Văn hóa

Sôi nổi Lễ hội OpYangVry ở làng Chơ Ro xã Phước Bình

(ĐN) - Ngày 1-5, bà con đồng bào dân tộc Chơ Ro ở xã Phước Bình (huyện Long Thành) đã sôi nổi tổ chức Lễ hội OpYangVry, hay còn gọi là Lễ hội cúng nhang rừng...

Dâng lễ vật lên thần linh
Dâng lễ vật lên thần linh

Đây cũng được xem là ngày Tết riêng của bà con nhằm tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu, đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa để sản xuất nông nghiệp trong niên vụ 2018 tiếp tục đạt nhiều thắng lợi.

Trong chương trình lễ hội, có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa-thể thao thu hút đông đảo người dân trong làng tham gia như: Nhảy bao bố, bóng chuyền, nhạc cồng chiêng...Đặc biệt, cơm Lam - một món ăn đặc biệt của bà con Chơ Ro - cũng đã được dâng lên bàn thờ tổ tiên cùng với thịt heo, gà và rượu cần vào dịp Lễ hội OpYangVry.

Bà con dân tộc đang tham gia nấu cơm Lam
Bà con đồng bào dân tộc Chơ Ro đang tham gia nấu cơm Lam...

Ông Đào Văn Được - Người uy tín của Làng cho biết: “Lễ hội OpYangVry là lễ cúng nhang rừng được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Mục đích của lễ hội là cầu mong các thần linh, như: thần sông, thần núi, thần rừng phù hộ giúp đỡ cho bà con có sức khỏe, làm ăn trúng mùa để đời sống được ấm no, gia đình hạnh phúc”.

Xưa kia Lễ hội OpYangVry thường kéo dài trong nhiều ngày đêm, còn hiện nay do nhận thức của người dân đã thay đổi nên chỉ tổ chức trong một buổi sáng, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghi thức, dâng lễ vật lên thần linh.

Nghi thức cúng nhang rừng
...và thực hiện nghi thức cúng nhang rừng

Ông Dương Văn Đài - một người dân trong Làng dân tộc Chơ Ro chia sẻ: “Cũng nhờ vào ngày này, hàng năm mới tập hợp bà con lại để giao lưu văn hóa-thể thao, tăng cường mối đoàn kết, chung sức xây dựng Nông thôn mới cho làng đồng bào dân tộc Chơ Ro ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, Lễ hội còn là dịp để làng tuyên truyền cho bà con phòng chống các tệ nạn xã hội, chống các âm mưu của các thế lực thù địch dụ dỗ gây chia rẽ khối đại đoàn kết, nhất là trong tình hình “Hội thánh đức chúa trời” có thể sẽ xâm nhập vào làng để lôi kéo bà con tham gia”.

Người Chơ Ro là một trong số 54 dân tộc anh em tại Việt Nam có mặt rất sớm trên vùng đất Đồng Nai. Hiện toàn tỉnh có gần 3.500 hộ với hơn 17.000 nhân khẩu.

Nhạc cồng chiêng
Biểu diễn nhạc cồng chiêng

Bà Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, huyện Long Thành hiện có 3 làng dân tộc gồm: Làng dân tộc Chơ Ro ở xã Phước Bình, Làng dân tộc Stiêng ở xã Tân Hiệp và Làng dân tộc Chăm ở xã Bình Sơn. Cả 3 làng nói trên đều đã được huyện đầu tư xây dựng Nhà văn hóa và trang bị các nhạc cụ, nhằm khôi phục lại những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của đồng bào các dân tộc. Trong đó, riêng Làng định cư dân tộc Chơ Ro ở xã Phước Bình có 146 hộ với 543 nhân khẩu, hàng năm vẫn thường xuyên tổ chức Lễ hội OpYangVry...

Một số hình ảnh lễ hội OpYangVry tại Làng dân tộc Chơ Ro Phước Bình

Tin và ảnh: Chí Tài

Đồng Nai

© 2021 FAP
  670,804       1/259