Đời sống ngày nay đã có nhiều thay đổi so với trước đây, nhịp sống của con người vội vã và tất bật hơn. Tuy nhiên, hạnh phúc gia đình dù ở thời nào cũng đều bắt nguồn từ sự yêu thương và chia sẻ.
Gia đình anh Nguyễn Khánh Hưng (ở phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cùng chăm sóc vườn rau sạch. |
Chính bởi sự yêu thương và chia sẻ dành cho nhau mà vợ chồng ông Lê Ngọc Cường (84 tuổi) và bà Phạm Thị Kim Loan (83 tuổi), ở phường Thống Nhất (TP. Biên Hòa) có được hạnh phúc ngọt ngào khiến ai nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ.
* Cùng xây dựng gia đình hạnh phúc
Bà Kim Loan kể, cha của bà là người gốc Biên Hòa nhưng vì công việc nên cả gia đình về Bến Tre sinh sống. Thời còn là học sinh lớp 10, thông qua chương trình viết thư “Kết bạn bốn phương’’ bà đã biết đến ông Cường. Tưởng sự cảm mến chỉ dừng lại ở những lá thư viết vội và tấm ảnh gửi kèm, nhưng không ngờ bà lại gặp ông ngay trên mảnh đất Bến Tre khi ông về nhà người anh họ chơi. Lần gặp ấy kéo ông bà lại gần nhau cho đến lúc đám cưới diễn ra. Theo chồng về Biên Hòa, bà Loan dạy học còn ông Cường vì đặc thù công việc nên thường xuyên vắng nhà.
Ngày 26-12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2589 phê duyệt đề án tổ chức các hoạt động nhân Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3 hàng năm. Năm 2018 là năm thứ 5 Đồng Nai triển khai các hoạt động thực hiện đề án. |
Bà Loan cho biết vất vả nhất là những lần sinh con, ông chỉ được về phép vài ngày thăm vợ con rồi lại đi. Những lúc con ốm đau ngoài sự hỗ trợ từ phía cha mẹ chồng, phần lớn là do một mình bà xoay trở. Thương vợ vất vả vì phải thay chồng nuôi dạy các con, nên chồng bà xin chuyển về làm ở gần nhà. Nhà ở gần nhau, vợ chồng có cơ hội chia sẻ vui buồn nhưng cũng từ đó ông bà gặp phải những bất đồng trong cuộc sống. Một trong những bí quyết giữ hòa khí giữa 2 vợ chồng được bà Loan chia sẻ chính là sự tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau. Nếu như việc gì bà không đồng ý thì ông không làm và ngược lại. Có lẽ vì thế mà mâu thuẫn dù nhỏ hay lớn cũng đều được ông bà hóa giải nhẹ nhàng.
Chị Mai Thị Bích Đào (con dâu bà Loan) cho hay tính đến nay cha mẹ chồng chị đã có 65 năm gắn bó nhưng tình cảm, sự quan tâm chăm sóc nhau thì chẳng kém gì những cặp vợ chồng mới cưới.
Nhiều nhận định cho rằng ngày nay mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm cho mối quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ với các con ngày càng lỏng lẻo, bếp lửa gia đình dần nguội lạnh. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít gia đình dù bận rộn với công việc vẫn dành thời gian cho nhau, chia sẻ để cùng giữ ấm ngôi nhà.
Gia đình anh Nguyễn Khánh Hưng và chị Trần Thị Diệp Hải Dung (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) là một trong những gia đình như thế. Anh Hưng cho biết từ ngày anh thôi giảng dạy lên làm quản lý, ngày nào anh cũng phải đến trường giải quyết công việc, vợ anh dạy học theo tiết nên thời gian cũng vô chừng. Vì vậy việc nhà và chăm sóc các con anh chị đều chia sẻ cho nhau để vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa giữ lửa hạnh phúc. Riêng ngày chủ nhật anh chị nghỉ làm, các con nghỉ học nên cả gia đình sẽ cùng nấu một bữa ăn ngon, cùng chăm sóc vườn rau...
‘’Tuy chỉ là những giây phút ngắn ngủi so với khoảng thời gian dài đi làm, đi học nhưng đó là cơ hội để các thành viên trong gia đình chia sẻ và thêm gắn kết” - chị Dung bộc bạch.
* Chia sẻ với cộng đồng
Bên cạnh xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiều gia đình dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng vẫn động viên nhau cùng làm công tác xã hội, chia sẻ khó khăn với những người kém may mắn hơn.
Cảm mến vì là đồng hương cùng vào miền Nam lập nghiệp, anh Nguyễn Thanh Hoài và chị Nguyễn Thị Thiên (xã Gia Canh, huyện Định Quán) đến với nhau dù cả 2 không có gì ngoài đôi bàn tay trắng. Đôi vợ chồng trẻ cần cù làm thuê làm mướn, thuê đất trồng dưa hấu... Nhờ trúng vài vụ dưa cùng với sự chịu thương chịu khó và tiết kiệm của cả 2 vợ chồng, anh Hoài và chị Thiên sau nhiều năm cũng làm chủ được vài sào đất để canh tác. Anh Hoài chia sẻ, cuộc sống của vợ chồng anh chị thật sự chỉ mới ổn định cách đây 10 năm khi chuyển qua trồng rau bán cho các sạp rau ở chợ.
Cuộc sống ổn định hơn dù công việc trồng rau rất vất vả. Theo anh Hoài, trăm ngày như một cứ 1-2 giờ sáng anh chị đã phải thức dậy để cắt rau đem ra chợ bỏ cho các sạp. Về tới nhà, anh chị chỉ đủ thời gian ăn sáng, còn lại tiếp tục ra vườn tưới rau, làm đất, xuống giống đợt tiếp theo. Vất vả nhưng bù lại, sau khi trừ chi phí anh chị cũng kiếm được gần 300 triệu đồng/năm. Nghĩ lại cảnh nghèo khó năm xưa, anh chị bàn nhau làm từ thiện. “Vợ chồng tôi tặng quà cho học sinh đạt thành tích học tập tốt trong ấp mỗi khi kết thúc năm học nhằm động viên các cháu tiếp tục vượt khó vươn lên, đồng thời đây cũng là cách để tôi giáo dục con biết cách chia sẻ và nỗ lực trong học tập’’ - anh Hoài nói.
Với ông bà Lê Ngọc Cường và Phạm Thị Kim Loan, mặc dù tuổi đã cao nhưng hàng năm ông bà vẫn không ngừng đóng góp cho công tác chăm sóc người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đáng trân trọng hơn, ông bà còn vận động con cháu cùng giúp đỡ người kém may mắn hơn. Bà Loan nhớ lại thời còn dạy học, thấy một cậu học trò giỏi buồn bã vì sắp không được đi học bà đã chia sẻ với các thành viên trong gia đình và đều được mọi người đồng ý giúp tiền học, quần áo, sách vở cho học sinh ấy đến khi tốt nghiệp xong đại học và hiện đang làm kỹ sư. Biết ơn sự giúp đỡ của gia đình, cậu học trò năm xưa lễ, tết nào cũng dẫn theo vợ con đến thăm hỏi gia đình như những người con xa về thăm cha mẹ.
Nga Sơn