Văn hóa

Mái đình làng cổ…

Lưu dân Việt đến vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai từ thế kỷ 15, 16. Trong quá trình khẩn hoang, lập nghiệp xây dựng một cuộc sống ổn định, cư dân nơi vùng đất mới cũng hình thành những cơ sở tín ngưỡng sinh hoạt cộng đồng để gắn kết cộng đồng, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, đó là đình làng.

Đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch).
Đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch).

Đình làng là một loại hình cơ sở tín ngưỡng dân gian, đáp ứng đời sống tâm linh của nhiều thế hệ cư dân. Ban đầu đình làng được dựng lên với quy mô nhỏ, bằng những vật liệu vốn sẵn có tại chỗ như tre, lá, cây gỗ… do cộng đồng dân cư xóm, làng, thôn chung sức dựng lên. Đời sống phát triển, những cơ sở tín ngưỡng được nâng cấp lên cả quy mô lẫn hình thức. Trải qua bao thời kỳ, qua bao thay đổi về địa lý hành chính hay tác động của xã hội nhưng đến nay nhiều đình làng cổ ở Đồng Nai vẫn tồn tại, minh chứng cho sức sống mãnh liệt không chỉ về mặt tâm linh mà còn là sự gắn kết thuộc đời sống vật chất của người Việt trên quê hương mới.

* Tri ân tiền nhân

Nhiều ngôi đình ở Đồng Nai gắn liền với những sự kiện lịch sử, danh nhân, thờ Thành hoàng bổn cảnh hoặc các vị tiền nhân có công với làng, xã; một số đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cấp quốc gia.

Một trong số đó phải kể đến đình Bình Kính (còn có tên là đền Lễ Công, hoặc đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh). Đình tồn tại hơn 3 thế kỷ ở vùng đất Cù lao Phố (nay thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Nguyên thủy, đình thờ Thành hoàng của làng Bình Hoành - một trong những ngôi làng cổ nhất của vùng đất Đồng Nai. Sau này để nhớ công lao của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đối với vùng đất Đồng Nai, người dân thờ ông tại đình. Việc thờ phụng Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh còn gắn liền với truyền thuyết khi Đức ông mất tại Tiền Giang ngày 9-5-1700 (âm lịch), đoàn thuyền đưa linh cữu ông về Trấn Biên theo lời dặn dò trước khi qua đời, đêm 15-5 các vị trưởng lão làng Bình Hoành đều nằm mơ thấy có một vị thần mặc khôi giáp uy nghi báo mộng rằng hôm sau Đức ông sẽ về đây và ở lại nơi này, hãy ra đón ở ngã ba sông. Sáng 16-5, mọi người cùng nhau đến khu vực ngã ba sông (đoạn cầu Rạch Cát hiện nay). Quả nhiên, gần trưa hôm ấy linh cữu của Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh đã cập bến tại đây. Theo truyền khẩu trong dòng họ Nguyễn Hữu ở Quảng Bình, Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh đã được chôn cất tại gò Y Lăng ở Cù lao Phố (đến năm 1802 mới di dời về huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Đình Bình Kính thờ Đức ông từ đó, thôn Bình Hoành cũng đổi tên thành Bình Kính (Kính là tên gọi khác của Nguyễn Hữu Cảnh).

Tập quán của người Việt là mỗi làng đều có một ngôi đình. Người xưa chọn đất dựng đình thờ thần cho nhu cầu tâm linh làng xã nhưng cũng chính là ước vọng sự sung túc, thịnh vượng của cả cộng đồng. Vì vậy đình được xây dựng trên những “cuộc đất” có long mạch quý, phong cảnh minh quang tỏa xuất các hướng theo quan niệm về thuật phong thủy. Tên gọi của các ngôi đình gắn liền với tên gọi của làng thuở ban đầu khai dựng. Mặc dù cho đến nay nhiều địa bàn có sự thay đổi về tên gọi, vùng nông thôn xưa giờ lên phố thị nhưng các ngôi đình vẫn giữ nguyên tên trong cách gọi về làng xưa.

Trong số các ngôi đình, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh từ khu vực Quảng Bình trở vào đến các tỉnh của Nam bộ, đình Bình Kính có nhiều sắc phong thần nhất với 2 sắc phong đời Minh Mạng tam niên (năm 1823), 2 sắc phong đời Thiệu Trị tam niên (năm 1844), 1 sắc phong đời Tự Đức tam niên (năm 1850) và còn lưu giữ được đến ngày nay. Tương truyền, tại đình Bình Kính còn lưu giữ một bộ áo, mũ và giày là y phục của Lễ Thành hầu mặc lúc sinh thời, khi trấn giữ vùng Trấn Biên từ năm 1698-1699. Hàng năm, đình tổ chức lễ giỗ Đức ông vào ngày 16-5 (âm lịch) để tưởng nhớ công lao, đức trọng của vị khai quốc công thần, có công lớn với cả xứ Nam bộ.

Một ngôi đình nổi tiếng khác là đình Tân Lân (thuộc phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) do dân làng dựng lên từ thời Minh Mạng để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai - Gia Định. Nguyên trước đây nơi này có tên là thôn Bàn Lân, sau khi nhóm người Hoa của Trần Thượng Xuyên đến định cư đã đổi thành thôn Tân Lân, sau này cũng là tên của đình.

