Sáng nay, 22-5 tại Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa) diễn ra Liên hoan nghệ thuật diễn xướng dân gian Bóng rỗi - Địa nàng lần thứ 2. Sự kiện do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai phối hợp cùng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam,... tổ chức.
Sáng nay, 22-5 tại Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa) diễn ra Liên hoan nghệ thuật diễn xướng dân gian Bóng rỗi - Địa nàng lần thứ 2. Sự kiện do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai phối hợp cùng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên và Chi hội Văn nghệ dân gian Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
Một tiết mục Địa Nàng do Trung tâm Văn hóa tỉnh thực hiện. ảnh: T.Đỗ |
Nghệ thuật diễn xướng dân gian Bóng rỗi - Địa Nàng được nhiều tài liệu lịch sử, nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định đã ra đời, tồn tại ngay từ những buổi đầu lịch sử của vùng đất phương Nam và hiện hữu trong đời sống văn hóa của cư dân nơi đây.
* Bóng rỗi - Địa Nàng trong dòng chảy văn hóa
Trong chương trình của Liên hoan nghệ thuật diễn xướng dân gian Bóng rỗi - Địa Nàng, ngày 23-5 tại Văn miếu Trấn Biên sẽ diễn ra hội thảo “Tín ngưỡng thờ nữ thần và thực hành Bóng rỗi - Địa Nàng tại Nam bộ”. Đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong cả nước, đặc biệt khu vực Nam bộ có dịp gặp gỡ, trao đổi học thuật, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp bảo tồn về tín ngưỡng thờ nữ thần và thực hành nghệ thuật diễn xướng Bóng rỗi - Địa Nàng tại Nam bộ. |
Bóng rỗi - Địa Nàng là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mang tính chất nghi lễ và hội gắn liền với tín ngưỡng thờ Bà hay nữ thần ở vùng đất Nam bộ. Hàng năm, vào các dịp cúng vía trong gia đình và lễ vía tại các miếu thờ Bà đều có tổ chức nghệ thuật diễn xướng dân gian Bóng rỗi hoặc Địa Nàng.
Trong đó, hát Bóng rỗi là diễn xướng tổng hợp trong thực hành nghi lễ chủ yếu gắn bó với tập tục thờ nữ thần ở Nam bộ, như: hát sắc bùa, hát ông Tổng, hát bội, hát cải lương… là loại hình ca diễn xướng có cả ca, nhạc, múa, trò diễn và sân khấu với một hệ thống các tiết mục phong phú. Ở vùng đất Nam bộ, bóng rỗi được những người thực hành diễn xướng gọi là các bóng (bao gồm cả nữ và nam) múa hát dâng lên thần linh. Diễn xướng thực hành nghi lễ hát bóng rỗi Nam bộ chịu ảnh hưởng từ trình thức diễn xướng nghi lễ của Bà Bóng Chăm. Nguồn gốc của bóng rỗi được cho là ảnh hưởng điệu múa bóng dâng nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm được người Việt tiếp thu từ Trung bộ đến Nam bộ từ thời Nguyễn.
Còn hát Địa Nàng là tiết mục mang tính giải trí sau khi kết thúc nghi lễ, có thể trình diễn trước hoặc sau Bóng rỗi. Đây là màn biểu diễn gồm 2 nhân vật đóng vai ông Địa và Nàng tiên, còn gọi là Địa - Nàng. Chương trình Địa Nàng ngắn nên gọi là “chặp” (chặp bóng tuồng) hay chặp Địa Nàng. Chặp Địa Nàng vốn được bà con ưa thích trong lễ hội cúng Bà ở Nam bộ.
Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, chặp Địa Nàng đã thể hiện những ước mơ của con người: cầu mưa, cầu lộc, cầu tài. Địa Nàng được xác định xuất phát và phổ biến ở các tỉnh miền Đông Nam bộ với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi. Nhất là vào những năm mưa muộn, người nông dân bị hạn hán mất mùa, thu hoạch thấp kém, đời sống khó khăn.
Vì là môn nghệ thuật dân gian nên cách thức trao truyền, truyền dạy là tầm sư học đạo. Nghệ nhân bóng rỗi luôn luôn phải có thầy để học nghề, có khi nhà người nhà học theo kiểu chân truyền, hoặc có khi là thầy là người ngoài. Những người học nghề bóng rỗi thường là học từ lúc còn khá trẻ, đa phần ở tuổi thiếu niên.
Nghệ nhân Ngọc Thanh (ngụ TP.Hồ Chí Minh) cho biết bản thân học nghề bóng rỗi từ lúc mới 8 tuổi từ chính cô ruột và nay đã có thâm niên gần 20 năm trong nghề. Còn nghệ nhân bóng rỗi Ngọc Đào (ngụ TP.Hồ Chí Minh), người đã theo học nghề từ năm 14 tuổi, cho biết: “Một người học nghề bóng giỏi phải mất 3 năm liên tục học hỏi, rèn luyện nâng cao tay nghề. Trong đó, năm đầu tiên là tìm thầy học để biết, năm thứ 2 thành thạo và năm thứ 3 là điêu luyện để thăng hoa, phát triển nghề”.
* Cần được nhìn nhận đúng
Bóng rỗi - Địa Nàng là nghệ thuật diễn xướng nghi lễ trong tín ngưỡng thờ nữ thần, là di sản văn hóa do quần chúng nhân dân tự sáng tác trên cơ sở kế thừa và phát huy có chọn lọc văn hóa của các dân tộc ở Nam bộ. đồng thời, là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gồm có 2 chức năng cơ bản: đáp ứng nhu cầu tâm linh và thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.
Song có một thời kỳ bóng rỗi bị nhìn nhận như là hình thức của mê tín dị đoan, và những người làm nghề bị xem là những “con bóng” không được trân trọng. Ngoài ra, nghệ nhân bóng rỗi còn bị định kiến là những người giới tính khác thường. Tuy nhiên, khi xét về tính chất văn hóa nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật dân gian thì họ chính là những nghệ sĩ, bởi mỗi người đều phải có trình độ chuyên nghiệp, diễn xuất chuyên nghiệp, kỹ năng thành thục, đôi khi có những người đã đạt ở trình độ đỉnh cao. Do vậy, việc nhận thức, đánh giá đúng về nghệ thuật Bóng rỗi - Địa Nàng là rất cần thiết.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, hiện nay trong đội ngũ những người hành nghề Bóng rỗi - Địa Nàng có không ít người học nghề không tới nơi tới chốn và chạy theo gu giải trí thị trường, không phù hợp cho các màn biểu diễn hay diễn xuất trước khán giả, làm vẩn đục nghệ thuật truyền thống dân tộc… Như chia sẻ của nghệ nhân Địa Hữu Lợi (ngụ TP.Hồ Chí Minh), diễn xướng chặp Địa Nàng hiện nay đang có xu thế phát triển cùng với các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Tuy nhiên bên cạnh đó, chất lượng nghệ thuật lại suy giảm, biến tướng.
Nguyễn Thị Nguyệt - Văn Truyên