Văn hóa

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương: Đi vòng quanh nước Mỹ kể Chuyện trời ơi đất hỡi

Thật bất ngờ, khi cuốn sách đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương vừa tung ra không phải là về âm nhạc hay văn nghệ, mà là những ghi chép về những chuyện sau những chuyến "phượt" trên nước Mỹ của anh.

Phạm Đăng Khương
Phạm Đăng Khương

Thật bất ngờ, khi cuốn sách đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương vừa tung ra không phải là về âm nhạc hay văn nghệ, mà là những ghi chép về những chuyện sau những chuyến “phượt” trên nước Mỹ của anh.

Chuyện trời ơi đất hỡi (Saigon Books và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) được viết với văn phong hết sức dí dỏm, chuyện nọ xọ chuyện kia. Bên cạnh chuyện “trời ơi đất hỡi”, cuốn sách còn như một cẩm nang “phượt” nước Mỹ được cập nhật mới nhất, dễ hiểu nhất. Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cho biết:

- Đây là cuốn sách đầu tiên của tôi. Nói “cuốn sách” có vẻ ghê gớm quá, vì thực ra tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện viết sách, nghe đến chuyện đó có vẻ lớn lao lắm, nhiều lúc “rùng mình” nữa kìa!

Có lẽ phải dành lời cám ơn đặc biệt đến “ông” Facebook và cái điện thoại iPhone. Bởi từ ngày iPhone ra đời, hầu như tôi không xài bút viết gì nữa, vì mọi thứ hầu như đã có trong iPhone rồi. Ngay cả trong những buổi họp cũng không phải dùng sổ sách, giấy bút gì, cứ viết, vẽ thoải mái. Rồi từ ngày có Facebook, YouTube, tôi lại trở thành ông... tổng biên tập, cứ thoải mái viết bài, chụp hình, quay phim rồi post thẳng lên cho cả thế giới xem chơi.

Nhờ vậy nên khi đi bụi vòng quanh nước Mỹ mà không theo một tour nào, ngồi đâu tôi cũng lấy phone ra chụp hình, quay phim, ghi ghi chép chép.

Những ngày ấy, tôi chỉ có ý định ghi chép như những trang nhật ký để kỷ niệm, nhưng rồi có bài post lên facebook được bạn bè cổ vũ, khích lệ, nên cứ viết tới tới, viết cho thỏa đam mê, viết như người “điếc không sợ súng”. Viết riết rồi lúc nhìn lại, hệ thống lại cho có đầu đuôi, chương mục thì trở thành cuốn sách nho nhỏ như thế này đây.

 Nhưng tại sao lại là Chuyện trời ơi đất hỡi?

- Như đã nói, lúc đầu chỉ là những chuyện vui khi gặp lại bạn bè, đặc biệt là những bạn bè đồng hương. Viết một hồi, nhìn lại, đúng là chỉ những chuyện “trời ơi đất hỡi” vô thưởng vô phạt, chuyện tiếu lâm, có thể cười ra nước mắt. Nên suy nghĩ lại, tôi thấy có biết bao điều chia sẻ cho những người muốn tìm hiểu về nước Mỹ, muốn đi du lịch Mỹ theo kiểu đi bụi, đi phượt.

Thế là bên cạnh những chuyện “trời ơi đất hỡi” cũng có chuyện nghiêm túc, như tỉ mỉ trong từng cách nhìn, ghi chép để những ai muốn “phượt” nước Mỹ có thể tham khảo được. 

Có người cũng đề nghị đổi cái tựa, nói rằng chuyện bổ ích và mới lạ, chưa ai viết như vậy mà sao lại “trời ơi đất hỡi”, nhưng nghĩ lại mình đâu phải nhà văn nhà veo gì, viết tới đâu hay tới đó, lỡ có sai phạm chỗ nào cũng hổng ai bắt bẻ cha nhạc sĩ lãng tử nên giữ luôn cái tên đó. Biết đâu, cũng từ cái tên “trời ơi” đó mà sách lại bán chạy hổng chừng! 

 Đọc cuốn sách mới biết anh đã đến Mỹ từ năm 1996, từng làm công nhân trong một hãng điện tử để kiếm tiền. Hỏi thật, lúc ấy anh có ý định ở lại Mỹ luôn không?

- Thật ra, hồi đó tôi được cơ quan cho nghỉ phép dài hạn 1 năm ở Mỹ. Cũng đi lang thang bụi bờ khắp nơi, có lúc cũng muốn đi học thêm chuyện này chuyện kia mà sao bất tiện quá. Có lẽ tôi là một trong những văn nghệ sĩ hoặc nhà báo đầu tiên đi một mình kiểu đó từ năm 1996, nên mọi thứ đều mới lạ trong cách nhìn. Ở Mỹ mới được 1 tháng đã muốn trốn về, có lẽ chưa kịp chuẩn bị tinh thần để hội nhập, phần khác do công việc của tôi ở Việt Nam gắn bó với đám đông, với những sinh hoạt văn nghệ vui chơi ca hát, nên ở Mỹ trong thời điểm đó mọi thứ đều lạ lẫm và không phù hợp.

