Văn hóa

Nắng

Sáng sớm, khi còn đang thòm thèm giấc ngủ đã thấy nắng mềm mại, khéo léo len qua cửa sổ. Nắng cùng với gió và vài cành lá bên ngoài tạo thành một chùm ánh sáng chuyển động, nhẹ nhàng nhảy múa, lay lên mắt, trên khuôn mặt, thắp sáng cả căn phòng đủ để đánh thức ngay cả những cô, cậu học trò ưa thức khuya, ngủ nướng.

Qua rằm tháng Giêng, nắng mới thật là nắng.

Đến trưa, nắng mới thật là nắng. Nắng trên ngọn cây là nắng mềm nhưng vẫn khiến những chồi non rũ xuống như ngại ngùng. Nắng trên dòng Đồng Nai hóa thành lấp lóa. Nắng rừng rực trên mái tôn, mái ngói. Nắng giần giật trên mặt đường đi. Nắng không còn thơ những vạt dịu dàng hay thăm thẳm một thuở màu vàng hoa cúc.

Nhưng vừa khi nắng dứt là gió lại nô nức tìm về; cùng với đêm, ngọn gió dịu dàng, mát lành xoa đi những gay gắt, nóng rát nắng lỡ làm vương lúc còn đứng bóng. Gió mát làm người ta lâng lâng và mê mải quên đi những gì không phải là gió.   

Nắng, nóng và gió đồng hành. Cùng với niềm vui của vụ mùa là những nỗi lo về tưới tiêu và hạn hán. Mùa nắng nóng là mùa của nhiều cây, trái đến kỳ thu hoạch hay trổ bông. Nếu vượt qua được những gay gắt, khắc nghiệt của nắng và nóng, vụ mùa sẽ luôn là bội thu.   

Bởi thế, dẫu có nắng, có nóng thì bao đời nay người nông dân vẫn vui vẻ và chờ mong nắng nóng về.

Nắng hãy cứ thật là nắng để mùa sẽ thật sự là mùa.   

       Trâm Oanh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  563,359       10/1,210