Ngày 21-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã cho thanh tra lại toàn bộ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).
Đây là kết quả của những tranh cãi, khiếu nại giữa các văn nghệ sĩ, nhân viên hãng phim và Tổng công ty dịch vụ vận tải thủy (Vivaso) đã mua lại hãng phim hơn 2 tháng trước, khi hãng phim được cổ phần hóa.
Nhà nước nên minh bạch những chính sách, cơ chế nào dẫn đến việc rất nhiều tài sản công được sang nhượng lại cho tư nhân. |
* Tự do bán tài sản công?
Những tranh cãi xoay quanh các cam kết thỏa thuận mua bán giữa 2 bên và giá trị thực của tài sản hãng phim cũng như giá trị đã được bán đi. Có lẽ những người trong cuộc mãi mặc cả với nhau về lợi ích mà quên mất một điều căn bản đó là tài sản này thuộc về ai?
Việc một hãng phim cũng như những doanh nghiệp khác làm ăn thua lỗ, bán phá giá hay hóa giá là chuyện bình thường không những ở nước ta mà trên toàn thế giới. Nhưng VFS lại là một ngoại lệ rất khác. Bởi VFS được thành lập từ năm 1953 không phải với mục đích kinh doanh bình thường mà được lập ra với mục đích tuyên truyền cho công cuộc chính trị cách mạng. Đất đai cũng như tài sản của hãng được vận động từ nhân dân đóng góp. Nghĩa là tài sản này thuộc quyền sở hữu của toàn dân. Nhà nước chỉ đứng ra quản lý (đơn vị chủ quản hiện thời là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch). Lẽ ra, những tài sản này cũng như bao nhiêu tài sản công thuộc các tổ chức thuộc Nhà nước quản lý khác khi chuyển đổi mục đích hoạt động thì việc đầu tiên là phải trả về cho nhân dân.
Còn nhớ cách đây không lâu, Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch còn định đập phá trụ sở Hội và chuyển sang cho thuê xây dựng nhà hàng, khách sạn. Việc này với việc bán đi VFS đều vô lý và trái luật, trái với thực tế. Không ai có đủ khả năng và thẩm quyền chuyển bán kiểu ấy. Vậy làm cách nào mà đất đai cũng như tài sản của nhân dân trong VFS lại được cổ phần hóa và bán cho tư nhân mà nhân dân không được biết và can dự?
* …và tài sản văn hóa
Với lịch sử hơn nửa thế kỷ song hành và gắn liền với lịch sử dân tộc, VFS không thuần túy là một hãng phim bình thường mà còn là tài sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những giá trị về mặt nghệ thuật, tinh thần cũng như những đóng góp của hãng cho công cuộc cách mạng của đất nước là không thể cân đếm được. Nhưng nay hãng phim được đem ra định giá rẻ bèo so với giá trị thực là cách những người có trách nhiệm tôn vinh giá trị của hãng phim chăng? Ứng xử thô thiển với giá trị vật chất là điều khó chấp nhận được huống hồ là việc ứng xử với tài sản văn hóa của dân tộc. Đây lẽ nào không phải là khía cạnh đáng để quan tâm cân nhắc trước khi hành động sao?
Đó là chưa kể đến việc, VFS đã là một thương hiệu quốc gia lâu đời. Khi cổ phần hóa và bán cho một đơn vị vốn không có chuyên môn, phạm vi hoạt động cũng như không mấy mặn mà trong ngành điện ảnh như Vivaso thì liệu hãng phim sau khi bán đi có giữ được đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động? Liệu thương hiệu quốc gia lâu đời kia có còn tồn tại trong thời gian tới? Đây không phải chỉ là câu hỏi mang tính suy diễn, những gì đã xảy ra trong thời gian qua với hãng phim đã minh chứng cho việc hãng phim có nguy cơ tiêu tùng sau khi cổ phần hóa.
Tất cả những gì đang diễn ra và số phận của VFS - tài sản vật chất cũng như văn hóa của nhân dân - đang chờ câu trả lời từ phía những người đứng ra quản lý cao nhất.
Bảo Bình