Ý định ở lại Mỹ thì không bao giờ có, vì tôi nghĩ mình có thể trở lại Mỹ nhiều lần sau đó mà không gặp khó khăn gì, miễn là luôn chấp hành luật pháp của Mỹ và Việt Nam.

Còn chuyện đi làm cũng là việc tò mò, muốn tìm hiểu cung cách làm việc trong nhà máy, công xưởng của người Mỹ, muốn tìm hiểu đời sống người Việt qua từng công việc hàng ngày. Bên cạnh đó lại có thêm chút đỉnh tiền xài, để tiếp tục “đi bụi” nên có người tạo điều kiện là tôi tham gia liền. Nhưng cũng chỉ một tháng trải nghiệm là đủ rồi.

 Là nhạc sĩ, những chuyến đi đã gợi cảm hứng cho anh như thế nào? Có nhạc phẩm nào anh viết trên đưng đi mà thành công, nổi tiếng không?

- Tôi là người thích xê dịch, nên mỗi chuyến đi là một niềm vui. Trong những chuyến đi, dù công tác hay du lịch, tôi đều tận dụng thời gian rảnh rỗi để quay phim, chụp hình, viết nhạc... Ngay cả lúc ngồi trên máy bay hay trên xe qua những chặng đường dài cũng hiếm khi có được giấc ngủ trọn vẹn, vì lúc đó dành thời gian để viết bài, sáng tác hoặc nhìn ngắm, chờ đợi những cảnh đẹp bất chợt bên đường để ghi vào ống kính. Cũng chính vì có Facebook, YouTube, nên đã thôi thúc tôi hàng ngày là phải luôn có clip mới, hình ảnh mới, bài viết mới để chia sẻ cùng bạn bè.

Trước đây trong những chuyến đi, tôi thường dành thời gian để viết nhạc, sau này lại dành quá nhiều thời gian cho việc quay phim, chụp hình. Nhờ vậy nên bây giờ đã có hàng ngàn gigabyte tư liệu phim ảnh đã quay khắp nơi, những tư liệu đó đã được sử dụng trong nhiều hệ thống karaoke của cả nước.

Cũng có những bài hát ra đời qua những chuyến đi, dù là trong nước hay ngoài nước. Bài Như cơn gió vô tình đã ra đời trong chuyến về núi Sập (An Giang) từ năm 1985.

 Sau Chuyện trời ơi đất hỡi, liệu anh có “thừa thắng xông lên” làm tiếp cuốn thứ 2 không?

 - Như đã nói, tôi không có ý định viết sách, không muốn trở thành nhà văn nhà veo gì đâu, lại càng mắc cỡ khi người ta gọi mình là “nhà văn”! Chỉ có điều sau khi cuốn sách Chuyện trời ơi đất hỡi ra đời, tôi post vài đoạn lên facebook rồi được báo chí giới thiệu, bạn bè vào đọc ủng hộ quá xá, từ đó mới hăng viết tiếp. Từ bữa sách được phát hành tới nay, ngày nào tôi cũng phải viết một đến hai chuyện theo phong cách “trời ơi đất hỡi” để kịp thời phục vụ bạn đọc... facebook! Có lẽ từ nay trở đi khi viết những bài mới, tôi cũng sẽ nặn óc để viết chút gì đó có vẻ bỡn cợt, lạ đời để người đọc cảm thấy bình dị và gần gũi hơn. Chuyện gì đến sẽ đến, nếu được đón nhận, biết đâu tập 2 sẽ thành sự thật.

 Xin cảm ơn anh!

Nước Mỹ bây giờ lại là nơi dừng chân của gia đình tôi, còn Quảng Ngãi là nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nên 2 nơi này đều cho tôi những kỷ niệm vui buồn đặc biệt.

Tôi cảm thấy rất tự hào khi mình được sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quảng Ngãi. Từ nhỏ đã có biết bao kỷ niệm ruộng đồng sông nước ở một nơi không điện không nước, thiếu thốn trăm bề. Tuổi thơ lại trải qua những năm tháng chiến tranh, nên khi lớn lên mới thấy những ngày bình yên hạnh phúc như thế nào. Chính vì những khó khăn, thiếu thốn của tuổi thơ, đã hình thành trong tôi những suy nghĩ, những tưởng tượng, những sáng tạo vô cùng phong phú. Chẳng hạn, tuổi thơ ở thôn quê làm gì có đồ chơi như ở thành thị, làm gì có phim ảnh, sân khấu... để giải trí, không có cả radio hay tivi, tất cả chỉ là con số 0. Vì vậy, đã có biết bao trò chơi tự nghĩ ra, tự làm: bắt cua bắt cá, đá dế, thả diều đá bóng, đánh trổng, ống thụt... Những điều ấy đã ăn sâu vào tâm trí, nên đi đâu xa, khi có dịp cũng muốn quay về nơi đã sinh ra. Được dịp trở về quê hương, lại tung tăng trên ruộng đồng sông nước, chìm đắm trong những thú vui bình dị của một thời. Cũng từ những điều nhỏ nhặt đó, có biết bao chuyện “trời ơi đất hỡi” đã được ghi lại trong sách này.

Bình Lợi (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  673,808       1/1,302