Từ nay đến ngày 30-12, triển lãm điêu khắc TP.Hồ Chí Minh lần thứ 4-2016 diễn ra tại Khu du lịch Văn Thánh với sự tham gia của các nhà điêu khắc uy tín đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh, quy tụ được nhiều tác phẩm tâm đắc nhất được sáng tạo trong 5 năm qua.
Tác phẩm Cuộn của nhà điêu khắc trẻ Phạm Đình Tiến đoạt giải nhất điêu khắc 5 năm TP.Hồ Chí Minh lần thứ 4. |
Thế nhưng, cũng như nhiều trại điêu khắc từng được tổ chức tại nước ta, các tác phẩm được các điêu khắc gia tạc xong rồi để đó chứ chưa phát huy được giá trị thẩm mỹ nhằm phục vụ cộng đồng.
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, ước tính: “Gần như năm nào chúng ta cũng tổ chức các trại điêu khắc trong nước và quốc tế. Nhưng đến nay, các tác phẩm sáng tác từ các trại vẫn chưa được dùng vào việc gì, hoặc có dùng nhưng cách bảo quản rất kém”.
Giới điêu khắc còn nhớ, tỉnh An Giang đã 2 lần tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế vào năm 2003 và 2005, thế nhưng đến nay các tác phẩm vẫn chưa được trưng bày đúng mục đích. Mới đây vào cuối năm 2015, TP.Hồ Chí Minh tổ chức trại điêu khắc quốc tế ở Công viên văn hóa Đền Hùng với mục đích dùng các tác phẩm này làm đẹp cho các không gian công cộng, đặc biệt là công viên dọc 2 tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa. Một năm sau khi các nhà điêu khắc trong và ngoài nước hoàn thành tác phẩm, dọc công viên đường Hoàng Sa và Trường Sa vẫn chỉ có “cỏ xanh, mây trắng, nắng vàng”.
Tại một cuộc hội thảo về ngành điêu khắc tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào tháng 9-2015, nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh nói rõ về việc này: “Điêu khắc trong không gian công cộng ở TP.Hồ Chí Minh quá ít, gồm: ít về số lượng, ít về chất lượng và ít về sự quan tâm. Tượng ở công viên gần như không có, hiện chỉ ở Công viên Tao Đàn có một số tượng đặt tạm thời thành một đống chứ chưa phát huy hết giá trị mỹ thuật của mình. Theo tôi, TP.Hồ Chí Minh cần tổ chức nhiều trại sáng tác điêu khắc không hạn chế đề tài. Sau đó lập hội đồng chuyên môn tuyển chọn tác phẩm từ các trại này trước khi đưa ra đặt ở các vị trí công cộng”.
Điêu khắc gia Hoàng Tường Minh từng 2 lần dự trại điêu khắc ở Hàn Quốc, kể: “Sau khi hoàn thành tác phẩm trong một trại điêu khắc ở Hàn Quốc, các tác giả được mời đến một sân vận động mới xây dựng xong. Bên ngoài sân vận động đã đánh dấu các vị trí để đặt tượng, các tác giả tự thỏa thuận để chọn chỗ cho tác phẩm của mình. Hôm sau, ban tổ chức mang tác phẩm đến, trước sự chứng kiến của nhiều người, người ta đào vị trí để đặt tượng. Tôi rất ngạc nhiên, vì nhìn vào nơi đặt tượng của mình là một thảm cỏ xanh rì, nhưng khi gạt lớp cỏ đi là đã lòi ra ngay chân tượng bằng bê tông. Thì ra, khi xây dựng sân vận động, người ta đã thiết kế cả các vị trí để đặt tượng nằm trong quy hoạch tổng thể rồi”.
Tác phẩm điêu khắc xuất hiện trong công viên, trên phố đi bộ, khu dân cư… tại các đô thị Việt Nam không chỉ là mơ ước của riêng điêu khắc gia Hoàng Tường Minh. Nhưng để thực hiện được giấc mơ này, ngành điêu khắc cần sự “bắt tay” của nhiều ngành, nghề khác. Theo nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, để điêu khắc phát huy giá trị làm đẹp cho không gian công cộng tại TP.Hồ Chí Minh lại là việc của những nhà quy hoạch kiến trúc. Khi quy hoạch kiến trúc cần nhớ đến ngành điêu khắc, các điêu khắc gia chỉ tư vấn và thực hiện các quy hoạch này chứ không thể làm thay công việc của giới kiến trúc sư được.
Tất nhiên, không phải mọi người đều “vô cảm” với điêu khắc. Ông Lê Hùng Mạnh, Giám đốc Công ty xây dựng Gia Hòa (TP.Hồ Chí Minh), từng tâm sự: “Khi xây dựng khu đô thị nghệ thuật ở quận 9, chúng tôi đã quan tâm đến việc đưa điêu khắc làm đẹp cho không gian sống ở đây. Cụ thể, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi sáng tác tượng để chọn ra những tác phẩm đẹp nhất đặt trong khu đô thị này. Tôi còn mong muốn, nếu TP.Hồ Chí Minh cho phép, tôi có thể tài trợ sáng tác và thực hiện nhiều tượng vui đặt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. Nói thẳng, phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện có rất ít điểm nhấn để du khách chụp hình, mà tượng được tạo hình vui mắt sẽ làm điểm nhấn như thế”.
Hoàng Nhân