Văn hóa

Đừng lơ đễnh với trẻ nhỏ...

Ngày 4-6, cư dân mạng "dậy sóng" khi một số đoạn clip các vũ công ăn mặc sexy với những vũ điệu phản cảm tại Công viên nước Đầm Sen được tải lên facebook.

1. Ngày 4-6, cư dân mạng “dậy sóng” khi một số đoạn clip các vũ công ăn mặc sexy với những vũ điệu phản cảm tại Công viên nước Đầm Sen được tải lên facebook. Trong những đoạn clip được chia sẻ, các vũ công ăn mặc hết sức hở hang, lắc điên cuồng theo điệu nhạc sôi động và thi nhau uốn éo thể hiện những động tác nhạy cảm, dung tục. Điều đáng nói là lúc ấy có rất nhiều trẻ em ngồi xem chương trình.

Các vũ công múa vũ điệu phản cảm tại công viên nước Đầm Sen. Nguồn: Internet
Các vũ công múa vũ điệu phản cảm tại công viên nước Đầm Sen. Nguồn: Internet

Trả lời báo chí vào chiều 6-6, ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng phòng Kinh doanh Công viên nước Đầm Sen, thừa nhận: “Chương trình diễn ra ngày 4-6 là chương trình chúng tôi làm thử nghiệm, gọi là Vũ điệu dưới nước tại sân khấu Vòi phun của Công viên nước Đầm Sen. Chúng tôi thực hiện với mong muốn có thêm một chương trình sinh động, vui tươi để phục vụ khán giả. Khi chúng tôi trao đổi với nhóm vũ công đã nói rõ tinh thần đó, nhưng không ngờ khi biểu diễn họ lại có những động tác nhạy cảm. Chương trình diễn ra khoảng 30 phút vào suất 14 giờ ngày 4-6. Nhận thấy chương trình không phù hợp phục vụ khán giả nhí nên ngay sau đó chúng tôi đã ngưng. Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi đến khán giả vì đã không kiểm soát được điều này”.

Lời xin lỗi của Ban giám đốc chỉ làm hạ nhiệt dư luận một phần, bởi công chúng còn rất nhiều điều băn khoăn. Họ đặt ra vấn đề tại sao những người quản lý không kiểm duyệt trước chương trình để các vũ công “xé rào”? Những hình ảnh phản cảm đó đâu chỉ diễn ra 1-2 phút  mà kéo dài cả 30 phút, không ai nhận ra sự bất ổn để ngăn chặn lại ư? Dù có xin lỗi thì những hình ảnh không đáng xem đó cũng đã đập vào mắt bao nhiêu đứa trẻ.

Không chỉ quy trách nhiệm cho Ban quản lý, nhiều ý kiến còn nghiêm khắc lưu ý cả các phụ huynh. Một bạn đọc trên mạng đặt câu hỏi: “Còn những người lớn có con nhỏ đang xem không biết phản ứng hay bế con ra nơi khác hay sao vậy?”. Một bạn đọc khác phân tích: “Trách nhiệm của Ban tổ chức và Ban quản lý công viên trong việc này là rõ ràng. Nhưng còn trách nhiệm của phụ huynh có trẻ em ngồi xem sao không ai nhắc tới? Thấy không phù hợp cho con em mình thì đừng kéo chúng vào xem. Vấn đề lớn là chính phụ huynh cũng không ý thức được việc đó có ảnh hưởng thế nào tới con em mình, nên mình thích thì mình coi và cho trẻ coi luôn.”

2. Chiều 1-6, một diễn viên đã từng vướng án ấu dâm tại Mỹ xuất hiện trong vở kịch thiếu nhi tại một sân khấu kịch, đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. Đứng về mặt phụ huynh có con nhỏ và cũng đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, một đạo diễn đã mở rộng ra vấn đề vai trò của nghệ sĩ trong việc phục vụ khán giả nhí: “Người nghệ sĩ khi biểu diễn trước công chúng, đặc biệt là khán giả thiếu nhi thì cũng như một người thầy. Có những điều đôi khi giáo viên trong trường học nói nhưng các em không nghe, không để ý nhưng lời thoại của nghệ sĩ trên sân khấu, trên truyền hình thì các em lại nghe và nhớ rất lâu. Nhiều nghệ sĩ diễn cho thiếu nhi còn chưa để ý đến chức năng quan trọng này. Phải ý thức rằng khi mình diễn cho các bé là mình đang giáo dục cho các bé về nghệ thuật, đạo đức, tâm hồn, tâm sinh lý… Như vậy mình nói một đằng làm một nẻo thì đâu được. Vẫn còn nghệ sĩ đứng trước các bé mà ăn nói thiếu cẩn trọng, nói xàm, nói nhảm, làm những hành động quá lố, thậm chí phản cảm rồi thấy các bé cười tưởng là vui. Nhưng sự vô tâm đó rất nguy hiểm vì các bé rất thích bắt chước và làm theo nghệ sĩ…”.

3. Một phụ huynh có con gái học lớp 6. Bé học rất giỏi và luôn là niềm tự hào của gia đình. Rồi một ngày, bé yêu cầu có laptop để làm bài tập thầy cô cho về nhà. Để con có đủ dụng cụ học tập, gia đình đáp ứng hết. Độ sau này bé thường đóng cửa vào phòng ôn bài với chiếc laptop. Vì bận con nhỏ, lại yên tâm về năng lực của con mình nên người mẹ cũng không để ý. Trong một lần tình cờ, chị bất ngờ phát hiện con xem phim người lớn trên chiếc laptop. Chị tá hỏa tìm mọi cách gặng hỏi thì hóa ra con chị biết đến phim do một bạn cùng lớp gửi link qua. Chị bị sốc một thời gian dài, nhưng khó khăn hơn là phải tìm cách để làm sao xóa được hình ảnh và sự tò mò về những thước phim mà bé đã lỡ xem.

Trẻ con như tờ giấy trắng, hầu hết chưa đủ năng lực để nhận biết và biết từ chối những gì có thể khiến trang giấy chuyển sang màu hoen ố. Trong thời đại mà dường như mọi tiện ích cứ bày sẵn để các bé thoải mái mở cửa bước ra thế giới, mà thế giới là bao la, tốt - xấu lẫn lộn. Ai sẽ bảo vệ trẻ nhỏ, ai sẽ hướng dẫn các bé biết tự bảo vệ chính mình. Người lớn ơi, xin đừng vô tâm, lơ đễnh…

Trí Trọng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  673,220       1/1,292