Văn hóa

Đất và người Đồng Nai xưa

Cột mốc đánh dấu lịch sử hành chính được đánh giá là quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất Đồng Nai, đó là năm 1698 khi chúa Nguyễn Phúc Chu sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý phương Nam, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên.

Một góc TP.Biên Hòa Đồng Nai
Một góc TP.Biên Hòa Đồng Nai

Huyện Phước Long là vùng đất phía Đông sông Sài Gòn, bao gồm các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và một phần Bình Thuận ngày nay. Với việc xác lập địa giới hành chính và các chính sách khuyến khích sản xuất, Đồng Nai từ vùng đất “toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm” theo mô tả của Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục đã nhanh chóng phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội.

* Đất lành chim đậu

Theo Địa chí Đồng Nai, những di dân người Việt thuộc lớp tiên phong vào vùng đất mới Đồng Nai theo phương thức tự động, đi lẻ tẻ. Có trường hợp người khỏe mạnh đi trước rồi đón cả gia đình đến sau, hoặc gia đình đi trước rồi đón nhận nhóm các gia đình trong làng, xóm cũ theo cách “người đi trước rước người đi sau”. Phương tiện di chuyển chủ yếu là thuyền buồm hoặc ghe bầu, cũng có người không có điều kiện đi đường thủy nên phải mạo hiểm trèo đèo, vượt suối đi từng chặng một, đến địa phương nào đó ở một thời gian thấy thích hợp thì ở lại, nếu không trụ được lại tiếp tục đi, cứ thế lần hồi đến vùng đất mới.

Từ vùng đất không có luật lệ, sau năm 1698 ở Đồng Nai luật pháp dần được xây dựng theo tình hình thực tế. Chẳng hạn, theo Gia Định thành thông chí, ở vùng đất này người dân thường lưu thông bằng ghe thuyền, khi đụng nhau bị hư hỏng, sinh ra kiện cáo nhưng ai phải ai quấy thì thật khó xử đoán theo đúng lẽ. Quan Điều khiển tham mưu đồn dinh là Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh đặt ra luật lệ: phàm ghe thuyền khi gần gặp nhau thì đều phải hô là bát (tục gọi ghe đi phía trái là cạy, đi phía phải gọi là bát) thì ghe mình đi về phía phải, ghe kia cũng phải đi về phía phải để thuận lái cho dễ điều khiển mà tránh nhau. Nếu ghe này đã hô bát mà ghe kia còn đi về phía trái, không tránh để đụng nhau làm hư hỏng thì lỗi thuộc về ghe không tránh kia.

Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh cũng ra lệnh tất cả ghe thuyền trong hạt phải khai báo, quan nha sở tại khắc chữ đóng vào đầu thuyền (một cách giống như biển số xe ngày nay) để căn cứ vào đó hạn chế được nạn cướp bóc bằng ghe thuyền, làm cơ sở xử lý nếu có kiện cáo.

Đứng trước cảnh rừng hoang cỏ rậm, kênh rạch chằng chịt, các lưu dân đã chọn những khu đất cao ráo, tương đối dễ làm để khai phá trước, gọi là “móc lõm”, sau đó mở rộng dần và càng về sau khoảng cách giữa các khu càng thu hẹp cho đến lúc nối liền lại với nhau thành cánh đồng liền khoảnh.

Với nếp sinh hoạt có tổ chức đã thành truyền thống, bản tính siêng năng cần cù, giúp đỡ lẫn nhau khi “tối lửa tắt đèn”, lưu dân Việt nơi vùng đất mới nhanh chóng kết thành chòm xóm, dựa vào nhau để sản xuất, đùm bọc nhau khi khó khăn hoạn nạn. Các thôn xóm ban đầu chỉ là sự kết hợp tự phát, chưa có ràng buộc bằng pháp luật, cũng không có quy chế chặt chẽ so với các lệ làng, hương ước ở miền Trung, miền Bắc.

Quá trình hình thành dân cư cũng khiến làng xã ở Đồng Nai có nét riêng, đó là phân bố theo tuyến sông nước, tuyến lộ giao thông và tỏa rộng ở các vùng cao ráo gắn với hệ sinh thái: sông nước, vườn ruộng, núi rừng; dễ tiếp nhận thành viên mới, không có sự phân biệt dân ngụ cư, không khép kín trong các lũy tre làng như ở Bắc bộ. Ngoài ra, còn có nhóm người Hoa thiết lập một cơ cấu xã hội riêng biệt trong cộng đồng theo truyền thống từ cố quốc.

Đến năm 1698, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập hành chính ở vùng đất mới, ở mỗi dinh (Trấn Biên và Phiên Trấn) đặt ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị; nha thuộc có 2 ty Xá, Lại để làm việc, quân binh thì có: cơ, đội thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ.

Ở huyện Phước Long, đơn vị hành chính cơ sở là xã, phường, thôn, ấp, tượng. Làng xã được đặt dưới quyền quản lý của Xã trưởng, danh từ chính thức là Tướng thần xã trưởng, dân gian gọi là Cai xã. Xã trưởng cùng với các kỳ mục (tức hương chức hay viên chức của làng) họp thành Hội đồng làng xã, hay Hội đồng kỳ mục. Chức vụ Xã trưởng được xếp vào hàng tòng cửu phẩm, có phận sự duy trì an ninh, quản trị tài sản của làng xã, bảo lưu và thiết lập sở địa bạ, sổ đinh cũng như phụ tá quan trên trong công vụ. Với nhóm người Hoa thì được thiết lập xã riêng là xã Thanh Hà.

Song song đó, Nguyễn Hữu Cảnh có chính sách “chiêu mộ người dân có vật lực từ các xứ Quảng Nam, phủ Điện Bàn, phủ Quảng Nghĩa và phủ Quy Nhơn thiên cư vào đất Đồng Nai”. Chính những nhóm người có tiềm lực này đã góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế của Đồng Nai bằng cách thuê mướn người làm (điền nô) khẩn hoang với quy mô lớn, mở rộng canh tác bằng sức trâu bò, đồng thời tổ chức khai thác lâm sản (ngà voi, sừng tê, gạc nai, các loại sản vật, cây thuốc) để buôn bán.

Thành quả khai hoang và trồng trọt của Đồng Nai từ buổi đầu khai phá cho đến thế kỷ 17 đã biến vùng đất Gia Định (chỉ toàn vùng Nam bộ) trở thành vựa lúa lớn của cả nước. Theo Phủ biên tạp lục, khoảng thập niên 70 thế kỷ 17 huyện Phước Long có ruộng thực trưng hơn 787 mẫu đất (chưa kể ruộng núi, đất dâu, đất mía, đất vườn trầu, ruộng các họ, ruộng quan đồn điền), có trường Gian Thảo ruộng đất ngoài 6 ngàn sở. Cùng với sự phát triển của Cù lao Phố, gạo và các sản vật khác của Đồng Nai được giao thương khắp nơi, giúp vùng đất mới ngày thêm phồn thịnh.

Trên cơ sở nông nghiệp phát triển, trong thế kỷ 18 ở Đồng Nai bắt đầu xuất hiện sự phân công lao động, đưa đến sự ra đời của nhiều ngành nghề thủ công như: mộc, đúc đồng, làm thừng chảo, dệt, nhuộm, làm gạch ngói, nung vôi, đồ sắt, mây tre lá, làm mía đường, gốm… Từ đó, hình thành một số khu vực làng nghề với những địa danh còn tồn tại đến ngày nay như: xóm Chợ Chiếu, rạch Lò Gốm, bến đò Lò Lu (TP.Biên Hòa), đồi Thiết Tượng (huyện Long Thành)… Trịnh Hoài Đức từng đánh giá “người ta có thể thấy lãnh, là, vải, lụa ở khắp nơi trong xứ Đồng Nai - Gia Định, nhưng người dân huyện Phước An trấn Biên Hòa sản xuất được thứ lãnh đen mềm, láng, tốt nhất nước”.

