Hôm rồi họp mặt bạn bè lớp học phổ thông, ai nấy đều chuyện trò rôm rả. Hỏi về gia đình, con cái, cô bạn tôi là công chức kể về mẹ chồng với tất cả sự yêu thương, kính trọng. Chị nói: "Mẹ chồng mình không chỉ là mẹ, mà còn là người bạn luôn đồng hành với các con trong cuộc sống".
Hôm rồi họp mặt bạn bè lớp học phổ thông, ai nấy đều chuyện trò rôm rả. Hỏi về gia đình, con cái, cô bạn tôi là công chức kể về mẹ chồng với tất cả sự yêu thương, kính trọng. Chị nói: “Mẹ chồng mình không chỉ là mẹ, mà còn là người bạn luôn đồng hành với các con trong cuộc sống”.
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Bạn tôi cho biết bà mẹ chồng của cô thuộc thế hệ cũ nhưng không hề “cổ lỗ sĩ”. Cuộc đời của bà thời xuân xanh cũng chất chồng phiền muộn với cuộc sống nghèo khó, đông con. Sự tần tảo lại càng nặng gánh khi một ngày nọ, người chồng vô tư bỏ lại vợ con để vui duyên mới khi bà vừa chạm tuổi 30. Một mình lam lũ nuôi 6 đứa con gồm 2 gái, 4 trai, đến khi bước qua tuổi 60 bà mới được “tạm nghỉ” việc kiếm tiền để chuyển sang làm “ôsin” trông cháu cho các con đi làm. Mỗi dịp con cháu về đoàn tụ ăn uống, bà đều phân việc cho tất cả mọi người, từ con ruột đến dâu, rể. Vì thế, sau bữa ăn việc thu dọn rất nhanh chóng bởi không ai được… ngồi chơi.
Chị còn kể, dù đã 75 tuổi nhưng bà vẫn còn minh mẫn, ăn nói rành rẽ, khúc chiết và có “uy” trong gia đình. Khi bà nói, các con đều ngoan ngoãn ngồi nghe bà chỉ dạy. Trong những lần gặp gỡ con cháu, bà luôn tranh thủ nói chuyện với con trai và con rể về tình thương và sự đỡ đần của người đàn ông với vợ mình. Lên chơi nhà con trai, bà chẳng bao giờ phiền lòng khi thấy con mình giặt giũ, nấu nướng, làm việc nhà phụ vợ. Bà bảo, phải như thế tình cảm vợ chồng mới gắn bó. Theo bà, thời xưa vì quan niệm trọng nam khinh nữ, người đàn bà về nhà chồng chỉ để sinh con và làm việc đầu tắt mặt tối. Bản thân bà từng bị đối xử tệ trong nhà chồng nên hiểu được nỗi khổ của phụ nữ. Bà nói: “Cuộc sống mỗi gia đình hiện nay do 2 người nắm giữ, nếu cùng chia sẻ với nhau mọi việc thì tình cảm vợ chồng mới yêu thương nhau hơn. Có những gia đình người chồng chỉ biết ngồi chờ cơm vợ nấu, ăn xong buông chén đũa rồi ngồi xem tivi, để vợ lụi hụi thu vén cho đến tận khuya thì không phải phong cách người Việt thời nay”.
Thanh Huyền (phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa)