Văn hóa

Trăng rằm tuổi thơ

Cứ gần đến Tết Trung thu tôi lại thấy mình rộn ràng nhịp đập con trẻ và chợt mơ về một miền xa xăm mà ở đấy có vầng trăng thật vàng, mùi của bánh dẻo và quả bưởi thật thơm, nơi đó là những miền cổ tích được bà kể chuyện cô Tấm, chú Cuội, chị Hằng.

 Một thời với lũ bạn chân đất lưng trần, qua khóm trúc hàng tre cùng nhau hì hục làm lồng đèn. Đêm trăng những chiếc lồng đèn lung linh đến lạ, nụ cười trong veo cùng niềm vui khi nhìn ngọn lửa bập bùng từ chiếc lồng đèn mà mình tự làm, cả đám kéo nhau đi rước đèn cùng hát đồng dao... cứ thế tiếng cười đùa vang cả xóm.

Dù bận việc đồng áng, chợ búa, nhưng cha mẹ tôi vẫn thu xếp chuẩn bị trung thu cho chúng tôi tươm tất. Cây bưởi sau nhà cha trèo hái, mẹ đổ gạo nếp vào cối, gò lưng vào vừa xay vừa dội nước, bột nếp hòa tan thành dòng trắng như sữa đặc sánh. Cha cho nhân được làm từ đậu xanh vào hấp chín.

Đêm rằm tháng tám, cha mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà tổ tiên trong nhà, đĩa bánh cúng trăng ngoài trời. Mẹ bảo phải cúng ông bà tổ tiên và đợi trăng lên mới được ăn. Thế là mấy đứa chúng tôi cứ ngồi ngóng ra phía bờ tre mong đợi trăng rằm mọc. Thời khắc ấy sao mà dài thế! Cha xem trăng và bảo năm nay trăng vàng thì năm tới sẽ được mùa.

Miếng bánh mà chúng tôi được chia phần trong đêm trung thu chỉ được làm từ  hạt gạo ở quê nghèo nhưng hương vị thì tôi không thể nào quên được, vị bùi bùi của đậu xanh, vị dẻo của gạo nếp và  mùi thơm nồng nàn của lá dứa, như gói trọn tình thương nồng ấm của ông bà, cha mẹ. Cả nhà quây quần bên đĩa bánh dẻo, uống trà, ăn bưởi,chúng tôi ngồi chăm chú nghe bà kể chuyện…

Tôi đã có một ký ức thật đẹp về trung thu như thế, nhớ về trung thu là nhớ về quê hương, nhớ về cội nguồn nơi đã cho ta từng hạt lúa củ khoai để lớn lên.

Hoàng Trường

Đồng Nai

© 2021 FAP
  670,712       1/259