàn diễn cải lương đang gặp khó khăn nhưng chắc chắn nghệ thuật cải lương không thể chết như một số người bi quan dự đoán.

Xây dựng một câu chuyện theo suốt nhạc sư Nguyễn Quang Đại từ Phú Xuân bôn ba vào Sài Gòn rồi xuống Long An nên âm nhạc của thầy Ba Đợi có một sự đặc sắc riêng. Soạn giả Hoàng Song Việt - Phạm Văn Đằng đã chuyển thể cải lương vở diễn một cách mộc mạc và hết sức sâu lắng. Người ta được nghe giọng ca nội lực của các nghệ sĩ trong những bài dân ca Huế, Lý giao duyên theo lối hát quan họ và dân ca Nam bộ xưa trong những khoảng lặng rất đắt, tạo nên những cảm xúc rất mạnh mẽ. Có thể nói, Thầy Ba Đợi đã đáp ứng tốt phần nghe với quá nhiều giọng ca hay như: Thanh Tuấn, Vương Hà, Thu Trang, Lê Tứ, Hồ Ngọc Trinh, Quang Khải, Võ Minh Lâm… Diễn xuất của diễn viên cũng được chăm chút khiến nhiều vai diễn gây được dấu ấn như: Quế Trân với vai Ái Hoa; Quang Khải, Lê Tứ với vai Nguyễn Quang Đại, Hữu Quốc vai ông lão, Võ Minh Lâm vai công tử Hiến…

Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là mục đích tôn vinh thầy Ba Đợi nhưng trong vở diễn chưa có nhiều lớp diễn nhấn mạnh được tầm vóc, sự miệt mài của ông trong quá trình nghiên cứu “dân dã hóa” âm nhạc cung đình Huế, cách ông kết hợp với dân ca Nam bộ, sáng tác, cải biên và hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử, linh hồn của âm nhạc cải lương sau này như thế nào.

Có lẽ, ê-kíp thực hiện cũng phần nào nhận ra được điều đó. Tuy nhiên, trong điều kiện lần đầu tiên tập hợp nghệ sĩ 2 miền Nam - Bắc với số lượng lớn, mà mỗi diễn viên khi mời vào phải tạo đất cho họ phô diễn khả năng của mình, đó cũng là cái khó cho đạo diễn.

Trí Trọng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  561,512       1/793