Ngoài ý nghĩa tâm linh, đình còn là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Mặt đình hướng ra sông Đồng Nai để thuận tiện cho loại hình giao thông đường thủy phổ biến thời đó, 3 gian bên trong đình từ điện thờ, hoành phi, câu đối, cho đến bao lam bằng gỗ đều được chạm trổ sắc sảo với các đề tài biểu tượng cho sự phước thọ, trường tồn. Đặc biệt, mái tiền đình được trang trí những mảng tranh gốm rất độc đáo với trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh thể hiện các điển tích của văn hóa Á đông, trong đó có tượng ông Nhật - bà Nguyệt vừa thể hiện triết lý âm - dương, vừa bày tỏ tấm lòng hướng về cố quốc của nhóm người Hoa (Nhật và Nguyệt ghép với nhau theo lối chiết tự chữ Hán là chữ Minh, tức chỉ nhà Minh ở Trung Quốc). Hàng năm, lễ kỳ yên tại đình Tân Lân được tổ chức vào ngày 23-10 âm lịch, người dân địa phương đến viếng rất đông.

Đình Mỹ Khánh (thuộc phường Bửu Hòa,TP.Biên Hòa) ban đầu cũng là ngôi miếu nhỏ do người dân dựng nên để thờ Thành hoàng, sau đó thờ Kinh lược sứ  Nguyễn Tri Phương - người vừa có công khai mở, phát triển đồn điền ở Nam bộ, vừa là tổng thủ lĩnh của phong trào kháng Pháp khi thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta. Năm 1860, sau khi Pháp đánh hạ thành Gia Định (Sài Gòn), Nguyễn Tri Phương xây dựng 3 đạo phòng thủ chống Pháp ở Phú Thọ (Sài Gòn), Tân An (Long An) và Biên Hòa (Đồng Nai). Tương truyền, ông đã huy động quân dân Biên Hòa đổ đá xuống sông Đồng Nai để ngăn tàu Pháp. Năm 1873, thành Hà Nội bị Pháp chiếm, Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết. Để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng đã có công trong việc di dân lập ấp, mở mang lãnh thổ Đàng Trong, người dân địa phương tạc tượng Nguyễn Tri Phương và thờ ông tại đình. Từ đó, đình Mỹ Khánh được gọi là đền thờ Nguyễn Tri Phương. Lễ kỳ yên của đình tổ chức vào ngày 16 và 17-10 âm lịch với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong... rất độc đáo.

* Kết tinh giá trị nhân văn

Tiêu biểu cho đình làng cổ thuần túy ở Đồng Nai, phải kể đến đình An Hòa ở làng Bến Gỗ (xã An Hòa, TP.Biên Hòa), thờ thần Thành hoàng bổn cảnh và những vị tiền hiền, hậu hiền có công khai phá, mở mang làng, xã. Đình được xây dựng vào khoảng năm 1792. Nét đặc sắc của di tích là nghệ thuật chạm khắc nơi chánh điện. Nhiều cặp liễn đối, hoành phi với các hoa văn tinh xảo được sơn son thếp vàng, treo dài từ các hàng cột từ trong ra ngoài. Toàn bộ các đầu đao, trụ đỡ, xà ngang... của đình được nghệ nhân chạm trổ thể hiện các đề tài: lưỡng long triều nhựt, cúc liên chi, mây sóng nước, ngũ phúc lâm môn... một cách tinh tế, sắc sảo. Đáng chú ý là hình ảnh lưỡng long triều nhựt được cách điệu hóa: đầu rồng, thân xương cá đao với các họa tiết mà các nhà nghiên cứu cho là sự thể hiện ước mơ thịnh vượng, lòng khao khát về lễ nghĩa, phản ánh nghề chài lưới của cư dân cổ trên vùng đất này.

Đình tổ chức lễ kỳ yên vào ngày 15-8 (âm lịch), thu hút nhiều người dân trong và ngoài địa phương đến tham dự. Đáo lệ 3 năm, đình tổ chức đại lễ kỳ yên với nhiều nghi thức, hoạt động đa dạng, trong đó có hát bội do gánh hát của người dân Bến Gỗ đảm trách, tổ chức lệ xô giàn, đua ghe với không khí náo nhiệt.

Đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) cũng là một trong những ngôi đình cổ ở vùng đất miệt hạ sông Đồng Nai. Trong quá trình khẩn hoang, lập thôn Phú Mỹ, nhiều người dân đã bỏ mạng trên mảnh đất này bởi bệnh tật, thú dữ. Trước hoàn cảnh trên, năm 1802 ông Nguyễn Văn Miên - người gốc Thanh Hóa, vốn là Quản đốc đoàn thuyền buồm của chúa Nguyễn, sau vào Đồng Nai lập nghiệp, đã vận động dân làng Phú Mỹ chặt cây rừng cất lên một ngôi miếu nhỏ tại gò đất cao trong mảnh ruộng ông Bồn (còn gọi là cánh đồng Dinh Ông). Miếu trở thành đình vào năm 1820. Hệ thống thờ tự tại đình Phú Mỹ rất phong phú nhưng chủ thể là thờ Thành hoàng bổn cảnh. Đặc biệt, năm 1969 trong cảnh quê hương vẫn còn bị giặc chiếm đóng, khi nghe tin Bác Hồ mất người dân địa phương làm 3 bức hoành phi đại tự ca ngợi công ơn Bác Hồ: “Hồ nhiên nhi thiên. Chí vọng thâm ân. Minh hoài hậu đức”. Các chữ đầu của 3 bức hoành phi  ghép lại thành tên của Người: HỒ CHÍ MINH. Giữa cảnh địch khủng bố, tấm lòng dân Phú Hội vẫn hướng về Bác Hồ, và mưu trí người dân đã khéo che giấu sự tôn thờ mà chính quyền địch không phát hiện được.

Huỳnh Văn Tới - Phan Đình Dũng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  561,403       1/793