* Người Đồng Nai xưa

Xa xưa khi lưu dân các nơi đến đây lập nghiệp, ngoài dân vùng Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi) còn có người Hoa (khởi đầu là nhóm Trần Thượng Xuyên), Cao Miên (Campuchia), Đồ Bà (dân gian gọi là Chà Và, tức người theo đạo Hồi); lui tới buôn bán, truyền đạo và người Tây Dương (Anh, Pháp, Bồ Đào Nha…).

Theo Gia Định thành thông chí: “Những người các nước ấy đến sinh sống chung nhau rất đông mà y phục, đồ dùng đều theo kiểu của dân tộc họ. Duy có người Việt ta theo tục Giao Chỉ: người quan chức thì đội khăn cao sơn (khăn đóng) mặc áo phi phong (áo dài), mang giày bì đà; hạng sĩ thứ thì bới tóc, đi chân đất, trai gái đều mặc áo ngắn tay bâu cổ thẳng, may kín 2 nách, không có quần dài, quần ngắn; trai thì dùng 1 tấm vải buộc từ lưng thẳng đến dưới háng vòng đến rún, gọi là khố; gái thì mặc váy không nếp gấp, đội nón lá lớn”.

Theo PGS-TS. Huỳnh Văn Tới, văn hóa Đồng Nai nói riêng và Đông Nam bộ nói chung là sự hòa nhập, đan xen, chồng chất, kết tinh bởi nhiều dòng văn hóa, nhiều nền văn hóa thích ứng với điều kiện của vùng đất mới. Đặc điểm của làng xã ở Đồng Nai là cơ sở hiện thực tạo cho đời sống văn hóa của người Đồng Nai đặc tính cởi mở, đa hệ, hỗn dung, dễ thâm nhập những yếu tố mới nhưng khó phai mờ những yếu tố cội nguồn.

Đến năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Khoát tự xưng là Võ vương, định lại sắc phục, y phục cho bá quan văn võ. Y phục, nhà cửa vật dụng của hàng sĩ thứ đại để như thể chế người Minh, bỏ hết hủ tục ở Bắc Hà. Như vậy, đến thời điểm này y phục các tầng lớp quan, dân ở phía Nam chính thức có sự phân định riêng.

Cũng do tính chất đa văn hóa, ngôn ngữ của người Đồng Nai thời ấy cũng có nét đặc trưng. “Người ở đây nói tiếng địa phương thường hay pha tiếng Hoa, tiếng Cao Miên, người nghe tập quen dần rồi tự biết, mà không để ý phân biệt chỗ khác lạ một cách rõ ràng. Như quát mãi (mua sỉ) thì nói là óa; khi trám (lừa phỉnh) thì nói là khí xổ; ấp tạ (vái chào) thì nói là xá; phốc tái (chở bằng ghe chài lớn) thì nói là bốc chài; miến tuyến (sợi miến) thì nói là mì xọa (xụa), ấy là nói theo tiếng của người Hoa. Còn như sang sông thì nói là tầm long, chủ sự thì nói là tằng khạo; cái bao nhỏ thì nói là cà ròn; đối trừ (sang nợ qua) thì nói là gật, ấy là nói theo tiếng Cao Miên. Những tiếng ấy người ở nơi khác đều không biết” (Gia Định thành thông chí). Một số từ ngữ “giao thoa” ấy còn giữ trong cách nói của những người Biên Hòa lớn tuổi hiện nay như: tằng khạo, cà ròn, gạt nợ, mì sợi, bạc xỉu (sữa ít cà phê)…

Thanh Thúy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  562,957       1/579