Văn hóa

Dấu ấn người Hoa ở Đồng Nai

Có mặt từ rất sớm tại vùng đất Đồng Nai, khởi đầu là nhóm Hoa kiều của Trần Thượng Xuyên vào năm 1679, cộng đồng người Hoa đóng góp rất quan trọng trong quá trình mở cõi và phát triển kinh tế của Đồng Nai, đồng thời tạo dấu ấn văn hóa độc đáo nơi vùng đất mới.

Miếu thờ Tam vị tổ sư (còn gọi là miếu Bà Thiên Hậu, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) do người Hoa lập cách đây mất trăm năm
Miếu thờ Tam vị tổ sư (còn gọi là miếu Bà Thiên Hậu, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) do người Hoa lập cách đây mất trăm năm

Trong lịch sử, cộng đồng người Hoa từ Trung Quốc di cư đến Đồng Nai thành nhiều đợt, gồm các nhóm phương ngữ: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hẹ - Sùng Chính, trong đó có số ít là Hải Nam (còn được gọi là nhóm Hoa bốn bang); sau này còn có thêm nhóm người Hoa từ tỉnh Hải Ninh di cư vào Đồng Nai, hiện chiếm hơn 80% số người Hoa của cả tỉnh.

* Góp phần xây dựng quê mới phồn thịnh

Tuy buổi đầu số lượng người Hoa di cư đến Đồng Nai rất ít ỏi so với số lưu dân Việt định cư trước đó, nhưng với thế mạnh và sở trường là thương nghiệp, dịch vụ, người Hoa đã góp phần đưa kinh tế của Đồng Nai khởi sắc, tạo được uy thế và ổn định nơi vùng đất mới. Những người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đã xây dựng Cù lao Phố trở thành trung tâm thương mại gọi là Nông Nại đại phố - một trong những thương cảng lớn nhất Nam bộ lúc bấy giờ, thu hút các thương nhân từ Trung Hoa và các nước khác đến.

Một số người Hoa thuộc nhóm Triều Châu thì thạo nghề trồng rau cải, hoa màu. Sở Cải là địa danh chỉ khu vực trồng rau, hoa màu của người Hoa bang Triều Châu từ Cây Chàm (nay thuộc phường Quang Vinh) lên đến Tân Thành, Bửu Long (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa).

Hơn 320 năm sống trên quê hương mới, cộng đồng người Hoa với truyền thống văn hóa lâu đời luôn ý thức giữ gìn và phát huy đời sống văn hóa xã hội trong cộng đồng các dân tộc. Ngày nay, người Hoa cùng với người Việt và các dân tộc cùng đoàn kết chung sức chung lòng xây dựng quê hương Đồng Nai ngày càng trở nên vùng đất giàu tiềm năng và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Người Hoa ở Đồng Nai làm nhiều nghề thủ công, nhưng có 2 nghề tiêu biểu nổi tiếng một thời, sản xuất có quy mô tập trung và còn tồn tại đến nay. Đó là nghề làm gốm lu ở Tân Vạn (nay thuộc phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) và nghề đục chạm khắc đá xanh ở Bửu Long. Làng nghề đá Bửu Long từng nổi tiếng một thời với những sản phẩm đá, đặc biệt là sản phẩm đá tiêu biểu trang trí và xây dựng trong các đền, miếu Hoa ở Nam bộ. Một số công trình kiến trúc tín ngưỡng còn lưu lại vết tích của làng nghề như: vách tường, cột bằng đá ở Thất phủ cổ miếu (chùa Ông, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), Thiên hậu cổ miếu (phường Bửu Long). Những cái tên quen thuộc như: Tân Phát Hưng, Đặng Hữu Lợi, Bửu Long, Tín Nghĩa, Tân Vĩnh Quang, Nhật Thành, Ôn Sòi… đã góp phần tạo nên thương hiệu cho làng đá của người Hẹ ở Bửu Long một thời.

Ngoài ra, người Hoa Đồng Nai mà phần lớn người Hoa bang Hẹ - Sùng Chính còn có nghề chế biến thuốc Bắc gia truyền và trị bệnh theo Đông y. Những hiệu thuốc Bắc nổi tiếng của người Hẹ ở Đồng Nai trước đây như: Vạn An đường, Đồng Tế đường, Đồng Đức đường, Chí Sanh đường...

Kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng là đặc điểm nổi bật trong hoạt động kinh tế của người Hoa. Người Hoa ở các khu đô thị đã tạo nên những dãy phố ăn uống mang thương hiệu riêng. Những tiệm ăn tiêu biểu của người Hoa ở Biên Hòa như: tiệm cơm Bách Lạc, bánh ướt Chú Tàu, tiệm Hảo Hiệp (đường Hà Huy Giáp), quán cơm Siu Siu (đường Hưng Đạo Vương), tiệm vịt quay Hạnh Phước (đường Phan Đình Phùng), tiệm mì Vĩnh Vĩnh, tiệm mì Hào Kiệt (đường 30-4)… đều là những tiệm ăn nổi tiếng của người Hoa với những món ăn truyền thống: bánh bao, hủ tiếu mì, hoành thánh, cháo Tiều, vịt quay, cơm chiên, cơm gà luộc... Tiệm Nghĩa Ký ở TX.Long Khánh và một số địa phương khác cũng có những tiệm ăn nổi tiếng của người Hoa.

