Nguyễn Thế Vinh quen thuộc với khán giả trên các sân khấu ca nhạc và trên truyền hình khi anh xuất hiện với một cánh tay duy nhất vừa đánh guitar vừa thổi harmonica điêu luyện.
Nguyễn Thế Vinh còn là tên tuổi tin cậy để các nhà hảo tâm gửi gắm tình cảm cho anh trong vai trò thầy giáo ở Trường Hướng Dương - ngôi trường dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mà anh đang làm hiệu trưởng.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh biểu diễn. |
Lúc 15 giờ thứ bảy 17-6 này, (tại đường sách Nguyễn Văn Bình TP.Hồ Chí Minh) Trần Thế Vinh ra mắt tự truyện về cuộc đời anh: Ông giáo làng trên tầng gác mái do Nhà xuất bản Thế giới và Saigon Books ấn hành với sự chấp bút của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà.
Câu chuyện cuộc đời của Nguyễn Thế Vinh bắt đầu từ một tai nạn bất ngờ: mùa hè năm 1979, trong một lần đi chăn bò Vinh không may bị ngã từ trên lưng bò xuống đất khiến một đoạn xương trong cánh tay phải bị gãy cong lên. Ông thầy thuốc Nam đã bó tay anh quá chặt đến mức cánh tay bị hoại tử hoàn toàn, buộc phải cắt bỏ. Năm đó, Vinh vừa lên 9 tuổi.
Nỗi buồn chỉ thoáng qua, ngay sau đó anh trở lại cuộc sống đời thường với niềm lạc quan hiếm có. “Dù mất một cánh tay nhưng tôi vẫn phụ giúp ông ngoại và dì làm việc như khi cơ thể còn nguyên vẹn. Tôi luôn chân luôn tay như vậy không phải vì bị người lớn ép làm mà vì chính tôi muốn quen với cuộc sống chỉ có một cánh tay, muốn tin rằng khiếm khuyết ấy không quá nghiêm trọng” - Nguyễn Thế Vinh bộc bạch.
Gia cảnh khó khăn, Vinh từng nhảy tàu lửa “buôn lậu” vài ký mực khô từ Phan Thiết vào TP.Hồ Chí Minh. Đến năm 18 tuổi, khi đã thành sinh viên của Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Thế Vinh lại chuyển sang buôn cá phân - loại cá nhỏ phơi khô xay thành bột để làm thức ăn cho gia súc. Sau đó, anh còn trải qua nhiều công việc khác như vá xe ở lề đường, trông giữ bãi xe cho một người họ hàng…
Đọc tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái, bạn đọc sẽ nhận ra trong chặng đường mưu sinh đầy vất vả ấy chưa bao giờ Nguyễn Thế Vinh buông xuôi hay tự ti với khuyết thiếu của mình. Thậm chí có lần anh gắn cánh tay giả để trông mình được bình thường như mọi người xung quanh. Nhưng rồi ngay sau đó anh đã tháo cánh tay giả xuống với lý do: “Tôi thấy khó chịu với mình. Chẳng lẽ vì cái cánh tay giả mà bạn bè thích tôi hơn ư? Hay tôi đang vỗ về nỗi tự ái cá nhân một cách vụng về? Tôi nghĩ, khi là thằng bé con 12 tuổi, tôi còn làm được cái việc xóa bỏ ranh giới giữa tật nguyền và lành lặn thì tại sao khi là thanh niên gần 20 tuổi tôi lại không làm được việc đó?”.
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ: “Khi trò chuyện cùng Vinh, tôi thấy mình thực sự bị hút vào một thế giới khác - thế giới của riêng Vinh. Thế giới ấy hoàn toàn có thực, chuyển động và đổi thay từng phút. Tôi thắt lòng khi nghĩ suốt nửa đời người, mình đã trồi hụp đâu đó giữa những đợt sóng trào, cố gắng ghi những dấu ấn cá nhân nhưng rốt cuộc lại lẫn lộn đời mình vào đời người khác. Vinh chọn lối sống đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều: xem muôn trùng lận đận như là điều vốn dĩ, cứ bình thản đợi, cứ bình thản chung sống, cứ bình thản đồng hành với chúng”.
Giờ đây, khi nhắc về Nguyễn Thế Vinh không thể không nhắc về ngôi trường Hướng Dương. Ở đó có những thế hệ học trò đã trưởng thành, đóng góp cho xã hội; đặc biệt từ ngôi trường Hướng Dương đã có 31 em được sang Nhật học tập và làm việc. Anh cũng không màng đến việc các em có quay lại mái ấm xưa để tiếp sức cho mình, cùng dìu dắt những đàn em đang lớn; cũng không màng đến chuyện ơn nghĩa. Nguyễn Thế Vinh là hiện thân của những điều thiện, lương. Và có lẽ, câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói lên tất cả về con người anh: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”.
Tấm lòng của Nguyễn Thế Vinh đã khiến ca sĩ Ánh Tuyết cảm động nhận xét: “Ở Vinh có một điều rất hay là Vinh không bao giờ chứng tỏ bất cứ điều gì. Cứ an nhiên, nhẹ nhàng, rất giản dị, ôn hòa, sống tình cảm. Vinh luôn luôn giữ nếp sống này. Dù sau này Vinh là người có nhiều người biết đến, nhiều người ngưỡng mộ nhưng Vinh vẫn cứ bình thường như vậy, không hề chứng tỏ mình là ai, không hơn thua, không sân si… Bản chất Vinh thật sự tốt. Chính điều này ở Vinh đã gây thiện cảm với mọi người ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Đặc biệt mỗi lần Vinh nở nụ cười, sự hiền hậu, cởi mở, bao dung hiện ra rất rõ…”.
Còn nhà văn Nguyễn Đông Thức: “Con người nhỏ nhắn, có nụ cười hiền lành, dễ mến ấy, ngay từ phút đầu đã có một nét gì đó làm tôi thấy kính nể. Dù khuyết tật nhưng trông anh vô cùng vững chãi, cái vững chãi của cây tùng, cây bách đã qua bao nhiêu dông bão. Rất ít nói, đặc biệt là về công việc mình đang làm. Nhưng chẳng cần nói cũng biết sẽ không có gì có thể lay chuyển, khuất phục được con người này”.
Như một sự sẻ chia và đồng hành, mỗi cuốn tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái được bán ra, thầy giáo Nguyễn Thế Vinh và Saigon Books sẽ dành tặng 25 ngàn đồng để ủng hộ cho Trường Hướng Dương xây dựng thư viện và khu đọc sách...
Hoàng Nhân