Mùa hè này, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam giới thiệu đến khán giả nhí vở kịch xiếc Bạch Tuyết và 7 chú hề (kịch bản và đạo diễn: Nguyễn Phi Sơn).
Bạch Tuyết và 7 chú hề sẽ diễn định kỳ vào thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại rạp xiếc công viên Gia Định đường Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp từ ngày 19-5 đến 27-8-2017. |
Lấy cảm hứng từ chuyện Bạch Tuyết và 7 chú lùn, đạo diễn Phi Sơn đã xây dựng câu chuyện mới khá vui nhộn và phù hợp để đưa những trò diễn xiếc vào câu chuyện. Vẫn là chuyện hoàng hậu - dì ghẻ ghét bỏ vì Bạch Tuyết xinh đẹp hơn mình nên nàng công chúa Bạch Tuyết phải chạy trốn vào rừng sâu và gặp… gánh xiếc rong của 7 chú hề.
Sự yêu mến, tình cảm chan hòa của những con người lương thiện đã khiến cuộc sống trong rừng thật vui nhộn. Mỗi khi Bạch Tuyết gặp chuyện buồn, bị mụ dì ghẻ bày kế hãm hại thì các chú hề ngay lập tức diễn trò để nàng lấy lại nụ cười. Và đó là “cơ hội” để đạo diễn đưa vào những màn diễn xiếc khá hấp dẫn như nhào lộn lưới bật, hình tượng, sức mạnh đôi tay, tung hứng, xe đạp, nhảy dây, xiếc trăn, xiếc chó, ảo thuật… Và như thế, nàng công chúa Bạch Tuyết đã dẫn dắt các bé rong chơi trong khu rừng cùng những chú hề thiệt dễ thương.
Diễn viên xiếc đa phần không có ưu thế về diễn xuất. Như diễn viên xiếc Quốc Nghiệp từng “đau khổ” chia sẻ: “Nghệ sĩ xiếc tụi tôi thường có “gương mặt cười”, nghĩa là ra sân khấu lúc nào cũng phải tươi, nụ cười nở trên môi, riết quen rồi nên mỗi lần tập kịch thấy khó khăn lắm. Lo diễn thì quên… làm xiếc, mà tập trung làm xiếc thì lại quên diễn”. Chính vì điểm yếu đó, nên nếu đi xem kịch xiếc mà chăm chú vào phần kịch sẽ thấy vở diễn chưa được trọn vẹn, vì sự lúng túng của nghệ sĩ khi xử lý tình huống kịch và đài từ không tốt dẫn đến mạch kịch không được suôn sẻ, cảm xúc vở diễn hay bị ngắt quãng.
Có lẽ, sau 4, 5 vở kịch xiếc với sự tham gia dàn dựng của một số đạo diễn khách mời, Nhà hát Phương Nam đã có được một số kinh nghiệm nên lần này sử dụng “cây nhà lá vườn”. Tác giả và đạo diễn là người của đoàn, có sự am hiểu về xiếc, có sự đúc rút kinh nghiệm từ những vở diễn trước đây nên Bạch Tuyết và 7 chú hề có một sự tiến bộ nhất định, dễ xem và hấp dẫn hơn.
Vở không bắt nghệ sĩ thoại kịch để phân tán sức mà áp dụng kiểu… lồng tiếng. Đường dây kịch cũng không bắt diễn viên diễn quá nhiều hoặc quá nặng tâm lý, dễ bị lộ… cái dở. Sự thể hiện tâm lý sẽ được đẩy mạnh bằng những cao trào trong các kỹ thuật diễn xiếc.
Bà Thùy Trang - Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn của nhà hát cho biết để dàn dựng vở diễn phục vụ cho các bé, mùa hè này nhà hát đã đầu tư gần 400 triệu đồng, với sự tham gia của gần 30 diễn viên của đội xiếc Bầu trời xanh. Vì chịu khó đầu tư nên Bạch Tuyết và 7 chú hề đã có những khoảnh khắc thật lung linh, thật đẹp, thật lãng mạn. Đạo diễn đã cố gắng xây dựng để vở diễn mang đúng màu sắc thế giới cổ tích vô cùng thần tiên trong đôi mắt trong veo của khán giả nhí. Đó là hình ảnh của tòa lâu đài, ngôi nhà bé xíu của 7 chú hề trong khu rừng sâu, ánh trăng mờ ảo chếch choáng sau dãy núi, tuyết rơi trắng xóa bầu trời…
Đặc biệt, để chuẩn bị cho vở diễn, nhà hát đã tậu hẳn một chú ngựa để chàng hoàng tử khôi ngô phi ngựa đến với công chúa. Sau đợt diễn, ngựa sẽ được nuôi và dạy để thực hiện các trò xiếc ngựa cho nhà hát. Phương Đông (vai Bạch Tuyết) và Trịnh Thắng (vai hoàng tử) thật đẹp đôi trên sân khấu, đạo diễn đã chăm chút để hoàng tử và công chúa có những màn xuất hiện thật lãng mạn: cảnh chàng dắt tuấn mã cho Bạch Tuyết cưỡi dạo quanh khu rừng, cảnh hoàng tử đu dây lụa bế công chúa trên tay bay lên trong tiếng reo hò của những chú hề, muông thú trong rừng…
Trí Trọng