* Giữ gìn bản sắc văn hóa

Đời sống văn hóa của người Hoa thể hiện trên nhiều mặt: nhà ở, ăn uống, trang phục, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội… rất phong phú với những sinh hoạt đặc trưng về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thành lập dinh Trấn Biên đã đưa người Hoa khu vực này vào đơn vị hành chính là xã Thanh Hà. Sau này, người Hoa phân tán sống xen kẽ với người Việt, kiến trúc nhà ở cũng dần dần giống nhà người Việt, tuy nhiên trước cửa nhà của người Hoa thường có dán giấy hồng đều viết chữ bằng tiếng Trung (Phúc, Ngũ phúc lâm môn...), hoặc dán câu đối, hoa mẫu đơn (tượng trưng cho sự giàu có); ngày tết thường treo đèn lồng đỏ. Phần lớn bảng hiệu của người Hoa đều viết chữ song ngữ Việt - Hoa rất dễ nhận biết.

Người Hoa vốn có truyền thống tổ chức xã hội và giữ quan hệ cộng đồng khá chặt chẽ, ban đầu khi đến vùng đất mới đã sống tập trung theo từng bang hội để bảo bọc giúp nhau làm ăn, đặc biệt là bảo lưu truyền thống văn hóa của bổn tộc. Đặc biệt, cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai  tự xây dựng các công trình công cộng như: chùa, miếu, trường học, hội quán, công sở… để tiện sinh hoạt theo phong tục, tập quán truyền thống. Một số cơ sở tín ngưỡng của người Hoa tồn tại hàng trăm năm nay như: Thất phủ cổ miếu, miếu Quan âm, miếu Bà Thiên hậu… thu hút không chỉ cộng đồng người Hoa mà có cả người Việt. Mỗi bang người Hoa đều có nghĩa trang (nhị tì) riêng, người thuộc bang nào thì khi qua đời được an táng trong nhị tì của bang đó. Những nơi đông người Hoa cư trú đều có xây dựng trường học, tổ chức dạy tiếng Hoa cho con em và cả người Việt có nhu cầu với mục đích vừa nâng cao dân trí, vừa giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc.

Thường ngày, người Hoa mặc quần áo giống người Việt, trang phục truyền thống chỉ dùng mặc trong những dịp lễ tết ở gia đình, đình, miếu hay trong các dịp lễ hội. Món ăn tiêu biểu của người Hoa là: mì, hoành thánh, hủ tiếu, khâu nhục, cháo Tiều, lạp xưởng, vịt quay, xá xíu, bánh bao, bánh bò, há cảo, sủi cảo, mì xào giòn, cơm chiên Dương Châu…

Đời sống văn hóa tinh thần người Hoa đa dạng, thể hiện trong phong tục tập quán như: đám cưới, đám tang, ma chay, lễ tết, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Trong số lễ vật cưới của người Triều Châu thường có trái cau duy nhất với ý nghĩa người con gái chỉ là vợ của một người, cô dâu khi về nhà chồng đem theo cặp cây mía biểu thị hạnh phúc ngọt ngào. Người Quảng Đông thì làm bánh bò nổi (pha cú) hoặc có tục lệ ăn chè ỷ (giống bánh trôi viên tròn, không có nhân) tượng trưng cho sự viên mãn, con đàn cháu đống.

Lễ hội phổ biến của người Hoa ở Đồng Nai đa phần là lễ hội dân gian như: lễ làm chay vía Tổ nghề, lễ vía Thiên Hậu, lễ hội chùa Ông (Thất phủ cổ miếu), lễ Tả Tài Phán, Tết Nguyên tiêu, tiết Thanh Minh, lễ cầu siêu, tiết Trung nguyên, Tết Hạ nguyên, vía Quảng Trạch tôn vương, vía Phước Đức chính thần… Ngoài những dịp tết và vía đầu năm, những lễ hội còn lại gắn với các đối tượng thờ tự ở cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Trong lễ hội thường có tổ chức đấu giá đèn lồng, hát bội và múa lân - sư - rồng. Những đội lân, hẩu nổi tiếng của người Hoa ở Biên Hòa trước đây như: Thạch Sơn Liên Thắng đường, Tân Khánh đường, Đại Khánh đường… phục vụ trong các dịp lễ, tết của bà con người Hoa lẫn người Việt ở địa phương.

      TS.Nguyễn Thị Nguyệt

Đồng Nai

© 2021 FAP
  671,117       1/870