Văn hóa

Xây dựng gia đình văn hóa bền vững

Phong trào "Xây dựng gia đình văn hóa" được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực trong việc duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa” được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực trong việc duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Giây phút quây quần sau một ngày làm việc của gia đình anh Phan Sông Đông và chị Nguyễn Thị Phương Anh (KP.3, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa).
Giây phút quây quần sau một ngày làm việc của gia đình anh Phan Sông Đông và chị Nguyễn Thị Phương Anh (KP.3, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa).

Một trong những kết quả nổi bật của phong trào ‘’Xây dựng gia đình văn hóa’’ phải kể đến đó là tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa’’ hàng năm luôn ở mức cao, nhận thức của các gia đình có chuyển biến tích cực.

* Chuyển biến trong mỗi gia đình

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh, qua 16 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tỷ lệ hộ gia đình tham gia phong trào ngày một đông đảo. Nếu như năm 2000 (năm đầu tiên triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa) toàn tỉnh chỉ có 59,07% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa thì đến cuối năm 2016 con số này tăng lên 98,57% (đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy hàng năm đề ra).

Sau 5 năm quen và tìm hiểu, anh Phan Sông Đông và chị Nguyễn Thị Phương Anh (ở KP.3, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) về chung một nhà. Hơn 12 năm chung sống, giữa anh và chị hiếm khi xảy ra bất hòa mà ngược lại luôn đầm ấm và bình đẳng.

Anh Đông làm công việc tự do nên có thể chủ động sắp xếp thời gian chăm lo cho gia đình. Trong khi đó, chị Phương Anh là giáo viên tiểu học, ngoài một buổi dạy ở trường, một buổi chị nhận giữ, ôn bài cho học sinh tại nhà nên công việc khá bận rộn. Việc đưa đón, cơm nước, tắm rửa cho con đều do một tay anh Đông quán xuyến. Anh Đông bày tỏ: “Chăm sóc con cái, làm việc nhà đâu phải việc của riêng phụ nữ, đó cũng là trách nhiệm, là hạnh phúc của người làm chồng, làm cha”.

Chị Phương Anh chia sẻ, chén bát còn có lúc xô nhau, vợ chồng sống với nhau cũng có lúc xảy ra bất đồng quan điểm. Gia đình chị cũng không ngoại lệ. Mỗi lần xảy ra bất đồng, thay vì nổi nóng, anh chị bình tĩnh ngồi lại trò chuyện, cùng nhau giải quyết. Vì vậy, những bất đồng lớn nhỏ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày đều được anh chị hóa giải nhẹ nhàng.

Xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, xây dựng xã hội văn minh hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài đã và đang tác động tiêu cực đến con người thì việc xây dựng gia đình văn hóa bền vững, hạnh phúc càng trở nên cấp bách.

Nhận thức được điều này, gia đình anh Trương Nguyễn Công Minh và chị Lê Thị Ngọc Luận (ở ấp 3, xã Xã Lộc 25, huyện Thống Nhất) luôn đi đầu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại địa phương. Kết hôn từ năm 1997, đến năm 2002 vợ chồng anh Minh ra ở riêng. Năm nào gia đình anh chị cũng được địa phương công nhận là gia đình văn hóa. Ngoài việc giữ cho gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, anh chị luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương.

* Cùng vào cuộc

Xác định gia đình là tế bào của xã hội, từ năm 2000 phong trào xây dựng gia đình văn hóa chính thức triển khai trên địa bàn tỉnh và trở thành một trong 7 chương trình lớn của phong trào ‘’Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa’’.

Hàng năm, ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ tỉnh đến cơ sở luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về thực hiện chương trình xây dựng gia đình văn hóa, như: Luật Hôn nhân - gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tổ chức hội thi, hội viên, các buổi giao lưu, tọa đàm và hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu trong toàn tỉnh. Điều này giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu hơn về vai trò, vị trí của việc xây dựng gia đình văn hóa trong sự phát triển của địa phương.

Từ ý nghĩa thiết thực của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ngoài Sở Văn hóa - thể thao và du lịch làm chủ công trong triển khai thực hiện, các tổ chức, đoàn thể cũng đã vào cuộc thể hiện ở các mô hình cụ thể thiết thực, như: Hội Liên hiệp phụ nữ với phong trào thi đua “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, mô hình “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân với mô hình “Gia đình nông dân hạnh phúc”, Hội Cựu chiến binh với mô hình “Gia đình hội viên gương mẫu”, Hội Người cao tuổi với mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”...

Theo đánh giá của Ban chủ nhiệm chương trình, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã thu được nhiều kết quả tích cực. Xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tỷ lệ hộ gia đình tham gia phong trào ngày một đông đảo. Các hộ gia đình nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tham gia cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” và các hoạt động nhân đạo khác ở cộng đồng... Từ những kết quả trên cho thấy, việc xây dựng gia đình văn hóa ngày càng trở thành nét đẹp trong đời sống của cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong các gia đình Việt Nam, từng bước xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Tuyết

Đồng Nai

© 2021 FAP
  574,690       24/1,136