Chỉ là một làng nhỏ của người dân tộc S'tiêng nằm ở phía Tây quốc lộ 14, cách trung tâm huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) khoảng 21km, nhưng nhiều năm qua sóc Bom Bo nổi tiếng trong cả nước. Đó là nhờ sức vang từ ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng.
Chỉ là một làng nhỏ của người dân tộc S’tiêng nằm ở phía Tây quốc lộ 14, cách trung tâm huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) khoảng 21km, nhưng nhiều năm qua sóc Bom Bo nổi tiếng trong cả nước. Đó là nhờ sức vang từ ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng.
Người dân Bom Bo tái hiện cảnh giã gạo chày đôi trong thời kỳ kháng chiến. Ảnh: H.T |
Khoảng năm 1965, quân khu và Bộ Chỉ huy quân sự Miền quyết định mở chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long nhằm làm suy yếu quân đội Sài Gòn trước khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam. Chỉ huy chiến dịch là đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Lực lượng tham gia trên hướng chính của chiến dịch có Sư đoàn 9 chủ lực, các đơn vị pháo binh, phòng không, công binh, đặc công của Miền, Tiểu đoàn 840 của Quân khu miền Đông và bộ đội các tỉnh Bình Long, Phước Long.
* Nhịp chày, nhịp hát
Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5-1965, các lực lượng tham gia chiến dịch bắt đầu tập kết về 2 khu vực Phước Bình và TX.Phước Long để nhử viện và tổ chức trận địa phục kích tiêu diệt địch trên đường số 2, đoạn Phước Bình - Phước Long. Số lượng người tham gia chiến dịch rất lớn, để đảm bảo bí mật Bộ chỉ huy chiến dịch không thể huy động dân công tải lương thực, thực phẩm mà phải huy động tại chỗ. Với sự vận động của cách mạng, đồng bào dân tộc ở các ấp Bù Nho, Phú Riềng, Sơn Hàng đã cung cấp hàng chục tấn gạo; riêng đồng bào dân tộc S’tiêng ở sóc Bom Bo không chỉ đóng góp lúa, khoai mì mà còn được huy động để giã gạo cung cấp cho chiến dịch.
Già làng Điểu Lên cho biết sóc Bom Bo thu hút rất nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về đời sống kháng chiến, phong tục tập quán, nét văn hóa của người dân tộc S’tiêng, về phong trào giã gạo nuôi quân một thời nhờ ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Nhiều đoàn khách đã đề nghị dân làng tái hiện cảnh giã gạo ngày xưa. |
Già làng Điểu Đố năm nay 96 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và vẫn luôn khắc sâu hình ảnh những ngày người dân sóc Bom Bo tham gia phong trào giã gạo nuôi quân. Già kể, thời điểm diễn ra chiến dịch Đồng Xoài, đồng bào sóc Bom Bo nhận nhiệm vụ khá nặng nề: trong vòng 3 ngày phải giã xong 15 tấn gạo, tức mỗi người không phân biệt già trẻ, lớn bé phải giã khoảng 150kg gạo. “Bây giờ người ta xay lúa bằng máy, 15 tấn gạo xay chỉ mất vài tiếng, còn hồi xưa đồng bào S’tiêng giã gạo bằng sức người với cối chày đơn sơ, mất rất nhiều thời gian. Mà thời đó không phải nhà nào cũng có cối, chày để giã gạo. Dân Bom Bo chúng tôi huy động toàn bộ cối, chày trong sóc vẫn không đủ, nên đã nghĩ cách dùng cây sao dài khoét thành hàng chục lỗ cối, thanh niên nam nữ, người già, trẻ con đều tham gia giã, sàng gạo, đóng bao, vận chuyển. Nhưng do ban ngày còn phải lên nương trồng lúa, trồng mì để đảm bảo cái ăn nên tối về chúng tôi đốt đuốc giã gạo cho đến gần sáng. Không khí giã gạo ban đêm phục vụ chiến dịch rất sôi nổi, cả sóc ai cũng tham gia” - già làng Điểu Đố kể.
Thời điểm đó, nhạc sĩ Xuân Hồng nằm trong biên chế của đoàn văn công Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cũng được huy động tham gia chiến dịch. Chứng kiến tinh thần hăng say lao động, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của người dân Bom Bo, nhạc sĩ Xuân Hồng tức cảnh sinh tình, sáng tác bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo để diễn đạt không khí giã gạo nuôi quân: Đuốc lồ ô bập bùng trong ánh lửa/ Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua/ Bồng con ra võng để đòng đưa/ Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa.
“Hồi đó ông nhạc sĩ đến đây, ở đây, cùng sống với bà con sóc Bom Bo chúng tôi. Ổng sáng tác xong bài hát chỉ trong vòng có một đêm thì đem ra hát cho chúng tôi nghe, ai cũng thích. Giờ thì ai cũng biết bài hát này. Nhưng tôi thấy nhiều người hát sai vì không hiểu. Ở đoạn đầu của bài hát, nhiều người hát: Cắc cùm cum, cắc cùm cum, cắc cum cum cụp cum. Hát vậy là dư hết một nhịp. Bởi vì người S’tiêng chúng tôi giã gạo theo chày đôi (2 người giã), chày ba (3 người giã) và chày tư (4 người giã), nhịp của bài hát là theo nhịp chày ba, chày tư, nên nếu hát như vậy là thành chày năm rồi, không theo nhịp sao mà giã được?” - bà Điểu Thị Rơi, một trong những người từng tham gia giã gạo năm xưa, nhận xét.
