Văn hóa

Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018: Nhiều đổi mới

Diễn ra từ ngày 11 đến 25-4, tính đến nay Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018 đang diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh đã đi được 2/3 đoạn đường với không khí khá sôi nổi.

Vở Tiếng giày đêm - một vở tham gia Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018. Ảnh: Trí Trọng
Vở Tiếng giày đêm - một vở tham gia Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018. Ảnh: Trí Trọng

Liên hoan quy tụ 22 đơn vị kịch nói trong cả nước tham gia với 27 vở diễn (13 đơn vị ngoài công lập). Khoảng 1 ngàn diễn viên có cơ hội gặp gỡ nhau tại ngày hội của làng sân khấu kịch nói. Các đơn vị thi diễn tại địa điểm Nhà hát Quân Đội, mỗi ngày 2 suất lúc 14 giờ và 20 giờ. Riêng các đơn vị kịch nói xã hội hóa TP.Hồ Chí Minh được thi ngay tại sân khấu mình đang hoạt động.

* Những nét mới

Năm nay, TP.Hồ Chí Minh, nơi có hoạt động kịch nói xã hội hóa mạnh nhất cả nước, được chọn là nơi tổ chức liên hoan. Ở những liên hoan trước, bởi cách trở địa lý, các đơn vị xã hội hóa không thể tự bỏ tiền túi với kinh phí quá lớn để tổ chức “bầu đoàn” tham gia. Vì thế, liên hoan năm nay tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh đã thu hút rất đông các sân khấu kịch thành phố “dự hội”.

Trong không khí đông vui đó, vẫn còn nhiều điều khiến người làm nghề chạnh lòng. Sự thiếu hụt kịch bản mới có lẽ đã ở mức báo động khi rất nhiều đơn vị phải vay mượn kịch bản cũ từ mười mấy, hai mươi năm trước để làm lại. Kịch bản mới nếu có thì non yếu và thiếu hụt tính thời sự, cập nhật cuộc sống.

Ưu ái hơn là trước ngày khai mạc, với đề nghị của Sở Văn hóa - thông tin TP.Hồ Chí Minh Ban tổ chức cũng đồng ý cho các đơn vị xã hội hóa thi diễn ngay tại sân khấu mình hoạt động hàng đêm (thay vì phải thi tập trung tại Nhà hát Quân Đội) để tiết kiệm tiền làm cảnh trí sân khấu.

Nét mới không thể không nhắc đến là sự thay đổi có tính “cách mạng” trong việc lựa chọn giám khảo ngồi vào ghế nóng. Ban giám khảo có tác giả Lê Quý Hiền, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, ủy viên gồm: NSND Đoàn Dũng, PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái, NSND Nguyễn Thị Lan Hương, NSƯT Công Ninh.

Ở những cuộc thi trước đây, thành phần ban giám khảo bao giờ cũng tạo ra xì xào. Có giám khảo là tác giả, đạo diễn tham gia đến 3, 4 vở dự thi liên hoan. Cuộc thi nào cũng có vở của giám khảo, người của ban tổ chức, ban chỉ đạo... đoạt giải cao. Năm nay, sự lựa chọn ban giám khảo khiến người làm nghề không những bất ngờ mà còn thấy vui. Không một giám khảo nào “nhúng tay” vào bất cứ vai trò nào của những vở tham gia liên hoan. Ngay cả trưởng, phó ban chỉ đạo, ban tổ chức cũng không “dính dáng” gì đến các vở dự thi. Người làm nghề có lẽ đang trông đợi với sự thay đổi lớn này biết đâu kết quả liên hoan năm nay bớt điều tiếng hơn?

* Trăn trở kịch Bắc - kịch Nam

Liên hoan năm nay trước mắt có được sự thành công về khán giả. Rất nhiều suất diễn chật kín khán giả, thậm chí người xem phải đứng như các vở: Hiu hiu gió bấc, Yêu là thoát tội, Đàn bà dễ có mấy tay, Tiếng giày đêm, Lũ quỷ sống… Những vở biểu diễn tại Nhà hát Quân Đội tuy không đông bằng nhưng ít nhất khán giả cũng trên nửa rạp.

Một thời gian dài, không ít khán giả và cả người làm nghề hâm mộ kịch nói phía Bắc về tính chỉn chu, sâu sắc, lời thoại ý nghĩa. Nhưng đến hôm nay, với sự trình làng của một số đơn vị kịch nói phía Bắc trong cuộc thi, một số người cảm thấy… hụt hẫng. Số lượng vở diễn từ sân khấu phía Bắc trình làng gây được ấn tượng không quá nhiều, chỉ vài vở như: Bão tố Trường Sơn của Nhà hát kịch Việt Nam, Khi con tốt sang sông của Nhà hát kịch Quân Đội… Có lẽ các đoàn kịch phía Bắc quen với biểu diễn phục vụ, không phải cọ xát với thị trường quá lâu, khán giả phía Bắc cũng gần như mất đi thói quen mua vé xem kịch nên có thể nói cách dàn dựng và biểu diễn dường như có sự chậm nhịp. Trong thời buổi có quá nhiều hình thức giải trí sinh động trên truyền hình, nếu các tác phẩm vẫn khá chậm rãi với lời thoại nhiều, thiếu hành động, thiếu kịch tính, sự hấp dẫn thì lộ trình đến năm 2020 các sân khấu phía Bắc phải tự chủ về tài chính sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Sân khấu kịch miền Nam trong lần trình làng này tỏ rõ thế mạnh trong việc đem lại cảm xúc với khán giả. Tiết tấu vở diễn nhanh, nhiều hành động và lời thoại dung dị, gần gũi, rất đời và dễ cảm. Kết quả này là một quá trình phải “lăn lóc” vào thị trường, phải tìm hiểu sở thích khán giả, phải có sự đồng cảm thì khán giả mới thương, mới chịu bỏ tiền mua vé. Một số vở diễn tạo ấn tượng như: Yêu là thoát tội, Hiu hiu gió bấc, Đàn bà dễ có mấy tay… Tuy nhiên, cũng có một số sân khấu từng tạo dấu ấn trước đây nhưng hiện đang đánh mất phong độ, có thể kể ra như: Nụ cười mới với Đám cưới chùm, Kịch Sài Gòn với Oan hồn…  Có thể nói, sân khấu miền Nam đang có thế mạnh về khả năng tung hứng, khai thác tâm lý nhân vật, xử lý sân khấu nhanh nhạy của diễn viên, khá nhiều đạo diễn trẻ xuất hiện và có những sáng tạo mới. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nỗi lo về sự hời hợt của kịch bản, làm không khéo sẽ sa vào những tiếng cười dễ dãi…

Trí Trọng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  670,849       1/259