Văn hóa

Tượng nơi công cộng: tranh cãi còn dài dài

Mấy ngày qua cộng đồng mạng và báo giới tranh cãi khá nhiều về tượng khỏa thân 12 con giáp tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu (Đồ Sơn, TP.Hải Phòng). Đọc lại những tranh cãi này, bên cạnh những lời chê bai không tiếc, những phân tích trung dung thì vẫn có khá nhiều sự bênh vực. Phía bênh vực nói rằng trong khu du lịch tư nhân thì làm tượng giải trí vui vẻ như vậy cũng được, còn đẹp xấu thì khó bàn lắm vì rất chủ quan.

Còn nhớ cách đây gần 5 năm, dư luận và báo giới đã tranh cãi khá nhiều về vườn tượng tư nhân ở Tây Ninh của ông Phạm Chứng (72 tuổi). Sau tranh cãi và kiến nghị của người dân trong ấp, chính quyền các cấp của tỉnh này đã nhanh chóng vào cuộc để dỡ bỏ những bức tượng bị cho là “kinh dị” và “kích động bạo lực”. Nhanh đến mức giới chuyên môn không kịp can thiệp, khiến nhiều người phải tiếc nuối. “Một người dám tạc nỗi đau của thế gian, chắc chắn phải là người giàu cảm xúc, nếu không có nỗi đau nhân quần thì sẽ không thể tạc nên những bức tượng như vậy. Tôi nghĩ đây là một ý tưởng khá độc đáo và đáng trân trọng” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn (nguyên Vụ phó Vụ Văn hóa - văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương) chia sẻ ngay khi vườn tượng bị dẹp.

Việc tranh cãi không chỉ đến từ những không gian tư nhân và xã hội hóa, mà các công trình nhà nước cũng gặp phải không ít lần. Năm 2008, khi UBND TP.Hà Nội trưng bày phác thảo tượng đài Thánh Gióng của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân tại chùa Phúc Khánh để lấy ý kiến nhân dân, tranh cãi đã nổ ra kịch liệt. Sau này tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng hơn 410 tỷ đồng ở Quảng Nam, rồi phác thảo tượng đài hơn 1.400 tỷ đồng ở Sơn La… đều có những tranh cãi quyết liệt. Trong các tranh cãi này, sự tốn kém chỉ là một khía cạnh, tính thẩm mỹ và sự hợp lý với không gian văn hóa, đời sống đã được đặt lên phía trước.

Nhiều người Việt khi du lịch đến Jeju Love Land ở Hàn Quốc đã tỏ ra thích thú với những bức tượng ái tình táo bạo nơi đây. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những vườn tượng kiểu Jeju Love Land khi xuất hiện tại Việt Nam thì có gây tranh cãi không? Chắc chắn là có. Thậm chí tranh cãi đến mức quy chụp về đạo đức, về pháp luật. Vấn đề ở đây vẫn là quan niệm về cái đẹp và tính thuần phong mỹ tục của cộng đồng là quá khác biệt với nhau. “Chín người mười ý”, “đẽo cày giữa đường”… là những thành ngữ để chỉ về điều này.

Khu tượng 12 con giáp tại Hòn Dáu khá đơn điệu về ý niệm và tạo hình, làm giới hạn sự sáng tạo, có thể nói là chưa đẹp. Nhưng để nói khu tượng này tục tĩu hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục thì hơi quá lời, bởi chúng vẫn dừng lại ở mức độ chừng mực thường thấy ở việc tạc tượng khỏa thân. So với tượng nhà mồ ở Tây Nguyên thì nhóm tượng này quá chừng mực, hiền lành. Việc “mặc quần” cho các tượng này mới là hành động dung tục, làm người xem suy diễn lung tung.

Cho nên việc giáo dục, giới thiệu về tính thẩm mỹ và sự hợp lý cho tượng công cộng là việc cần làm khéo léo, dài lâu. Chỉ có mặt bằng thẩm mỹ của cộng đồng mới đủ sức quyết định vẻ đẹp chung của tượng nơi công cộng. Kế tiếp, dù công trình tư nhân, Nhà nước thì khi đặt ở nơi công cộng yếu tố thẩm mỹ, sự hợp lý phải đặt lên phía trước. Nếu để yếu tố minh họa, sự tuyên truyền, sự nệ hiện thực lấn lướt thì chắc chắn những tranh cãi như thế này sẽ còn diễn ra dài dài.

Hiền Hòa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  672,740       5/1,384