* “Trả lại tên cho em”
Sóc Bom Bo nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhưng trong giai đoạn hòa bình, có lúc “sóc Bom Bo không phải là sóc Bom Bo”. Nói về nỗi gian truân này, già làng Điểu Lên kể khoảng năm 1962-1963, chính quyền Sài Gòn chủ trương dồn dân vào ấp chiến lược, nhưng người dân sóc Bom Bo (thời điểm này thuộc quận Đức Phong, tỉnh Phước Long) kiên quyết không chịu kềm kẹp nên hơn 30 hộ với khoảng trên 100 người S’tiêng của sóc Bom Bo đã băng rừng, vượt suối vào căn cứ kháng chiến “Nửa Lon” trước đây (thuộc xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước ngày nay) lập ra sóc mới cũng mang tên sóc Bom Bo.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới và vợ chồng già làng Điểu Lên. |
Không thể không nhắc đến căn cứ “Nửa Lon”. Đầu năm 1960, Bộ Chính trị ban hành chỉ thị xây dựng căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên và mở đường 559 (đường Hồ Chí Minh sau này), Đoàn B90 do Thiếu tướng Phùng Đình Ấm dẫn đầu được giao nhiệm vụ này. Xứ ủy Nam bộ cử một đoàn cán bộ về tập kết ở Phước Long xây dựng căn cứ để bắt liên lạc với Đoàn B90. Do thông tin liên lạc hạn chế nên việc kết nối với Đoàn B90 chưa thực hiện được, đời sống đoàn cán bộ được cử đi rất khó khăn, lương thực thiếu thốn, chủ yếu là ăn củ rừng, lá bép, trái gấm, măng tre, lá nhíp, đọt mây... Nhiều người cho rằng do thiếu lương thực, tiêu chuẩn mỗi người trong đoàn chỉ có nửa lon gạo/ngày nên có tên là căn cứ Nửa Lon. Tuy nhiên, ông Trần Thiện Thành, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa), có người cậu là Hồ Thiện Nhân tham gia đoàn cán bộ bắt liên lạc, cho biết được cậu kể lại rằng lúc ấy cả đoàn mười mấy người chỉ có nửa lon gạo “cầm hơi” để xây dựng căn cứ, vì thế tên gọi căn cứ Nửa Lon đã ra đời để ghi dấu những ngày đầu kháng chiến gian khổ (thời kỳ này, nếu được tiêu chuẩn mỗi người nửa lon gạo/ngày là quá “sang”). Đồng bào sóc Bom Bo trong hoàn cảnh bị o ép đã tìm về căn cứ Nửa Lon, chính là tìm về với cách mạng. Trong thời kháng chiến, người S’tiêng Bom Bo liên hệ rất chặt chẽ với người S’tiêng ở Tà Lài, Bù Cháp (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) mà đứng đầu là già làng K’Lư.
Năm 1989, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nhau là Điểu Lên cùng 102 hộ đồng bào S’tiêng với 2 ngàn nhân khẩu lại di chuyển từ căn cứ Nửa Lon trở lại khu vực sóc Bom Bo cũ. Đến tháng 4-1998, tỉnh Bình Phước thành lập xã mới mang tên xã Bom Bo, nhưng sóc Bom Bo lại bị “mất tên”, gọi là thôn 1. 10 năm sau, thôn 1 lại bị chuyển “hộ khẩu” khỏi xã Bom Bo, về xã mới Bình Minh. Đây là “nỗi đau” của người dân sóc Bom Bo, bởi tên gọi của sóc không chỉ đơn giản là một địa danh, mà bao trùm lên trên hết chính là bản sắc văn hóa, là truyền thống kháng chiến của người S’tiêng Bom Bo. Suốt nhiều năm liền, bà con sóc Bom Bo kiên trì kiến nghị lên tỉnh, Trung ương đề nghị trả lại tên cho… sóc, đến năm 2011 thì thôn Bom Bo được trở về “chính chủ”, thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng.
Ngày nay, đời sống kinh tế của người dân Bom Bo đã phát triển hơn rất nhiều so với trước đây. Từ năm 2010, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt và triển khai đề án xây dựng Trung tâm bảo tồn văn hóa sóc Bom Bo rộng 113 hécta (trong đó 70 hécta là vùng lõi, còn lại là vùng đệm). Nhờ đó, người dân sóc Bom Bo có cơ hội bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng để phát triển du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử. Thôn Bom Bo ngày nay có đường nhựa vào tận làng, có đèn điện sáng trưng vào tận mỗi nhà để đón khách du lịch homestay, không còn “đuốc lồ ô bập bùng trong ánh lửa” như ngày xưa, còn có 2 nhà dài dân tộc S’tiêng. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm ở Bom Bo vẫn phát triển và được trao truyền cho thế hệ trẻ, cả thôn Bom Bo nhà nào cũng có người biết dệt thổ cẩm. Thôn cũng có đội văn nghệ biết hát những ca khúc S’tiêng, biết đánh cồng chiêng, các thành viên của đội đa số còn rất trẻ.
Hà Lam