Văn hóa

Bao giờ hạn chế sử dụng túi ny-lông?

Chuyện sử dụng nhiều túi ny-lông không còn là điều lạ với các khu đô thị cũng như vùng nông thôn ở Việt Nam. TP.Biên Hòa là một trong những thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất cả nước với 1,2 triệu người nên rác thải túi ny-lông rất lớn.

Trong mỗi xe thu gom rác sinh hoạt nhỏ đều có từ vài trăm đến cả ngàn túi ny-lông. Trong ảnh: Công nhân vệ sinh thu gom rác gần chợ Biên Hòa.
Trong mỗi xe thu gom rác sinh hoạt nhỏ đều có từ vài trăm đến cả ngàn túi ny-lông. Trong ảnh: Công nhân vệ sinh thu gom rác gần chợ Biên Hòa.

Theo các nhà khoa học, túi ny-lông thải ra môi trường, chôn xuống đất phải mất vài trăm năm mới phân hủy được; nếu đốt ở nhiệt độ dưới 9500C sẽ gây ra chất độc dioxin. Phần lớn người dân đều biết sử dụng túi ny-lông loại không tự hủy nhiều sẽ gây hại rất lớn cho môi trường, song vì sự tiện lợi và thói quen nên vẫn dùng.

* Túi ny-lông ở khắp nơi

Mặc dù trên thị trường có bán loại túi ny-lông tự hủy nhưng chỉ có các siêu thị sử dụng, còn lại các chợ truyền thống và các đại lý, cửa hàng bên ngoài vẫn dùng túi ny-lông thường vì giá rẻ hơn khoảng 6-10 ngàn đồng/kg.

Nếu mỗi người dân Đồng Nai đều để tâm hạn chế sử dụng túi ny-lông và tránh xả rác trên đường sẽ đem lại mỹ quan đô thị và góp phần bảo vệ môi trường cho hiện tại và tương lai.

Bà Mai Thị Nga (ở KP.10, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết: “Mỗi ngày ra đường tôi thấy túi ny-lông bị mọi người dùng rồi bỏ ra đường rất nhiều. Đặc biệt ở những khu gần chợ, túi ny-lông người ta vứt đầy đường, phải đến khi có lao công đi quét dọn đường phố mới sạch sẽ lại”. Đi dọc các tuyến đường lớn của TP.Biên Hòa như: Nguyễn Ái Quốc, Cách Mạng Tháng Tám, 30-4, Phạm Văn Thuận, Võ Thị Sáu... dễ dàng nhìn thấy túi ny-lông đầy trên đường. Nhất là những khu đất trống thì rác túi ny-lông, cốc nhựa đựng cà phê, nước ngọt, trà sữa... tràn ngập.

Bà Nguyễn Thị Lợm, người chuyên thu gom rác ở phường Hòa Bình (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Trong rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình có rất nhiều túi ny-lông. Mỗi hộ đều dùng vài túi ny-lông/ngày và bỏ lẫn với các loại rác sinh hoạt khác nên tôi muốn phân loại cũng không có thời gian để làm”.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Long, người  chuyên thu rác ở phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa), nói: “Rác sinh hoạt hầu hết được đựng trong các túi
ny-lông, có hộ lo rác bị đổ ra ngoài còn lồng vài cái”. Việc sử dụng nhiều túi ny-lông đã trở thành thói quen của phần lớn người dân. Quan sát những người đi chợ sẽ thấy lượng túi được dùng rất nhiều, mỗi món đồ lớn nhỏ khách mua đều được người bán cho vào túi ny-lông. Dù có thể tiết kiệm vài món đồ bỏ chung 1 túi nhưng rất ít người làm việc này.

Ngoài ra, các quán trà sữa, cà phê mang đi để tiện lợi cho cả người mua lẫn người bán, đều sử dụng loại ly nhựa dùng xong bỏ đi, lên đến hàng ngàn chiếc mỗi ngày.

* Khó xử lý

Từ nhiều năm trước, các nhà khoa học đã khuyến cáo việc dùng nhiều túi ny-lông sẽ gây hại rất lớn cho môi trường. Ngành tài nguyên - môi trường cũng có chiến dịch dài hơi vận động người dân ở các khu đô thị hạn chế sử dụng túi ny-lông. Khi có nhu cầu sử dụng nên chọn loại có thể tự hủy nhằm góp phần bảo vệ môi trường, nhưng số người hưởng ứng không nhiều.

Mỗi gia đình đều thải vài túi nilon/ngày. Thu gom rác tại phương Quyết Thắng TP.Biên Hòa. Tên ảnh: QT
Mỗi gia đình đều thải vài túi nilon/ngày. Thu gom rác tại phương Quyết Thắng TP.Biên Hòa. Tên ảnh: QT

Ông Trang Phúc, Tổ trưởng marketing Co.opmart Biên Hòa, cho biết: “Để góp phần bảo vệ môi trường, siêu thị sử dụng túi tự hủy để đựng hàng cho khách. Ngoài ra, siêu thị bán túi dùng nhiều lần dành cho các bà nội trợ để hạn chế dùng túi ny-lông”. Hiện nay, hơn 70% rác thải sinh hoạt của Biên Hòa được đưa về bãi rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) để chôn lấp và trong đó có rất nhiều túi ny-lông phải xử lý bằng cách chôn.

Bà Quách Ngọc Bửu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi (đơn vị chuyên thu gom rác ở TP.Biên Hòa), cho hay: “Rác thải sinh hoạt ở TP.Biên Hòa phần lớn chưa phân loại được nên túi ny-lông lẫn trong đó chủ yếu đem chôn. Nếu người dân hạn chế sử dụng túi ny-lông và phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn”. Bên cạnh đó, dùng ít túi ny-lông và bỏ rác đúng nơi quy định còn giúp cảnh quan đô thị của thành phố xanh - sạch - đẹp.

Ông Nguyễn Văn Cung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh (TP.Biên Hòa), khẳng định: “Túi ny-lông nếu được phân loại tại nguồn sẽ đỡ cho khâu xử lý rất nhiều vì có thể tái chế thành hạt nhựa. Nhưng phần lớn người dân bỏ lẫn trong rác sinh hoạt nên khi công ty đưa vào xử lý phải lựa thủ công, nhưng cũng chỉ được hơn 60%, còn lại phải chôn và đốt”.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  671,425       1/876